VĂN HÓA

Đường hầm điêu khắc Đà Lạt thu hút nhiều người ghé thăm

Bài và ảnh: Hà Thành • 25-05-2023 • Lượt xem: 1287
Đường hầm điêu khắc Đà Lạt thu hút nhiều người ghé thăm

Được công nhận là công trình điêu khắc lớn nhất Việt Nam, Đường hầm điêu khắc là một điểm đến độc đáo, thú vị không thể bỏ qua đối với du khách khi tới thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Đường hầm điêu khắc là một công trình điêu khắc bằng đất đỏ bazan nằm trong khu du lịch Sao Đà Lạt, gần thắng cảnh hồ Tuyền Lâm, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 10km về phía Nam. Đây là một điểm đến mới mẻ của Đà Lạt trong những năm gần đây với nhiều thú vị, hấp dẫn. Công trình là một đường hầm lộ thiên với hai bên vách hầm là những tác phẩm điêu khắc liên hoàn.

“Đường hầm điêu khắc” được chế tác từ vật liệu chính là đất đỏ của vùng cao nguyên, kết hợp với một số phụ gia khác để tạo nên hợp chất bền vững mà vẫn giữ được màu sắc đặc thù của đất. Được thai nghén ý tưởng từ năm 2008, qua nhiều thử nghiệm, chủ nhân của khu du lịch này là ông Trịnh Bá Dũng đã thành công trong việc tìm ra vật liệu để hình thành nên tác phẩm điêu khắc lớn nhất Việt Nam. Từ những phác thảo ban đầu, công trình là kết quả của tập thể hơn 100 người, là những hoạ sỹ, nhà điêu khắc và thợ điêu khắc, thợ xây dựng đã tham gia kiến thiết và thi công.

Nội dung của tác phẩm này là sự mô phỏng và tái hiện Đà Lạt từ thủa cao nguyên hoang sơ cho tới quá trình 120 năm hình thành và phát triển. Ở đó có nhiều câu chuyện và những hình ảnh tiêu biểu của cao nguyên Langbiang và thành phố Đà Lạt.

Với chiều dài hơn 1km, Đường hầm điêu khắc ghi dấu ấn như một công trình - tác phẩm đặc biệt, đầy thi vị và lãng mạn cũng như vô cùng độc đáo.

Cổng dẫn vào Đường hầm điêu khắc cũng được dựng bằng đất.

Ngay kế bên là một con rồng đang phun nước, với ý tưởng sự khởi nguồn của dân tộc.

Đường hầm điêu khắc là một câu chuyện dài về cao nguyên Langbiang và thành phố Đà Lạt.

Cao nguyên Langbiang thuở hoang sơ với đàn voi và những rừng thông.

Hình ảnh ngôi nhà rông của những dân tộc Tây Nguyên.

Cuộc sống, sinh hoạt của những cư dân bản địa: giã gạo, uống rượu cần.

Đà Lạt hình thành và phát triển, tính từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra cao nguyên Langbiang. Đà Lạt trở thành thành phố với nhiều công trình kiến trúc.

Công trình trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt.

Nhà thờ Domaine de Marie (Nhà thờ Mai Anh).

Nhà thờ Chánh toà Đà Lạt (Nhà thờ Con gà).

Thiền viện trúc lâm và quả chuông lớn.

Viện Pasteur Đà Lạt.

Viện Sinh học Tây Nguyên.

Ga Đà Lạt với đầu tầu xe lửa cổ.

Không gian của hội họa với hình ảnh giá vẽ, pallette và những tuýp màu.

Không gian của âm nhạc với cây đàn guitar.

Bản nhạc ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Xe ngựa, hình ảnh quen thuộc của Đà Lạt một thời.

Chiếc xe Vespa cổ, một hình ảnh quen thuộc khác.

Toàn cảnh đường hầm điêu khắc.

Du khách tham quan rất thích thú với công trình đặc biệt này.