“Tháng giêng là tháng ăn chơi…”, vì vậy, nhiều lễ hội văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người Việt được tổ chức trên khắp cả nước nhằm tri ân tổ tiên, người có công và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Hướng về cội nguồn với những lễ hội cổ xưa
Là một trong những lễ hội cổ xưa nhất được tổ chức từ những năm 208 - 179 TCN, lễ hội Cổ Loa (Hội đền An Dương Vương - Đông Anh, Hà Nội) tưởng nhớ đến vua Thục Phán có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Diễn ra từ mùng 6-16 tháng Giêng, hội mở đầu bằng đám rước lớn của 12 xóm làng Cổ Loa, rước bài vị bằng Long đình, cùng với hương án và kiệu của các xóm từ đền Thượng xuống đình Ngự Triều Di quy. Đám rước đi vòng qua giếng Ngọc, cửa am Mỵ Châu, kéo dài bên bức tường thành cổ. Hội có nhiều trò vui, như: bắn nỏ Loa thành, cờ người, ném còn, đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, chọi gà. Buổi tối có biểu diễn rối nước, hát tuồng, ca trù, hát chèo.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) được tổ chức từ 15 -17 tháng Giêng, là lễ hội chọi trâu lâu đời nhất cả nước. Lễ hội có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên do Thừa tướng Lữ Gia khởi xướng. Mỗi khi thắng trận giặc Hán, ông cho mở hội chọi trâu để khích lệ tinh thần tướng sỹ, sau đó cho mổ trâu chọi để khao thưởng quân sỹ và dân làng. Sau khi ông mất, dân làng thờ làm thành hoàng làng và duy trì lễ hội chọi trâu hàng năm.
Những lễ hội linh thiêng và đông du khách nhất
Lễ hội khai ấn đền Trần từ lâu luôn là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất năm trên cả nước. Đây là sự kế thừa tập tục thời xưa khi nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ. Sự kiện thu hút du khách đổ về từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng. Phần lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (nửa đêm) ngày 14 và được tổ chức tại cả ba đền: Thiên Trường, Trùng Hoa, Cố Trạch. Người dân đến hội không chỉ để thắp hương bày tỏ lòng thành đến thần linh, xem lễ hầu đồng mà còn xin tờ ấn để cầu thăng tiến trong sự nghiệp.
Nhắc đến lễ hội chùa Hương là nhắc tới trải nghiệm vô cùng độc đáo khi du khách được lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc ngắm nhìn sông núi. Đây là lễ hội văn hóa có thời gian kéo dài nhất ở Việt Nam từ ngày mùng 6 đến hết tháng 3 Âm lịch tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Phần lễ tại chùa Hương thể hiện đậm nét tín ngưỡng Phật giáo của người Việt. Chùa Hương có kết cấu khá đặc biệt, được tạo thành bởi tập hợp nhiều hang động, đền chùa nằm trong lòng núi rừng thiên nhiên. Vì vậy, ngoài cầu bình an cho năm mới, du khách còn được ngồi thuyền, ngắm cảnh sông núi với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn…
Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) được xem là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”, thu hút du khách thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm hàng năm. Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu thiêng chùa Đồng" đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian…
Lễ hội đậm nét văn hóa di sản vùng miền
Diễn ra vào 13 tháng Giêng, Hội Lim được coi là nét kết tinh của vùng văn hóa Kinh Bắc với những hoạt động lễ và hội gắn với những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của hầu hết lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh. Đặc trưng nổi bật của lễ hội này là các Liền anh, Liền chị hát quan họ với nhiều loại hình đặc sắc như hát giao duyên, hát mời trầu, hát gọi đò…. Hội Lim có lễ rước với nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng như tục hát thờ hậu. Lễ hội cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…
Với những người dân tộc Tày ở miền núi phía Bắc, mỗi khi đào, mận bung nở, họ lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội xuống đồng). Đây là một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực…Phần nghi lễ cúng tế trời đất và thần linh với mâm cỗ gồm: xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng Tày, bánh dày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc... Sau đó là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu. Các chàng trai, cô gái tham gia múa khăn, múa quạt, ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ, thi cấy, thi cày ruộng….tạo nên không khí vui nhộn tại các bản làng.
Lễ hội Cầu Ngư (Lễ hội Cá Ông) là nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cư dân miền biển Nam Trung Bộ (trải dài từ Quảng Bình trở vào), nhằm cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa biển bội thu. Truyền thuyết kể rằng, mỗi khi ra khơi, thuyền gặp gió bão ngoài biển thường có cá Ông đến cứu, đưa thuyền đến nơi an toàn. Vì vậy, loài cá này được ngư dân tôn kính, trở thành vị thần Nam Hải. Phần lễ bao gồm múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế, và phần hội tùy vào địa phương mà người dân còn tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian khác nhau như đua thuyền, lắc thúng, bơi lội, kéo co, đấu võ, đan lưới, hát hò khoan, hát tuồng, hát bả trạo.
Những lễ hội đậm nét tín ngưỡng thờ Mẫu
Được xem là lễ hội Bà lớn nhất trong số các lễ hội sau Tết ở miền Nam, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương mang đậm văn hoá người Hoa vùng Ðông Nam Bộ. Ðêm 13/1 âm lịch, người dân bày bàn ra trước nhà để cúng tế chuẩn bị cho lễ rước Bà ngày hôm sau. Sáng 14/1, lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền: kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời. Ngày 15/1, người dân lại về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.
Hàng năm, nhiều người dân đến xin phước lành từ bà Linh Sơn Thánh Mẫu và tham gia Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh). Tổ chức từ mùng 10 đến rằm tháng Giêng, đây là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam. Du khách có thể lưu lại chùa vài ngày, thưởng thức cơm chay, tham quan ở đỉnh núi với độ cao 380 mét, nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà. Bạn có thể đi bộ hoặc cáp treo để tham quan quần thể các chùa Núi Bà với tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, trung tâm triển lãm Phật giáo…
Ngày 17 tháng Giêng tại Miếu Bà, thuộc xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (Bình Định), người dân hay tham dự Lễ Vía Bà. Đây là lễ hội tưởng nhớ Bà Đỗ Thị Tân – một người đỡ đẻ đã giúp nhiều sản phụ địa phương được “mẹ tròn, con vuông”, người được vua Tự Đức tặng sắc phong “Ân Đức Độ Nhân”. Khi bà mất nhân dân lập miếu thờ với tên gọi “Hội Sản Nương Thần Miếu”. Ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội rồng, đội lân trực khai phần xướng hát lễ. Phần hội diễn ra sôi nổi với biểu diễn võ thuật các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đập ấm, nhảy bao bố, chạy việt dã, và xem hát tuồng.