ĐỜI SỐNG
FOMO – Khi nỗi sợ bỏ lỡ khiến chúng ta lạc lối trong thế giới ảo
HaoKhanh • 27-12-2024 • Lượt xem: 884

Cùng với sự phát triển của thời đại, hội chứng Fomo (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Có phải mỗi sáng khi thức dậy, dù chưa tỉnh táo nhưng như một thói quen, bạn đã vơ lấy chiếc điện thoại ở kế bên, mở khóa và lên mạng xã hội? Bạn lo lắng nếu như bỏ lỡ một xu hướng nào đó mới xuất hiện? Bạn căng thẳng khi mọi người xung quanh đang nói chuyện về một vấn đề nào đó mới nổi mà bạn không hề hay biết? Bạn áp lực khi bản thân như là “người tối cổ”, “không theo kịp bạn bè”, “bị bỏ lại phía sau”?,…Nếu có những dấu hiệu đó thì hãy cẩn thận, có thể bạn đang mắc phải hội chứng FOMO.
Hội chứng FOMO phổ biến trong giới trẻ
FOMO (viết tắt của “fear of missing out” – hội chứng sợ bỏ lỡ) ám chỉ cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó chịu hoặc suy nghĩ quá nhiều của một người khi họ đang bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng hoặc thú vị mà người khác đang trải nghiệm. Đó có thể là một thông tin, một sự kiện, một món đồ, một xu hướng, một trend mới,…
Theo khảo sát từ MyLife.com, 56% người dùng mạng xã hội gặp phải hội chứng FOMO, trong đó 48% cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy như mình đang bỏ lỡ nhiều trải nghiệm, 45% số người được khảo sát mắc hội chứng FOMO không thể chịu đựng quá 12h giờ mà không kiểm tra mạng xã hội.
Hội chứng FOMO thường xảy ra phổ biến ở giới trẻ, bởi các bạn là những người có tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Bên cạnh đó, với sự nhanh nhạy, tính cách tò mò, thích khám phá, thích cạnh tranh, thích thể hiện khiến các bạn luôn muốn mình trở nên nổi bật khi là người đầu tiên nắm bắt và chạy theo xu hướng.
Hội chứng FOMO gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của giới trẻ
“Nghiệm mạng xã hội” là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng này. Không thể phủ nhận được những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại nhưng bên cạnh đó, nếu lạm dụng nó một thời gian quá dài sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta.
Hình ảnh minh họa
Hồng Ngọc (23 tuổi, sinh viên) cho hay, trước đây, cô thường xuyên sử dụng mạng xã hội cho việc học tập, thỉnh thoảng thì cũng chơi một vài game giải trí. Nhưng gần đây, khi các bạn của mình thảo luận về những đề tài “hot” mà mình không biết, cô cảm thấy khá là lạc lõng nên đã dành nhiều thời gian lên mạng để tìm hiểu.
“Lướt mạng như một thói quen hằng ngày của mình. Mình thường xem Facebook, Zalo, Tiktok cập nhật những thông tin hot nhất để ngày hôm sau có đề tài nói chuyện với mọi người. Dù đã nhiều lần tự dặn lòng xem một chút thôi rồi đi ngủ nhưng không hiểu sao cứ bị cuốn vào. Có hôm mải mê quá nhìn lên đồng hồ đã 1h, 2h sáng mới giật mình và lật đật đi ngủ”
Cũng từ đây, cô cho hay, sức khỏe của mình có phần giảm sút, mắt thì nhức mỏi, da thì đen sạm đi, lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo theo việc học tập cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Bên cạnh đó, cô còn cảm thấy tâm sinh lý mình thay đổi, thường xuyên nóng nảy, cáu gắt với người thân khi bị nhắc nhở hay bị làm phiền.
Hình ảnh minh họa
Khi việc sợ bỏ lỡ một điều gì đó đang “hot rần rần” trên mạng xã hội sẽ khiến các bạn trẻ rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng. Cảm giác này cũng xảy ra với Hoàng Nam (25 tuổi, nhân viên văn phòng). Anh chia sẻ, anh không thể hình dung được cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có máy tính và điện thoại.
“Mình sẽ cảm thấy vô cùng bứt rứt và khó chịu nếu không được lên mạng mỗi ngày. Bên cạnh đó, còn là cảm giác áp lực và hụt hẫng khi mọi người biết một thông tin gì đó mà mình chưa biết. Vì vậy, mình dành toàn bộ thời gian rảnh để cập nhật thông tin trên mọi lĩnh vực từ thể thao, văn hóa, giải trí, showbiz,…để luôn nắm bắt được những thông tin mới nhất. Ai ai cũng nể vì mình là cây truyền thông, hiểu biết rộng, nắm bắt xu hướng nhanh nhất trong công ty”.
Anh cũng chia sẻ thêm, việc dành quá nhiều thời gian cho việc lên mạng, cũng khiến anh mất tập trung trong công việc. Bồn chồn khi vừa làm vừa chăm chăm nhìn vào điện thoại khi có thông báo đến. Điều đó khiến anh nhiều lần mắc sai lầm, dẫn đến tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa và làm lại. Bên cạnh đó, anh còn bị nghiệm mua sắm online. Trong tủ của anh chất đầy những món đồ mà chẳng bao giờ dùng tới.
“Có quá nhiều thứ hấp dẫn kích thích và thu hút đối với mình. Có lúc các bạn giao hàng gọi điện cho mình ra nhận hàng, mình còn không biết mình đặt mua cái gì, tại sao mình lại mua nó. Nhiều khi chỉ là những phút ngẫu hứng, cảm thấy nó cũng vui vui, hay hay nên tiện tay bấm mua.”
Làm cách nào để thoát khỏi hội chứng FOMO
Hồng Ngọc chia sẻ, cách để cô thoát khỏi hội chứng này là hạn chế sử dụng mạng xã hội. Cô ấn định thời gian mỗi ngày chỉ dành ra 1h để lướt mạng cập nhật tin tức. Thời gian còn lại, cô dành để ở bên gia đình và lên kế hoạch chăm sóc bản thân nhiều hơn:
“Mình đã đăng ký học yoga để rèn luyện sức khỏe, nó giúp mình cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn sau những giờ học tập căng thẳng. Bên cạnh đó, mình cũng tích cực tham gia các câu lạc bộ trong trường học để phát triển các kỹ năng cần thiết.”
Lâu dần, cô không còn chăm chăm nhìn vào màn hình điện thoại hàng giờ đồng hồ, không quá quan tâm đến những tin tức trên mạng xã hội nữa. Cô cảm thấy thích thú hơn trong việc mở rộng các mối quan hệ, kết giao thêm nhiều người bạn mới và trò chuyện với mọi người.
Hình ảnh minh họa
Còn với Hoàng Nam, anh quyết định tắt tất cả các thông báo không liên quan đến công việc để tập trung vào những việc mình đang làm. Anh dần chuyển qua theo đuổi xu hướng JOMO ( Joy of missing out) là niềm vui khi bỏ qua những thứ mà bản thân cho là tốt đẹp, để tập trung vào những thứ khiến bản thân mình hạnh phúc:
“Mình đã tốn rất nhiều thời gian để sửa đổi thói quen sử dụng mạng xã hội và tiết chế hơn trong việc phung phí tiền bạc để mua sắm online. Thật khó nhưng mình đã làm được. Chủ yếu vẫn dựa vào ý chí và nghị lực của mỗi người. Đôi khi nghiêm khắc với bản thân cũng là cách giúp bạn hướng tới những điều tích cực hơn.”
Những lúc rảnh rỗi, anh cũng thường hẹn bạn bè đi dạo phố, uống cafe, chơi thể thao, đi du lịch,…Anh cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhõm và bình yên hơn:
“Trải nghiệm và khám phá cuộc sống cũng đem đến cho mình nhiều niềm vui hơn so với những thú vui ảo trên mạng xã hội” - Anh chia sẻ
Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng có những thứ tốt đẹp của riêng mình và đáng được trân trọng. Vì vậy, việc tập trung vào những giá trị ý nghĩa của bản thân là chìa khóa giúp chúng ta chạm đến niềm vui và hạnh phúc đích thực.