ĐỜI SỐNG

Gen Z: Du lịch để...chữa lành

Phương Lan • 31-05-2023 • Lượt xem: 1832
Gen Z: Du lịch để...chữa lành

Trong những năm gần đây, du lịch "chữa lành" đang dần trở thành một xu hướng phổ biến đối với gen Z.

Xem thêm: 
Khám phá động Am Tiên - 'Thiên đường' chốn thâm sơn cùng cốc
Nạp vitamin thiên nhiên với chuyến đi thú vị ở đồng cỏ Quảng Trị

Khác với những chuyến du lịch thông thường, du lịch "chữa lành" được xem là những chuyến đi "an tĩnh" hơn. Điểm dừng chân của những chuyến đi sẽ không phải là những thành phố đông đúc, người qua kẻ lại, mà là những vùng núi, biển cả, hoà mình với thiên nhiên. Trải nghiệm này như một "liều thuốc trị liệu tâm hồn" quý giá nhất, mở lối cho hành trình tìm về với thiên nhiên và kết nối với bản ngã của mỗi người. 

Xu hướng du lịch "chữa lành" được nhiều chuyên gia nhận định sẽ được dẫn dắt bởi thế hệ Z (sinh năm 1996 - 2012)  – thế hệ được xem là một thế hệ dễ "gãy vỡ". Theo thống kê cho thấy rằng chỉ khoảng 45% Gen Z cho rằng sức khoẻ tinh thần của họ ổn hoặc rất ổn (số liệu từ Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 2021). Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ dễ mắc các chứng bệnh tâm lý nhất, đặc biệt là trầm cảm.


Khoảng 37% thành viên nhóm gen Z – tỷ lệ cao hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây – cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Vì vậy các thành viên của nhóm này gần đây có xu hướng tìm đến các liệu pháp du lịch chữa lành thân – tâm - trí so với các thành viên của nhóm khác. 

"Tắm rừng" để tìm thấy bình yên

Rừng là môi trường thuần khiết và tĩnh lặng để dễ dàng soi chiếu và đối diện với những tổn thương của "đứa trẻ bên trong". Vì thế, nhiều bạn trẻ chọn rừng làm điểm đến đầu tiên cho hành trình chữa lành của mình. Tại rừng, các bạn trẻ đã được trải nghiệm liệu pháp "tắm rừng" giúp mở ra "giác quan thứ 6" của hạnh phúc.


Thuật ngữ "tắm rừng" hay "shinrin yoku" là một khái niệm bắt nguồn từ Nhật Bản, nghĩa là "đắm chìm trong bầu không khí rừng rậm". Đây là một liệu pháp điều trị tinh thần bằng cách đi vào rừng, cảm nhận rừng và thiên nhiên bằng mọi giác quan của cơ thể.  

Bàu Sấu - rừng Nam Cát Tiên, được xem là nơi nổi tiếng mà các bạn trẻ thường chọn để trải nghiệm “tắm rừng”. Bởi vì tại đây không có đường dây điện kéo vào, nên toàn bộ điện sinh hoạt đều đến từ pin mặt trời. Hơn nữa, Bàu Sấu cũng không có sóng điện thoại và wifi, gần như là biệt lập với thế giới bên ngoài. Quả là một cơ hội tốt để tuyệt vời để tạm "gác lại âu lo", thoải mái sống trọn vẹn với thiên nhiên và tái tạo được năng lượng tích cực.

 
Bàu Sấu càng đẹp, càng mộng mơ khi hoàng hôn dần buông xuống, phủ khắp không gian nơi đây. Ánh đỏ lướt nhè nhẹ trên mặt hồ, khẽ chạm vào đồng cỏ xanh mướt, tạo nên cảm giác bồi hồi giữa cảnh sắc quá đỗi bình yên lúc chiều tà. 

Thời gian gần đây, Măng Đen cũng là một địa điểm "tắm rừng" nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Măng Đen - nàng thơ của Kom Tum, được bao quanh bởi rừng nguyên sinh, chiếm hơn 80% diện tích rừng tự nhiên. Nơi đây không chỉ có “3 thác, 7 hồ” mà còn có hoa nở bốn mùa, cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.  

 
Tản bộ giữa rừng Măng Đen để cảm nhận bằng tất cả các giác quan, đắm chìm trong tiếng chim hót, tiếng gió, tiếng côn trùng, nước chảy,…
 

 
Cùng nhau đọc sách, ngắm rừng và nhâm nhi tách trà hoặc cà phê sau khi "tắm rừng". 

"Bỏ phố ra đảo" để chữa lành tổn thương 

Thay vì vào rừng để tìm lấy bình yên thì một số gen Z lại có xu hướng tìm về biển cả để "vỗ về" những tổn thương bên trong. Nhiều bạn trẻ đã chọn Phú Quý làm địa điểm nghỉ ngơi, chữa lành chính bản thân mình. Bởi những lúc nào đau khổ chỉ cần đứng trước biển tự nhiên cảm thấy mình nhỏ bé, cảm thấy cuộc sống đời vô thường và dường như những nỗi đau cũng tan dần theo sóng mà nguôi ngoai bớt.

 
Chỉ mới được tập trung khai thác phát triển du lịch trong những năm gần đây nhưng Phú Quý đã nhận được rất nhiều tình yêu của du khách. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ chưa bị tác động nhiều bởi con người mà người dân tại nơi đây còn rất thân thiện, hiền hoà khiến cho du khách cảm giác như được chào đón trở về quê hương mình. 

Du khách Lê Huyền (24 tuổi) đến từ Hà Nội cho biết cô đã phải lòng hòn đảo xinh đẹp này trong một lần đến đây du lịch. Vì vậy sau khi nghỉ việc cô đã quyết định dùng tiền tiết kiệm để chuyển ra đây sinh sống. Lê Huyền chia sẻ: "Hai tháng sinh sống trên đảo là quãng thời gian đem đến cho mình nhiều thay đổi rất nhiều từ thể chất đến tinh thần. Suốt hai tháng mình thấy mình vui vẻ, tự do, tự tại biết bao".


Cô thường dành toàn bộ thời gian buổi chiều để tận hưởng và ngắm nhìn cuộc sống nơi này. 

Du lịch "cứu rỗi" tâm hồn tại chính nơi mình sinh sống

Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga cho rằng: "Ngoài cách tìm về thiên nhiên để được nghỉ ngơi và thực sự thì ngay cả khi sống trong đô thị, người trẻ vẫn có thể tự tạo quãng nghỉ cho mình". Và xu hướng "staycation" là một xu hướng du lịch nghỉ dưỡng bùng nổ trong những năm gần đây. Thuật ngữ này được tạo thành bởi từ "stay" nghĩa là ở lại và "vacation" nghĩa là kỳ nghỉ. Hiểu một cách đơn giản thì "staycation" là hình thức du lịch tại chính nơi mình đang sinh sống.

Một chuyến "staycation" không đòi hỏi chi phí cũng như thời gian quá nhiều. Theo đó, đây cũng là lý do hình thức nghỉ dưỡng và chữa lành này ngày càng được ưa chuộng đối với người trẻ bận rộn.


Một chuyến hành trình rong ruồi khắp nơi mình sống là một ý tưởng không tồi cho kỳ "staycation".
 


Tại Sài Gòn, các bạn trẻ thường tham gia các workshop như: vẽ tranh, làm nến, đan len,...để giải toả tâm lý. 


Ngoài ra, người trẻ còn thường chọn những nơi nghỉ dưỡng gần nội ô, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng vài chục phút di chuyển để thư giãn. Với thiết kế độc đáo, đậm chất truyền thống của Việt Nam, La Maison De Campagne sẽ là lựa chọn thích hợp để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt mỏi.