VĂN HÓA

Khám phá động Am Tiên - 'Thiên đường' chốn thâm sơn cùng cốc

Phương Lan • 25-05-2023 • Lượt xem: 1723
Khám phá động Am Tiên - 'Thiên đường' chốn thâm sơn cùng cốc

Động Am Tiên được mệnh danh là "thiên đường nơi hạ giới" ẩn mình trong lòng núi rừng Ninh Bình. Bất cứ ai khi có cơ hội ghé đều không khỏi ngỡ ngàng trước phong cảnh hùng vĩ, cảnh sắc hữu tình giao thoa với khung cảnh có chút huyền bí âm u tại nơi đây.

Xem thêm:

Ninh Bình mùa sen nở rực rỡ

Ninh Bình - Du lịch khảo cổ, tại sao không?

Toạ lạc cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng chừng 10km, động Am Tiên là một phần thuộc Cố đô Hoa Lư ngày trước. Tuy nhiên, đường đi đến đây khá khó khăn và hiểm trở, bởi bao quanh khu vực động là một thung lũng ngập nước cùng những vách núi đá cheo leo. Với địa hình đặc biệt như thế, Am Tiên như sở hữu một thế giới riêng biệt đậm đà giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc, thu hút bất kỳ du khách nào ghé thăm.

 


Khung cảnh nhìn từ trên cao của Am Tiên .

 

Ít ai ngờ rằng, một nơi sở hữu vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng như thế lại có những giai thoại gắn liền với các triều đại phong kiến ngày trước. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Vua (Đinh Tiên Hoàng) muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn"

 

 

Phần lớn khu vực bao quanh Am Tiên là địa hình đặc biệt nên nếu kẻ nào trốn ra được sẽ được miễn tội chết.

 

Nhắc đến động Am Tiên, không thể không nhắc đến thái hậu Dương Vân Nga - vị hoàng hậu hai triều, hai vai gồng gánh hai vua. Bà có vai trò quan trọng trong cuộc chuyển giao quyền lực hiếm có từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Sau khi vua Đinh mất đi, Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy pháp danh là Bảo quang Hoàng Thái Hậu, lựa chọn Am Tiên làm nơi tu hành và sống tại đây cho đến ngày tạ thế.

 

Nơi tu hành cuối đời của "hoàng hậu hai triều" Dương Vân Nga.

 

Để đến được động Am Tiên cần phải leo 205 bậc thang, dọc bậc thang này được các tán cây che mát với những tia nắng len lỏi xuyên suốt tuyến đường đi. Đi hết những bậc thang này, một chiếc chuông lớn sẽ xuất hiện, đây chính là " cánh cửa" dẫn vào động.

 


Những nấc thang dẫn đến "thiên đường".

 

Điểm nhấn đặc biệt nằm giữa toàn bộ khu di tích đó chính là ao Giải. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nhật (nguyên Viện trưởng Viện Sử học), tại đây, vua nuôi giải (thuộc dòng họ rùa, baba) để ném những kẻ có tội cho giải ăn. Đối lập với hồ nước quanh năm phẳng lặng là những vách núi kỳ vĩ bao quanh, sự tương phản này tạo nên một vẻ đẹp huyền bí, ma mị, trầm mặc thu hút khách du lịch mỗi khi đến với nơi đây.
 


Sự đối lập hài hoà giữa sông nước và núi rừng Ninh Bình.

 

Ao Giải - nơi mặt nước trong xanh đến mức có thể soi bóng mình và nhìn thấy rong rêu ở tận đáy.


Vào mùa hè ở đây còn có hoa sen, hoa súng nở kín hồ.

 

Cổng thành đá nơi động Am Tiên có thể xem như một minh chứng rõ nét nhất của một thời kỳ "vàng son" của lịch sử dân tộc. Những vách đá vững chãi cùng với lối kiến trúc cổ đã "tô điểm" thêm màu sắc cổ xưa, huyền bí và trầm mặc cho chốn "bồng lai tiên cảnh" trần gian.

 


Cổng thành đá trông như khung cảnh một bộ phim kiếm hiệp, mở ra biết bao sự tò mò phía sau về lịch sử huy hoàng của dân tộc.

 

Bên trong động chính là bệ thờ những pho tượng Phật bằng đá. Hang rộng gần 100m2 chia thành nhiều gian thờ khác nhau. Theo tương truyền dưới chân của các bức tượng này là xương cốt của tử tù ngày xưa đã chịu hình phạt tại nơi đây. Ngoài ra, bên trong chùa động còn có rất nhiều nhũ đá với vô vàn hình dáng khác nhau.

 


Du khách đến viếng thăm tượng Phật.

 Bước vào bên trong động, bạn chắc chắn sẽ phải ngỡ ngàng trước hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp, với đủ hình thù khác nhau như: hình giọt nước, hình hoa sen,…

Ngoài thờ Phật, động Am tiên còn thờ một số vị danh nhân thời Đinh. Đặc biệt, khu vực động còn thờ đức Thánh Nguyễn - thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã tụng kinh thuyết pháp giải thoát cho những linh hồn tội lỗi bị giam giữ tại nơi đây.

 

Ngoài việc được "chìm đắm" vào không gian tĩnh lặng, du khách còn được ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn của cây cối trên những ngọn núi đá vôi trùng trùng điệp điệp. Đây sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên được khi du khách đặt chân đến "cõi tiên trần gian". 

 

Động Am Tiên còn được biết đến với một cái tên khác là hang Rồng vì hàng dáng giống như miệng của một con rồng lớn.

 

Hiện tại, vé tham quan động Am Tiên là 20.000 đồng/người. Ngoài ra nếu đi xe máy, phí gửi xe là 5.000 - 10.000 đồng/xe.
 

Không chỉ được ví von như "viên ngọc quý" nằm yên bình nơi thâm sơn cùng cốc. Động Am Tiên còn là một di tích nổi tiếng gắn liền với những triều đại phong kiến lớn của nước ta ngày trước. Nằm ở địa thế hiểm trở trong chốn thâm sơn cùng cốc ít người qua lại, động Am Tiên vẫn còn chứa nhiều điều bí ẩn, chờ đợi khách du lịch đến khám phá.