Không chỉ là những địa điểm thiêng liêng, nơi hành hương của các tín đồ Công giáo, những nhà thờ còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của từng vùng đất, và là biểu tượng tâm linh của nhiều người dân.
Vương cung thánh đường St Peter (Vatican)
Thuộc tòa thánh Vatican, nằm trong thành phố Rome, Ý, Thánh đường St Peter là nhà thờ lớn nhất thế giới. Hàng năm, vào các dịp lễ, nơi đây thu hút khoảng 15.000 đến 80.000 tín đồ Công giáo, Thiên chúa từ khắp nơi trên thế giới hành hương. Với diện tích hơn 20.000 m2, công trình ở vị trí được cho là ngay trên phần mộ của Thánh Peter – một trong 12 vị tông đồ của Chúa Jesus.
Được xây dựng bởi các kiến trúc sư đầu ngành trong giới thời bấy giờ như Donato Bramante, Antonio Bordiani, Michelangelo… nên đây còn là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật lâu đời của nền hội họa, điêu khắc cũng như kiến trúc La Mã. Mái vòm sừng sững của Nhà thờ St. Peter là biểu tượng của nhà nước Vatican và một nét tiêu biểu nghệ thuật xuất chúng của thời Hậu Phục hưng và Baroque.
Do nhà thờ Thánh Phêrô có diện tích rất lớn và nằm sát nơi ở của Giáo hoàng, phần lớn các nghi lễ quan trọng trong đó có lễ Giáng sinh được cử hành tại đây.
Dấu ấn nghệ thuật Phục Hưng thể hiện bên trong Thánh đường bởi kho tàng đồ sộ bức bích họa, tranh ghép, phù điêu tinh xảo đầy nghệ thuật. 150 bức tranh bên trong nhà thờ được tạo nên từ hàng nghìn viên thủy tinh ghép lại với nhau. Nhiều bức tượng có giá trị lịch sử to lớn được trưng bày tại nơi đây như tượng Pietà (tượng Đức Mẹ Sầu Bi), Thánh Phêro được làm bằng đồng hay nơi chôn cất của các vị Giáo Hoàng…
Nhà thờ Mộ Thánh, Israel
Nhà thờ Mộ Thánh (Nhà thờ Phục sinh) nằm bên trong bức tường thành cổ Jerusalem - nơi luôn được các tín đồ sùng bái và trở thành địa điểm Cơ đốc giáo linh thiêng nhất thế giới. Địa điểm này được cho là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vào thập giá (đồi Sọ), đồng thời là nơi chúa Giêsu được mai táng và đã sống lại sau 3 ngày. Ngôi mộ được phát hiện bởi Helena, mẹ của hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Cơ Đốc giáo Constantine, vào năm 326. Ở trong nhà thờ có một phiến đá được cho là đã được dùng để đậy mộ Chúa và ngôi mộ Chúa Jesus tại căn phòng trung tâm hình tròn gọi là phòng rotunda.
Nhà thờ Mộ Thánh là điểm viếng thăm quan trọng của những Kitô hữu hành hương ít nhất từ thế kỷ thứ 4.
Công trình chứng kiến lịch sử thăng trầm của vùng đất khi đã bị phá hủy sau nhiều lần chiến tranh và bị các lực lượng xâm chiếm. Ngày nay, nhà thờ được dùng làm trụ sở chính của Thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp ở Jerusalem, trong khi quyền kiểm soát được chia sẻ giữa nhiều giáo hội như Công giáo La Mã, Giáo hội Armenia và Chính thống giáo Hy Lạp.
Chính vì tính lịch sử nên mỗi ngày, có rất nhiều người hành hương từ khắp nơi trên thế giới chen lấn để vào nhà nguyện bên trên ngôi mộ và tham gia các nghi lễ quan trọng như đổ dầu vào hòn đá Vô đạo và sau đó xoa nó lên một chiếc khăn tay để mang về nhà. Một ngày trước ngày Chủ nhật Phục sinh của Chính thống giáo, hàng nghìn người hành hương sẽ tụ tập quanh ngôi mộ để chứng kiến phép lạ của ngọn lửa thiêng.
Nhà thờ Hagia Sophia, Thổ Nhĩ Kỳ
Hagia Sophia được gọi là “Khu vực Lịch sử của Istanbul”, Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những nhà thờ cổ nhất thế giới và là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất của Đế chế Đông La Mã. Hagia Sophia trong tiếng Hy Lạp nghĩa là trí tuệ thánh thiện, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 360, đến năm 532 mới được xây dựng lại sau nhiều lần bị phá hủy. Năm 1453, khi Đế chế Ottoman lật đổ Đế chế Đông La Mã, nơi đây được người Hồi giáo sử dụng làm giáo đường cho người dân đến cầu nguyện; nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố Cơ đốc giáo còn sót lại trong kiến trúc của nhà thờ.
Ngày nay, Hagia Sophia là một nhà thờ Hồi giáo và là bảo tàng phục vụ khách du lịch đến tham quan với hơn ba triệu người mỗi năm ghé thăm.
Đối với giới nghệ thuật kiến trúc, Hagia Sophia được xem như báu vật vô giá vì sự pha trộn của các phong cách. Lối kiến trúc Byzantine đặc sắc, phía ngoài hình mái bát úp đồ sộ với đường kính 31m. Những tác phẩm trang trí bằng đá cẩm thạch mang nét đặc trưng của kiến trúc Hồi Giáo, bức tranh khảm điển hình cho phong cách Mosaic. Trần nhà hay vách đều trang trí bằng vật liệu khảm. Các dãy cột bằng đá cẩm thạch nhiều màu sắc lấy từ nhiều mỏ đá khác nhau ở Địa Trung Hải và lớp đá cẩm thạch ốp có vân làm tăng vẻ huyền bí. Đặc biệt, bên trong nhà thờ còn cất giữ những vật hiếm có như: một trong những mảnh đinh đã từng gắn trên Thập tự giá và bia mộ của Chúa Jesus, vải dùng để liệm Đức Mẹ Mary…
Nhà thờ St. Basil, Nga
Với màu sắc rực rỡ và kiến trúc độc đáo, nhà thờ thánh Basil tựa như tòa lâu đài cổ tích tráng lệ tại Quảng trường Đỏ, và được coi là biểu tượng của Moscow, Nga. Công trình được kiến trúc sư Postnik Yakovlev xây năm 1555 để kỉ niệm chiến thắng quân Mông Cổ theo chỉ đạo của Sa hoàng đầu tiên của Nga - Ivan bạo chúa.
Màu đỏ đẹp mắt của nhà thờ là do được xây bằng gạch đỏ nổi bật, theo phong cách Byzantine Nga. Nhà thờ thánh Basil giống như một ngôi sao 8 cánh (8 tòa tháp vây quanh một tòa tháp chính), với những tòa tháp chóp hình củ hành, mỗi tháp đều có một dấu thập thánh giá trên đình. Con số 8 mang ý nghĩa là số ngày chúa Jesus phục sinh. Ngôi sao 8 cánh là ngôi sao dẫn đường cho ánh sáng đến với loài người.
Công trình độc đáo này suýt 2 lần bị xóa sổ bởi Vua Pháp Napoléon Bonaparte và lãnh đao của Liên bang Xô viết Stalin.
Bên trong nhà thờ St. Basil chằng chịt phòng nguyện nhỏ và cầu thang. Các bức tường được trang trí bằng những hình ảnh hoa lá màu lam tinh tế toát lên vẻ đẹp trang nghiêm. Bàn thờ thánh làm bằng cẩm thạch có từ thế kỷ XVI. Ngày nay, nhà thờ St. Basil được dùng để cử hành thánh lễ cho công chúng trong những dịp lễ lớn trên Quảng trường Đỏ.
Tu viện Westminster, Anh
Nhắc đến địa điểm thể hiện sự uy quyền, linh hồn và lịch sử nước Anh phải kể đến Tu viện Westminster (Nhà thờ kinh sĩ đoàn Thánh Peter tại Westminster). Đây là nơi tiến hành các nghi thức quan trọng của Hoàng gia Anh (lễ đăng quang của Vua, Nữ hoàng, đám cưới hoàng gia), và cũng là nơi chôn cất của người Hoàng gia (Vua, Nữ hoàng Anh) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong Lịch sử Anh (Isaac Newton, Charles Darwin, Charles Dickens, Ben Jonson...)
Tu viện Westminster sở hữu vẻ đẹp cổ kính từ hơn 1.000 năm
Điểm đặc trưng của tu viện là kiến trúc cổ kính đại diện cho vẻ đẹp văn hóa nghệ thuật xứ sở sương mù với các ngọn tháp nhọn và tháp đôi kiểu Gothic, những nét kiến trúc Norman từ cánh cửa, các cột chống cỡ lớn. Khu vực điện thờ chính mang vẻ đẹp uy nghiêm, tráng lệ, tinh xảo, tỉ mẩn. Các bức ảnh lịch sử sẽ giúp chúng ta gợi nhớ lại những thời kì trước của nước Anh.
Vào lễ Giáng sinh, tu viện Westminster được trang trí rất đẹp mắt để đón hàng trăm ngàn người sẽ tới sám hối và cầu nguyện, mơ ước về một năm mới bình yên, hạnh phúc. Tất cả những người tham gia lễ tại tu viện sẽ cùng hát vang bài hát chúc mừng Giáng sinh để tạm biệt năm cũ và đón năm mới sang.