VĂN HÓA

Độc đáo hiếm có lụa dệt từ tơ sen đầu tiên tại Việt Nam

Nguyễn Hậu • 05-07-2022 • Lượt xem: 1163
Độc đáo hiếm có lụa dệt từ tơ sen đầu tiên tại Việt Nam

Chắc hẳn ai cũng quen thuộc với lụa dệt từ tơ tằm mà ít ai biết tới có một loại lụa dệt từ tơ sen độc đáo do một nghệ nhân người Việt sáng tạo ra. Một sản phẩm hiếm có tại Việt Nam và trên thế giới.

Ở Việt Nam sen là một loại hoa rất phổ biển được trồng ở khắp mọi nơi. Người Việt  rất yêu thích loại hoa này bởi vẻ đẹp và hương thơm thuần khiết, thanh tao của nó. Loài hoa này đã đi vào thơ ca với những câu thơ đơn giản mộc mạc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Hoa sen còn được coi là quốc hoa của dân tộc Việt Nam, đại diện cho hình ảnh của người Việt trên thế giới. Hoa sen tượng trưng cho nghị lực sống mạnh mẽ, lạc quan, suy nghĩ tích cực, vượt qua khó khăn thử thách, vươn lên trong cuộc sống của người Việt. Ngoài ra hoa sen cũng được mệnh danh là hoa của Phật, thể hiện sâu sắc những tư tưởng, triết lý và chân lý giác ngộ trong đạo Phật. Hoa sen trong phật giáo là đại diện cho tấm lòng hướng thiện, trái tim nhân từ một lòng phổ độ chúng sinh của Đức Phật. Trong phong thủy hoa sen còn mang yếu tố tốt lành, mang đến sự bình an, thanh tịnh, hút may mắn, tài lộc, làm dồi dào thêm vượng khí cho chủ nhà.

Mùa sen thường bắt đầu từ cuối tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Giữa trưa hè tháng 6 oi ả nắng cháy ra cháy thịt cũng không ngăn cản được sức sống mãnh liệt của loài hoa này. Cây vẫn vươn lên mạnh mẽ từ dưới bùn đen bung nở rực rỡ khoe sắc tỏa hương thơm ngát giữa đất trời. Hoa sen khiến cho bất cứ ai khi nhìn thấy, ngửi thấy mùi hương ấy cũng cảm thấy thật thư thái, yên bình. Cảm giác nhớ quê hương, ký ức tuổi thơ lại ùa về trong mỗi người con đất Việt.

Tại Hà Nội có một vùng quê yên bình có nghề nuôi tằm dệt lụa truyền thống từ xa xưa. Đó là làng Phùng Xá, Huyện Mỹ Đức cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 40km. Bà Phan Thị Thuận là một trong những nghệ nhân tâm huyết với nghề dệt lụa trong vùng này. Trong khi nghề dệt lụa trong vùng đang dần bị mai một đi bởi cuộc sống hiện đại thì bà lại đi ngược lại với dòng chảy thời gian.

Bà luôn đau đáu tìm hướng đi mới cho bản thân và cho cả những người dân kiếm kế sinh nhai. Bà thấy rằng những người dân trong vùng có ruộng đất ở những vùng đồng trũng ngập nước không trồng được lúa chỉ trồng được cây sen. Cây sen sau khi thu hoạch lá sen, hoa sen, hạt sen, củ sen còn cuống sen thì bỏ đi. Bà nghĩ rằng nếu tận dụng được cuống sen để dệt ra được sản phẩm từ sen thì rất quý và có thêm việc làm cho người nông dân.  

Tháng 7 năm 2018 sau nhiều năm nghiên cứu, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thành công với sản phẩm lụa từ tơ sen. Bà là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa thành công từ tơ sen thổi một làn gió mới vào ngành lụa Việt.

Trước đó trên thế giới, Myanmar được xem là nước đầu tiên có nghề đệt lụa từ tơ sen. Nghề dệt lụa từ tơ sen của nước này có từ khoảng năm 1910 khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan (Chaing Kham) cực nam của hồ Inlay. Sản phẩm đầu tiên tại Myanmar được cho là tấm áo cà sa dâng lên các nhà sư trụ trì trong vùng.

Lụa tơ sen là loại lụa độc đáo được dệt từ những sợi tơ được lấy ra từ trong cuống sen. Người thợ sẽ khéo léo kéo ra và se lại thành sợi. Được biết để làm ra loại lụa độc đáo này phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công tỷ mỉ nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ:

Để lấy được tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen rồi vặn lại và kéo tơ ra, vừa kéo vừa ve cho sợi tơ sen tròn lại. Mỗi một thân sen sẽ tạo ra một mét sợi tơ. Thợ thạo việc cũng chỉ rút được trung bình 200 cuống sen một ngày. Để đào tạo được người thợ thạo việc rút tơ sen cũng mất một tháng bởi kỹ thuật rút tơ sen đòi hỏi độ chính xác cao. Nếu cắt không chính xác sẽ làm đứt tơ sen và không rút được tơ ra. Tơ sau khi được rút xong sẽ được cho vào ống và đưa vào guồng dệt. Tất cả công đoạn đều làm thủ công hoàn toàn bằng tay. Trong quá trình quay sợi đòi hỏi người thợ phải tập trung cao để không làm đứt sợi tơ.

Công đoạn cuối cùng là dệt thành tấm lụa với những tấm lụa có hoa văn chìm người thợ đứng máy phải khéo léo khi đưa đẩy con thoi để tạo ra những hoa văn tinh tế. Sau khi dệt xong những tấm lụa sẽ được luộc ở nhiệt độ cao trong hơn một giờ để làm tan hết nhựa sen rồi sau đó đem đi phơi khô trong môi trường khô thoáng có ánh nắng. Để hoàn thiện một chiếc khăn lụa tơ sen phải trải qua 14 công đoạn thủ công cầu kỳ, tỷ mỉ.

Một chiếc khăn dài 1,7m, rộng 25cm cần tới 4.800 cuống sen và mất một tháng mới hoàn thiện một chiếc khăn. Chính vì vậy mà giá thành của một chiếc khăn rất cao khoảng 8 triệu đồng nên chủ yếu chỉ làm theo đơn đặt hàng.

Năm 2019 sản phẩm lụa từ sơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã vinh dự được thủ tướng Việt Nam là Ông Nguyễn Xuân Phúc mang tới hội nghị thượng đỉnh G20 làm quà tặng. Ngoài ra những sản phẩm từ tơ sen của bà cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật Bản…

Việc nghiên cứu và tạo thành công sản phẩm từ tơ sen là kết quả tốt đẹp bước đầu tạo dựng một nghề mới cho người nông dân. Đây sẽ là hướng phát triển mới cho những vùng đất ngập nước của Việt Nam. Tạo ra những vùng trồng sen thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm dệt lụa tơ sen, thưởng thức ẩm thực từ sen. Từ đó góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới.