'Trong khi tản bộ xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, tôi chợt thấy một thác chò đổ tuôn sau cơn gió hè. Những quả khô bay vòng vèo xuống rồi đáp bất lực trên nền bê tông. Vô phương bám rễ, những đôi cánh xụi lơ… Có một thứ gì đó trong tôi cũng tả tơi như thế'.
Đó là đoạn cuối dành cho cây chò nâu số 6 mà tác giả - nhà báo, nhà thơ người Mỹ Paul Christiansen (hiện là Giám đốc nội dung của tạp chí Saigoneer, đang nhiều tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế) viết trong bài Chò nâu Sài Gòn - Lời thì thầm dưới những tán cây của tuyển tập bút ký điền dã song ngữ Dưới tán chò nâu Sài Gòn. Có không ít tác phẩm xúc cảm từ chò nâu, nhưng ở góc nhìn của Paul Christiansen - vốn là người yêu thiên nhiên và thơ ca, chò nâu không chỉ có vẻ đẹp như một cây táo nở hoa hay quá trình sinh sản của loài tôm tép, mà còn là câu chuyện từ đâu chò nâu đến với Sài Gòn, vì sao những cây chò nâu được đánh số trên thân cây bằng sơn trắng, hay những hàng chò nâu viền ở các con đường mà ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905), giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên, tích cóp được từ vùng cao nguyên nhằm bảo vệ làn da nhạy cảm của người Pháp, đồng thời để truyền bá quan niệm về thiên nhiên của người Tây phương…
Tác giả - nhà báo, nhà thơ người Mỹ Paul Christiansen
Cùng với chò nâu là những đoản khúc xoay quanh những điều bình dị khác của Sài Gòn, Việt Nam như: tiệm tạp hóa, lục bình, sở thú hay những chủ đề “khó nhằn” như tục thờ cá Ông, đồn điền cao su, nghề nấu rượu…; tất cả được viết bằng giọng văn vừa dí dỏm, khoa học nhưng không kém phần thơ mộng. Không khó để cảm nhận những bài viết của Paul Christiansen đan xen giữa óc quan sát tinh tế của một nhà thơ và góc nhìn chuyên sâu của một nhà nghiên cứu về những cảnh quan, nghi lễ, sự thật lịch sử. Ví như ở Sở thú Sài Gòn, Tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, tác giả cho người đọc thêm một lần khám phá những địa điểm quen thuộc dưới một lăng kính mới. Trong mắt anh, những dây dầu gội và sữa tắm treo trước các tiệm tạp hóa được ví như “rêu bằng nhôm mọc trên cây hay những tấm màn bằng xâu chuỗi mà trước đây người ta dùng để che hậu cảnh…”.
Chuyển ngữ tập bút ký của Paul Christiansen là Trần Thị NgH - nữ văn sĩ nổi tiếng của văn chương phía nam trước 1975. Khi dịch tác phẩm này, dịch giả cho biết: “Không chỉ đòi hỏi nỗ lực Việt hóa tác phẩm sao cho không còn là văn dịch đồng thời đảm bảo trung thực ý nghĩa từng câu chữ so với bản gốc, mà còn phải làm thế nào để giữ được cái giọng châm biếm ở nhiều ngữ cảnh của tác phẩm, đặc biệt giọng văn rất thơ của tác giả”.
Paul Christiansen sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học St Olaf (Minnesota) và có bằng thạc sĩ nghệ thuật Đại học Quốc tế Florida (Mỹ). Nhận học bổng chương trình Fulbright, anh sang Quy Nhơn, Bình Định năm 2015 và sau đó chuyển đến VN làm việc. Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín và anh đã đoạt 2 giải thưởng thi ca của Viện Hàn lâm thi ca Mỹ.
Theo Thiên Anh/thanhnien.vn