VĂN HÓA

Độc đáo quyển sách làm từ đất và lá trà

Mỹ Nhi • 23-12-2022 • Lượt xem: 765
Độc đáo quyển sách làm từ đất và lá trà

Thưởng trà là nét văn hóa đặc sắc của các quốc gia phương Đông đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Nói về trà, từ khâu pha chế đến cung cách thưởng thức từ lâu đã không còn dừng ở chỗ là làm ra một thức uống để giải khát, thanh nhiệt nữa mà vượt lên trên đó là những giá trị về tinh thần và khí chất con người mang tính nghệ thuật.

Viết về hành trình của "Trà đạo" trong sự hình thành và những chặng đường phát triển, bộ sách "Trà kinh" của tác giả Lục Vũ (do Sơn Dã và Huy Đông dịch) và "Trà thư" của Kakuzo Okakura (do Trúc Diệp dịch) chính là những tư liệu quý báo để tìm hiểu, đào sâu và khám phá những vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật thưởng trà trong văn hoá phương Đông. Ấn bản tiếng Việt của hai tác phẩm này đã gây được ấn tượng mạnh cho độc giả với hình thức được thiết kế sáng tạo, độc đáo nhưng vẫn toát lên tinh thần của trà đạo vừa nhẹ nhàng, thanh thoát lại mang vẻ mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên.

Bìa sách được làm từ đất feralit, chàm, lá trà và giấy giang. Sự kết hợp mới lạ này đã tạo nên vẻ tươi mới, thu hút và nâng tầm giá trị cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong, làm nên sự khác giữa hai tác phẩm so với những quyển được xuất bản thông thường. Chia sẻ về việc cho xuất bản hai bộ sách về trà độc lạ nói trên, bà Phạm Thuỷ, Giám đốc truyền thông Thaihabook đã có những bộc bạch trong việc lựa chọn hình thức phá cách và sáng tạo bìa sách, đó là cảm hứng tuyệt vời với "một lẽ tự nhiên - cây trà được làm nên từ những hạt đất hạt cát. Chính vì vậy bìa sách được làm từ các chất liệu: đất - chàm, và lá thể hiện trên giấy giang để mang lẽ tự nhiên bình dị đó vào từng cuốn sách về trà”.

Quá trình làm bìa hết sức kỳ công và tỷ mẫn,  đất sau khi lấy mẫu sẽ được xử lý và lọc sạch tạp chất sau đó nghiền thật nhuyễn để cho ra thành phẩm những hạt cát vàng mịn màn, chàm được ủ cao để làm ra màu xanh dương đẹp mắt. Đặc biệt, chiếc lá trên bìa là lá trà được ép trên nền giấy giang, loại giấy đặc trưng của người H'Mông vô cùng chân thật và mộc mạc đồng thời gây hiệu ứng thị giác rất lôi cuốn. 

Nghệ thuật uống trà là cả một quá trình bền tâm vững trí của người thưởng thức chứ không đơn giản là uống. Uống chỉ là một hình thức để tiếp nhận và kết nối giữa con người với thế giới tinh thần của mình. Thông qua đó, từ dòng nước ấm nóng, từ vị đắng thanh tao, từ làn khói thoang thoảng mùi hương bốc lên của trà,... gợi cho người nghệ sĩ thưởng trà những suy ngẫm về thế nhân và cuộc đời trong một phong thái tĩnh tại và điềm nhiên, tao nhã. Để làm được điều đó, trà và các dụng cụ để thu hoạch, đựng trà, ấm, tách pha trà cũng phải được lựa chọn một cách kỹ càng và chất lượng nhất.

Trong cuốn "Trà kinh" những điều này đã được tác giả chia sẻ trong lần lượt các chương với ba chương đầu nói về đặc điểm của cây trà và dụng cụ hái trà, chương bốn giới thiệu về các thành phần trà cụ, chương năm hướng dẫn cách pha trà với những bước và quy tắc chuyên môn,... Bên cạnh đó, cuốn "Trà thư" của Kakuzo Okakura là một cơ hội để bạn đọc hiểu được giá trị của sự kết nối thông qua tách trà. Tác giả chia sẻ ngay từ thế kỷ 15, người Nhật đã xem thưởng trà là một hình thức nghệ thuật, cái tên "trà đạo" cũng từ đây xuất hiện và phổ biến cho đến ngày nay.

Thưởng trà là sự giao cảm nhẹ nhàng giữa linh hồn con người với nhau và với vạn vật, đó là nghệ thuật của  sự thuần khiết, tinh khôi và yên bình trong cảm thức và tâm hồn con người. Chính vì thế, trà đạo có thể thực hành ở mọi nơi, mọi người không phân biệt địa vị, giai tầng xã hội. Cũng vì tính chất thiêng liêng ấy mà trà nói chung và trà đạo nói riêng dần trở thành biểu tượng của nghệ thuật cuộc sống với sự thanh khiết, tao nhã góp mặt trong nếp sống, nếp sinh hoạt thường nhật của con người xứ Phù Tang. Với giá trị văn hoá và tình thần to lớn cũng như hình thức xuất bản độc đáo mà hai ấn phẩm về nghệ thuật trà này mang đến, tin chắc rằng "Trà kinh" và "Trà thư" sẽ được đông đảo độc giả đón nhận bằng tinh thần cởi mở và tích cực nhất.