ĐỜI SỐNG

Gen Z và câu chuyện “nhảy việc”

HaoKhanh • 09-10-2024 • Lượt xem: 1335
Gen Z và câu chuyện “nhảy việc”

Công việc vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người. Sẽ thật là tuyệt vời nếu như bạn có một công việc đúng như mong đợi, tất cả đều hoàn hảo để bạn nhiệt huyết cống hiến, quyết tâm gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bạn trẻ đặc biệt là thế hệ Gen Z vẫn đang trong một vòng luẩn quẩn để tìm kiếm một công việc phù hợp cho chính bản thân mình.

Theo thống kê của công ty kiểm toán PwC cho đến năm 2025, Gen Z dự kiến chiếm 1/3 tổng số lao động tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc cho thấy rằng 62% bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu đi làm.

Gen Z “đi làm, vỡ mộng,…và nghỉ việc”

Gen Z bước ra từ những trường cao đẳng, đại học với niềm kiêu hãnh và tràn đầy năng lượng tích cực của tuổi trẻ, luôn hi vọng tìm kiếm được một công việc phù hợp, môi trường làm việc thân thiện thoải mái, lương thưởng và chế độ đãi ngộ cao. Đó là một quá trình không ngừng cố gắng học tập, củng cố kiến thức, trau dồi kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết, luyện tập cho các buổi phỏng vấn thật tốt, chờ đợi từng cái email từ nhân sự rồi mong ngóng từng ngày nhận việc. Sự hào hứng, tinh thần sẵn sàng luôn trào dâng trong lòng những bạn trẻ để rồi thực tế lại “vỡ mộng”. Nhiều vấn đề không như mong đợi sau một thời gian làm việc khiến các bạn cảm thấy chán nản.

Khi tìm hiểu về nguyên nhân nghỉ việc có rất nhiều lý do được đưa ra:

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng bản thân gặp phải tình trạng quá tải (burn – out) trong công việc. Quá nhiều lịch trình với những deadline cận kề khiến các bạn áp lực và mệt mỏi. Ngày nào cũng vậy, 8h sáng đã có mặt tại văn phòng và ngồi lì trước màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ, mặc dù theo quy định là 5 giờ chiều được về nhưng vẫn phải tăng ca tới 7, 8 giờ tối. Sau đó lại mang việc về nhà làm tới khuya mà vẫn chưa xong. Sáng hôm sau lại lật đật dậy sớm để đi làm. Cuộc sống cứ tiếp diễn lặp đi lặp lại trong một vòng tuần hoàn của công việc, công việc và công việc khiến các bạn cảm thấy kiệt quệ về thể chất, tinh thần, cảm xúc.

Các bạn luôn vướng phải những rắc rối không như kỳ vọng. Có nơi môi trường tốt, sếp tốt, đồng nghiệp tốt nhưng thu nhập lại mong manh, làm cả năm mà chẳng có khen thưởng, cứ trì trệ đứng hoài một vị trí. Có nơi thu nhập tốt thì sếp lại chẳng hợp, thường xuyên gây áp lực, làm khó dễ. Có nơi môi trường tốt, thu nhập vừa đủ nhưng đồng nghiệp lại không hòa đồng, tị nạnh, so sánh, chèn ép và có nơi thì tất cả đều không ổn. Dù đã cố gắng rất nhiều, chịu áp lực để thích nghi, thay đổi bản thân để chạy theo hai chữ “ổn định”, vì hiểu rằng không có điều gì là hoàn hảo cả, nhưng khi những điều bất mãn cứ dần tích tụ lại sẽ tạo thành giọt nước tràn ly và đến một lúc nào đó các bạn lại phải đưa ra quyết định nhảy việc.

Những ảnh hưởng khi nhảy việc

Tất nhiên, không ai muốn nhảy việc nếu tất cả đều trong sự kỳ vọng và mong đợi. Và một khi đưa ra quyết định nhảy việc, các bạn trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là áp lực về kinh tế trong trang trải cuộc sống, ánh nhìn không mấy tích cực của một số nhà tuyển dụng cho rằng bạn thiếu sự trung thành, không có kiến thức chuyên sâu hay mất một thời gian dài để làm quen và bắt đầu với công việc mới,…Tuy nhiên, các bạn Gen Z cho rằng đó không phải là những rào cản quá lớn, các bạn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, sẵn sàng chấp nhận vượt qua những định kiến về sự “ổn định” để tìm lại “sứ mệnh” của chính mình.

Gen Z không ngại "nhảy việc", thoát ra “vùng an toàn”

Nhiều bạn trẻ cho rằng khi công việc cũ đã quá nhàm chán, không còn học hỏi được gì thêm thì việc tìm kiếm một công việc mới là một lựa chọn đúng đắn. Các bạn mong muốn nhiều hơn, thay đổi môi trường để học tập được những thứ mới mẻ, khám phá những trải nghiệm khác nhau để phát triển bản thân.

Và với sự biến động của thị trường, sự hội nhập quốc tế, các bạn có nhiều lựa chọn hơn những thứ phù hợp với mình. Gen Z trưởng thành trong môi trường thời đại số, thời kỳ của khoa học công nghệ phát triển, có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nên tự tin vào bản thân. Các bạn kỳ vọng vào môi trường làm việc linh hoạt về giờ giấc, không bị kiểm soát về thời gian nên hướng tới các công việc có thể làm từ xa, làm freelance theo những dự án, làm bán thời gian.

Thế hệ Gen Z có cá tính mạnh và mong muốn thể hiện bản thân. Họ ưu tiên sự hài lòng trong công việc, cơ hội để phát triển, học hỏi cũng như cân bằng trong cuộc sống, khát khao cống hiến và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, mang đến những giá trị đích thực. Theo góc nhìn tích cực, tư duy sẵn sàng đổi mới, sự tiếp cận đa dạng ngành nghề, Gen Z sẵn sàng tiên phong tạo ra xu hướng mới.

Và tất nhiên với tính thần “win-win” đôi bên cùng có lợi, các bạn không đồng ý với quan điểm mình là người làm công, mà mình là một đối tác của công ty. Khi cống hiến hết mình, các bạn cũng mong muốn nhận về những thành quả xứng đáng, kỳ vọng thăng tiến trong công việc, lương thưởng và các chế độ đãi ngộ tốt, sự tôn trọng, khen ngợi và công nhận. Điều đó đặt ngược lại về một bài toán khó đầy thử thách cho doanh nghiệp. Đó là không ngừng thay đổi chủ trương, quan điểm, chính sách, văn hóa công ty sao cho phù hợp để giữ chân và thu hút giới trẻ, đặc biệt là Gen Z ở lại làm việc và gắn bó lâu dài.