VĂN HÓA

Độc đáo nét đẹp văn hóa từ họa tiết trên trang phục người Lào  

An Nhiên • 16-05-2022 • Lượt xem: 697
Độc đáo nét đẹp văn hóa từ họa tiết trên trang phục người Lào  

Đã từ lâu, nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số vùng cao vốn được xem là một nét văn hóa đặc sắc, chưa dừng lại ở đó việc khám phá ra ý nghĩa những họa tiết được thêu trên trang phục của họ cũng là những điều hết sức thú vị, chẳng hạn như những họa tiết trên trang phục của dân tộc Lào.

Phụ nữ Lào là những người thợ dệt vải rất khéo tay. Thông thường, những trang phục mà họ mặc đều do tự tay họ thu hoạch bông, kéo tằm, nhuộm, dệt, may, thêu lên nó. Hoa văn mà họ thêu được đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Lào. Phổ biến nhất là hoa văn hình rồng cổ đỏ, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, em gái biến thành chim và hình voi có người cưỡi… Hầu như mỗi loại hoa văn đó đều sẽ ẩn chứa những câu chuyện về tín ngưỡng và quan niệm về cuộc sống.

Ý nghĩa của các loại hoa văn

  • Hoa văn đôi rắn quấn nhau

Người Lào cho rằng không ai cũng may mắn để có thể thấy được đôi rắn quấn nhau. Họ bảo nếu thấy vậy thì hãy cởi áo ra và ném vào chúng, đợi đến khi chúng bỏ đi thì mang áo về và cất giữ thật kỹ. Khi nào trong gia đình có người đến tuổi kết duyên thì cho mặc vào sẽ lấy được người mình yêu, vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc.  

  • Hoa văn hình hổ 

Người Lào quan niệm, hổ là một con vật linh thiêng và có giá trị quyền lực rất lớn. Nếu giết hổ sẽ khổ ba đời và đi trên đường mà thấy hổ chết thì phải lấy vải phủ lên và khóc thương tiếc. Họ thêu con hổ để tưởng nhớ và đồng thời cũng như lời căn dặn con cháu không được làm những gì xúc phạm đến loài vật linh thiêng này. 

  • Hoa văn hình em gái biến thành chim

Người Lào thêu trang phục họa tiết này, một phần bắt nguồn từ câu chuyện trong một gia đình có hai anh em, người anh tuy đã lấy vợ nhưng vẫn chăm sóc và rất mực yêu thương cô em gái. Chính những điều này khiến người chị dâu cảm thấy ghen tức, không muốn tình thương của chồng mình chia sẻ cho người khác. Khi không có anh ở nhà, người chị luôn tìm cách đay nghiến và hà hiếp cô em gái. Khiến cô em uất ức vào rừng ăn lá ngón tự tử. Khi cô chết, biến thành con chim có tiếng kêu hơ hơ, vít vít, mà theo tiếng Lào nó có nghĩa là “anh cho chị giữ”. 

  • Hoa văn hình voi có người cưỡi 

Theo người dân Lào truyền nhau, thì ngày xưa có một người phụ nữ khi đi làm nương thì phát hiện một dấu chân voi ngập nước, đang lúc khát nên bà cũng uống mà không nghĩ ngợi gì nhiều. Bỗng dưng về nhà thì bà mang thai và sinh ra một bé trai vô cùng bụ bẫm. Khi lớn lên những đứa trẻ trong làng không ai chịu chơi với cậu bé và trêu đùa nó là không có ba. Cậu bé cảm thấy khó chịu nên không ngừng hỏi mẹ về ba. Thấy con hỏi hoài nên người mẹ chỉ đại vào rừng là ba cậu bé ở trong đó. Tin là thật nên cậu bé quyết tâm vào rừng tìm cha. Cuối cùng, cậu gặp được một con voi lớn, cậu hỏi voi có phải là ba của mình không, voi nói nếu như cậu là con của nó thì phải trèo qua vòi, lên đầu và cưỡi được trên lưng nó. Cậu bé đã làm được điều đó. 
Từ đó, người Lào dệt hoa văn này để nhắc nhở mọi người khi đi nương thì không nên uống những loại nước lạ.

Kinh nghiệm dệt thổ cẩm, thêu những họa tiết vẫn được những người phụ nữ Lào giữ gìn và truyền dạy cho các thế hệ sau.  Đó là những nét văn hóa truyền thống, nét đẹp đặc sắc của chính những con người nơi đây, để mỗi lần du khách ghé thăm ai cũng đều cảm thấy thú vị trước những sắc màu vải thủ công hút mắt, đằng sau đó còn chứa đựng những câu chuyện tín ngưỡng.