VĂN HÓA

Đọc sách là một quá trình đáng để đánh đổi

Đỗ Ngọc Hùng • 24-12-2022 • Lượt xem: 1429
Đọc sách là một quá trình đáng để đánh đổi

Đại văn hào Lỗ Tấn ví von rằng, đọc sách là một quá trình đau đớn. Vận dụng cho trường hợp bản thân, tôi thấy câu nói này rất đúng. Theo tôi, đọc sách cũng như vận động của một trái trứng, nếu bị tác động từ bên ngoài thì chỉ là món trứng chiên, ốp la còn sự vận động từ bên trong mới cho ra sự sống. Đọc sách là một quá trình đau đớn nhưng giúp con người ta trưởng thành hơn, tôi nghĩ vậy. 

Ban đầu, đọc sách với nhiều người theo cách lập luận của Lỗ Tấn là một quá trình ép buộc, bạn đi học bị thầy cô ép đọc sách giáo khoa, lên học đại học bạn được giới thiệu đọc thêm nhiều cuốn sách khác nếu bạn muốn nắm sâu một lĩnh vực nào đó. Và thực ra, nhiều người không thích đọc sách, họ đọc chỉ vì ép buộc, chỉ vì để có kiến thức làm bài tập nên đó là một quá trình đau đớn. Nhưng theo thời gian, nhờ đọc sách mà giúp mỗi chúng ta tạo ra một “bước nhảy” để bản thân mình trở nên tốt hơn (so với trước khi đọc sách). Bạn có đồng ý với nhận xét này không?

Bản thân tôi thích đọc sách về triết học nên trong tủ sách gia đình luôn có một số lượng lớn những cuốn sách về chủ đề này. Thú thật, vì đọc những sách này mà tôi có cái nhìn tốt hơn nhưng cũng có nhược điểm mà sau này tôi nhận ra là cách hành văn và cách nói của tôi cứ lan man theo ngôn ngữ của triết học. 

Vậy là tôi chuyển qua đọc truyện ngắn và từ đó ngôn từ của tôi cũng trở nên gọt dũa hơn, rõ ràng hơn và đầy hình ảnh hơn thay vì dài lê thê của ngôn ngữ triết học. 

Sau khi đọc rất nhiều sách, (có thời điểm tôi đọc một tuần một cuốn), tôi nhận ra, việc chỉ đọc mà không có áp dụng gì trong đời sống thì dù có đọc nhiều cũng không có giá trị gì nhiều cho bản thân. Do đó, tôi chuyển sang tâm thế đọc - trải nghiệm - đọc và tiếp tục trải nghiệm. Hóa ra, đọc sách và trải nghiệm giúp tôi nâng cao năng lực của mình lên rất nhiều thay vì đọc hết cuốn sách này đến cuối sách khác. Khi tôi đọc một truyện ngắn về tình yêu mô tả khi hai con người đi trong mưa và những ngôn từ đầy lãng mạn thì sau đó tôi tập cho mình có thể viết một đoạn văn với một ngữ cảnh tương tự. Hay khi đọc sách về kinh tế, tôi đọc chậm và lên hệ với vấn đề thực tế về những chính sách kinh tế trong và ngoài nước. 

Cũng vì thế mà tôi đã đọc sách ít lại nhưng chất lượng hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn. Sách có thể giúp ích cho mỗi người chỉ khi chúng ta vận dụng được trong đời sống. 

Vậy cuốn sách nào làm thay đổi cuộc đời tôi? Để trả lời một cuốn sách nào cụ thể sẽ rất khó vì cuộc đời của mỗi người là một biến phụ thuộc vào nhiều biến độc lập ở ngoài kia. Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư, nghĩa là ba người đồng hành, ắt sẽ có ai đó là thầy của ta của Khổng Tử có thể hiểu rằng, để trở thành thì trong mỗi chúng ta có nhiều người thầy khác nhau, người thầy đó là người dạy ta ở trường, có thể người ta gặp mỗi ngày hay từ những cuốn sách mà ta đã đọc, đã học. 

Vì thế, với tôi, mỗi cuốn sách mà bản thân đã, đang và sẽ đọc luôn có những điều thú vị để làm thay đổi cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn. Đọc sách có thể là một hoạt động “đau đớn” nhưng cánh diều muốn lên cao thì phải ngược chiều gió vậy.