VĂN HÓA

Độc đáo nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc

Lan Hương • 03-12-2022 • Lượt xem: 720
Độc đáo nghệ thuật làm gốm của người Chăm Bàu Trúc

Giữa kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận, nghệ thuật làm gốm thủ công của người Chăm mang đến một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh văn hóa đầy sắc màu cần được lưu giữ.

Đồng bào Chăm tập trung đông đúc ở tỉnh Ninh Thuận, các cuộc khai quật tại đây cho thấy nền văn minh thuộc văn hóa Sa Huỳnh tồn tại lâu đời. Bà con nơi đây có rất nhiều nghề truyền thống, trong đó làng gốm Bàu Trúc (thuộc huyện Ninh Phước) là làng nghề nổi tiếng bậc nhất và là một trong số ít những làng gốm cổ khu vực Đông Nam Á còn lưu giữ cách thức sản xuất thô sơ.

Nét đẹp từ đôi bàn tay người phụ nữ

Cho tới nay, các tác phẩm gốm vẫn thành hình từ đôi tay của phụ nữ Bàu Trúc và được “mẹ truyền con nối” qua những thế hệ sau. Thay vì dùng bàn xoay như cách làm gốm ở nhiều nơi khác, người thợ Bàu Trúc sử dụng các công cụ đơn giản cùng với phương pháp truyền thống để tạo hình sản phẩm. Các phụ nữ di chuyển giật lùi quanh chiếc bàn kê để tạo ra dáng gốm và chăm chút bằng các vật dụng như vòng tre, vải thô nhúng nước mài vuốt cho sản phẩm tròn đều, láng mịn.

Để tạo được một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ làm gốm phải trải qua 6 bước bao gồm làm đất, nặn hình, chà láng, trang trí hoa văn, tu sửa và cuối cùng là nung gốm. Tất cả quá trình đều thực hiện bằng tay và đòi hỏi người thợ gốm phải có tay nghề cùng những kỹ thuật tinh xảo, để cùng một lúc có thể thực hiện được nhiều thao tác kết hợp và hoàn thiện sản phẩm tròn đều và đẹp mắt.

Chọn đất là khâu quan trọng với gốm Chăm Bàu Trúc, đất được chọn phải là loại đất lấy từ bờ sông Quao, do phù sa bồi đắp lâu năm và có độ kết dính đặc biệt tốt. Sau khi phơi khô, đất được đập nhỏ rồi trộn với nước ngọt và cát mịn, làm sao cho hỗn hợp thật nhuyễn.

Từ khối đất, người thợ gốm sẽ nhào nặn, tạo hình thành nhiều sản phẩm khác nhau như các bức tượng vũ nữ Apsara sinh động, hình tháp Chăm, những cô gái Chăm đầu đội bình nước duyên dáng… hay những vật dụng trong cuộc sống thường nhật.

Tiếp đến là công đoạn trang trí hoa văn, với lối trang trí đậm nét truyền thống, những đường khắc hình hoa lá, sóng nước, hình que, hình vỏ sò hay những hoa văn cách điệu… mang lại cho người xem cảm giác gần gũi mộc mạc. Một điểm đặc biệt của gốm Bàu Trúc theo các nghệ nhân của làng là người Chăm Ahier, họ kiêng kỵ vẽ những hoa văn hình người hay động vật lên gốm bởi quan niệm hỏa táng, một nghi thức trong lễ tang của người Chăm Bàlamôn.

Gốm Bàu Trúc không được nung trong lò mà sẽ nung lộ thiên trong khoảng 6 giờ ở nhiệt độ 500 – 600 độ C, với kỹ thuật nung được xem là có một không hai trên thế giới. Sản phẩm sau đó để nguội và phun màu để tạo nên vẻ ngoài khác lạ. Các màu được phun lên gốm chủ yếu là nâu, đen xám, vàng đỏ, đỏ hồng.

Văn hóa Chăm ẩn mình trên từng mẫu gốm

Gốm Chăm Bàu Trúc độc đáo ở toàn bộ khâu sản xuất không bị công nghiệp hóa ở bất kỳ công đoạn nào. Việc gìn giữ cách làm truyền thống góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng người Chăm.

Cho đến hiện tại, người làm gốm Bàu Trúc vẫn giữ cho mình nguyên tắc đảm bảo chất lượng, những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ phải loại bỏ ngay. Vì thế mà gốm của làng không bao giờ bị phản ánh hay trả lại.

Theo các nghệ nhân, muốn biết gốm đạt chất lượng hay không thì phải gõ để nghe âm thanh sau khi mới ra lò. Nếu tiếng gõ nghe vang tức là gốm đã nung đủ nhiệt, nếu tiếng gõ nghe cóc cách là chưa đạt về độ lửa và nhiệt nung, tiếng gõ nghe quá giòn tức là gốm bị nung quá lửa, còn khi gõ không nghe tiếng kêu nghĩa là sản phẩm thiếu lửa và còn sống. Tuy nhiên không phải ai cũng nghe được chính xác âm thanh để nhận biết chất lượng sản phẩm, việc này đòi hỏi sự cảm thấu của người làm nghề cùng với kinh nghiệm tích lũy một cách thấu đáo.

Ngày nay, các bé gái Chăm khoảng 13 tuổi đã được các bà, các mẹ dạy cho cách làm gốm, chính sự tiếp nối này khiến cho cái nghề truyền thống của gốm Bàu Trúc không bị đứt đoạn. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước với những giá trị cao quý, góp phần tạo nên dấu ấn lịch sử và làm cho văn hóa Chăm thêm rực rỡ sắc màu.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11 vừa qua, đây là một vinh dự lớn cho đất nước nói chung và cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây cũng chính là danh hiệu thứ 4 cùng với các di sản khác của đất nước được vinh danh trong năm nay bao gồm Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu – Hà Tĩnh, Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng và Thành phố học tập Cao Lãnh – Đồng Tháp.