VĂN HÓA

Đọc sách hay vào lúc nào?

Minh Minh • 26-08-2019 • Lượt xem: 2763
Đọc sách hay vào lúc nào?

Bạn có bao giờ hỏi bản thân mình: Cuốn sách hay nhất mình từng đọc là cuốn nào? Mình còn bao nhiêu cuốn sách chưa đọc? Cuốn nào đọc mãi chưa xong? Và đâu là thời điểm thích hợp trong ngày để mình đọc cuốn sách còn lại?

Karel Čapek (9/1/1890 - 25/12/1938) là một trong những tác giả vĩ đại nhất của Czech. Đối với nhiều người Czech, ông không chỉ là nhà văn nổi tiếng mà còn là một hình mẫu về đạo đức. Tác giả này cho rằng việc đọc sách cần đọc đúng thời điểm và nên đọc vào lúc đêm. Đây cũng là lí do mà nhiều người hay đọc sách được gọi nôm na là "cú đêm".

Ông từng ví von, khi đau răng, chẳng ai đủ bình tĩnh mà ngồi đọc hết một cuốn tiểu thuyết. Thế nhưng trên một chuyến xe và trong một sự chờ đợi ngắn hạn, đó lại là thời điểm hay ho để bạn đọc một truyện ngắn. Hãy đọc một tác phẩm truyện ngắn của Sekhop hay Nguyễn Huy Thiệp, nó là nguồn cảm hứng cho bạn có thêm sự cảm nhận hay hơn về cuộc sống.

Thế nhưng, vào lúc hơi thiếu quyết đoán và khi thấy lo lắng hoặc làm việc quá sức, bạn sẽ thích những cuốn tiểu thuyết nước ngoài, lịch sử hoặc không tưởng, chủ yếu là vì những tình tiết và thời đại xa xôi này không thực sự làm bạn lo lắng.

Vào những khi đột nhiên sức khỏe xuống dốc, hoặc phải nằm viện hãy đọc vài cuốn trinh thám. Sự phiêu lưu, ly kỳ sẽ giúp bạn quên mất cơn đau trong cơ thể mình. Nhưng nếu bệnh mãn tính thì việc đọc những cuốn sách phi thường sẽ giúp tinh thần bạn tăng tiến theo hướng tích cực hơn. Có lẽ đó sẽ là Dickens. Một người đọc thận trọng sẽ lưu ý rằng Dickens và Gogol là những tác giả khơi dậy khẩu vị ăn uống.

Trong ‘ngục tù và xiềng xích’, những cuốn sách an ủi nhất được cho là Bá tước Monte Cristo, Ba chàng lính ngự lâm hay Đỏ và Đen của Stendhal.

Vào chủ nhật, mọi người thích đọc các bài tiểu luận vì theo cách này, họ có thể thấy chán chường nhẹ nhàng trong hương thơm của sự tôn nghiêm; hoặc các tác phẩm cổ điển, đọc chúng được coi là "nghĩa vụ của mỗi con người có học". Nói chung, đọc vào Chủ nhật, giống như sự thể hiện của một hành động đáng kính hơn trong khi việc đọc hàng ngày giống như một cuộc chè chén hoang phí.

Tất nhiên, với văn học Việt Nam, nếu bạn cần một sự thanh khiết nhẹ nhàng và duy mỹ, đừng quên đọc Trần Thùy Mai. Nếu muốn những hàm ý tâm linh, huyền bí và nhiều ẩn dụ, đã có các truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà. Về thơ, Phong Việt có thể là món ăn tinh thần cho người đang yêu qua các bài thơ ướt át. Nhưng muốn làm một cuộc phiêu lưu, kiếm tìm và thử thách, hãy đọc Nguyễn Bình Phương

Trên đây chỉ là một vài  gợi ý nhỏ gửi tới những con mọt sách. Hãy đọc và tìm hiểu như một sự khai phá chính mình.