ĐỜI SỐNG

Đừng chủ quan khi vẫn còn Covid-19

Khanh Khanh • 22-04-2023 • Lượt xem: 16747
Đừng chủ quan khi vẫn còn Covid-19

Ở Việt Nam, số ca lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn ngày một tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Người dân và các địa phương cần hết sức tập trung cũng như chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch bệnh, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

Có cần phòng chống nghiêm ngặt như trước?

Dịch bệnh Covid-19 vốn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm ở Việt Nam. Theo thống kê từ Bộ Y Tế, số ca cả nước nhiễm bệnh có dấu hiệu tăng dần kể từ ngày 8/4, vượt mốc 2000 ca/ngày tính đến ngày 19/4. Đây là con số kỷ lục sau khi hệ thống y tế cập nhật trở lại trong hơn nửa năm qua. Từ số liệu trên, một số địa phương bắt đầu tăng cường các biện pháp cảnh báo trở lại.

Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ngay khi số ca nhiễm có dấu hiệu tăng một cách tiêu cực. Theo đó, trước dịp nghỉ lễ toàn quốc giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 sắp tới, những khu vực này bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn kịp thời sự bùng phát trở lại của đại dịch.

Tại TP.HCM, Sở Y tế thông tin số ca mắc đang có chiều hướng gia tăng, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thành phố bắt đầu chiến dịch bảo vệ nhóm người thuộc nguy cơ trước Covid-19. Qua đó, thành phố đề nghị các quận, huyện tuyên truyền, vận động người dân tiêm ngừa vắc xin trở lại, bổ sung thêm những mũi tiêm nhắc lại để duy trì lượng thuốc phòng trong cơ thể. Đối với các cơ quan giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các giáo viên, học sinh đeo khẩu trang trong trường học.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết sẽ tùy vào trường hợp của bệnh nhân mà có cách xử lý hợp lý. Đối với nhóm người không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ sẽ áp dụng cách ly, điều trị tại nhà trong 7 ngày nếu đủ điều kiện như trước. Nếu sau một tuần, kết quả của bệnh nhân vẫn dương tính thì tiếp tục cách ly và điều trị trong vòng 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin. Trường hợp nặng hơn sẽ tiếp nhận điều trị tại các bệnh viện được phân công.

Còn ở Hà Nội, người dân phải đeo khẩu trang mỗi khi đi đến nơi công cộng hay đông người. Hà Nội tăng cường lực lượng tiêm chủng gần 18000 liều vắc xin COVID-19 cho người dân. Một trưởng trạm y tế xã tại Hà Nội vẫn cấp giấy xin nghỉ phép, hưởng chế độ bảo hiểm cho bệnh nhân mắc bệnh ở trạm y tế. Sau 7 đến 10 ngày cách ly theo quy định, người dân sẽ được cấp giấy xác nhận khỏi bệnh khi đạt kết quả âm tính.

Dù đã được xem nhẹ hơn trước, nhưng Covid-19 vẫn là vấn đề tồn đọng và chưa được giải quyết triệt để ở Việt Nam đã hơn 3 năm qua. Các biện pháp phòng chống được sử dụng trở lại như trước, nhưng có tính hiệu quả cao hơn vì tỷ lệ người dân tiêm chủng cao. 

Đối diện với COVID-19 như thế nào trong dịp lễ sắp tới?

Sở Y Tế TP.HCM cho biết, Covid-19 đã phát triển đến biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron. Xu hướng lây nhiễm trong cộng đồng có dấu hiệu giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94,17%) nhưng đã tăng trở lại (chỉ riêng ngày 18/4 là 47 ca - cao nhất từ đầu 2023 đến nay). Tuy nhiên, số ca chuyển nặng dưới 2% so với tổng số ca mắc mới. Điều này thể hiện Covid-19 không có sự gia tăng về độc lực. Tính đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận biến chủng Covid-19 mới.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua cũng ghi nhận có đợt số ca nhiễm tăng. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là sự trùng hợp cho trường hợp các ngày nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 sắp tới. Sự bùng dịch ở miền Bắc có liên quan đến thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm khiến các bệnh liên quan đến hô hấp tăng cao.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM – nhận định Covid-19 không phải là vấn đề khẩn cấp trong giai đoạn hiện nay. Bệnh tình trong và sau dịch lễ có thể vẫn ổn nếu người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, thường xuyên đeo khẩu trang nơi đông người, sát khuẩn sạch sẽ và tiêm ngừa đủ mũi theo quy định.