ĐỜI SỐNG

"Ghiền du lịch" là một trong những hội chứng đáng lo ngại

Sky • 13-05-2019 • Lượt xem: 3326
"Ghiền du lịch" là một trong những hội chứng đáng lo ngại

Du lịch hệt một chiếc kính vạn hoa với mỗi lượt quay là những cảnh vật, âm thanh và trải nghiệm mới.. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo đi du lịch có thể trở thành một chứng nghiện và gây hại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những chuyến phiên lưu cũng có thể làm cho chúng ta thông minh hơn, hạnh phúc hơn và sáng tạo hơn. Thế nhưng, với những chuyến phiêu lưu đem lại nhiều lợi ích như vậy, con người có thể thực hiện chúng một cách "quá liều" được không? Liệu bản năng mong muốn khám phá thế giới có thực sự trở thành một chứng nghiện hợp pháp?

“Câu trả lời ngắn gọn là có. Chứng nghiện du lịch hoàn toàn có khả năng xảy ra", tiến sĩ Michael Brein, nhà tâm lý xã hội học, người chuyên nghiên cứu về du lịch và giao tiếp liên văn hóa cho biết. “Tuy nhiên để biết được nguyên nhân gây ra điều đó quả thật vô cùng phức tạp”, ông nói thêm.

Nghi vấn trên lần đầu tiên xuất hiện và khiến các chuyên gia phải bối rối từ một câu chuyện lạ ở Pháp vào năm 1886. Theo đó, sau khi rời bỏ quân đội Pháp, Jean-Albert Dadas, người thợ sửa gas đã không ngừng đi bộ khắp châu Âu. Trong vòng 5 năm, Dadas đã ghé thăm Berlin (Đức), Prague (Czech), Moscow (Nga), Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) và hoàn toàn mất ký ức về chuyến đi của mình khi tới được Bordeaux (Pháp).

Vài tuần sau khi điều trị cho Dadas, các bác sĩ tâm thần nói rằng hành động du lịch cực đoan đó là triệu chứng của bệnh “dromomania". Thuật ngữ “dromomania" hay còn gọi bệnh thần kinh "vagabond" chính thức được thêm vào sổ tay Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần như một dạng rối loạn kiểm soát cảm xúc vào năm 2000.

Định nghĩa nêu rõ những người mắc bệnh có một sự xúc động bất thường khi đi du lịch. Họ sẵn sàng chi tiêu vượt quá khả năng của mình, hy sinh công việc, người yêu và sự an toàn cho ham muốn khám phá những trải nghiệm mới.

“Chứng nghiện du lịch thuộc về tâm lý hơn là về sinh lý”, tiến sĩ Brein cho hay. “Bất cứ thứ gì cũng vậy, nếu để nó lấn át bản thân, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn”.

“Một khi nhận ra rằng trải nghiệm du lịch là cực kỳ đáng giá và không giống bất cứ điều gì khác, bạn sẽ càng muốn tiếp tục làm điều đó”, tiến sĩ Brein nói.

“Du lịch hệt một chiếc kính vạn hoa với mỗi lượt quay là những cảnh vật, âm thanh và trải nghiệm mới. Việc khám phá thành công sự mới lạ này là cách tốt nhất để đạt được nhu cầu cấp cao hơn trong kim tự tháp Maslow”, Brein cho biết.

Càng duy trì các thói quen này lâu hơn, bạn sẽ ngày càng hạn chế các cơ hội phát triển tiềm năng của bản thân. Việc thoát khỏi môi trường cũ và thử thách bản thân sẽ khiến bạn phấn khích, có nhu cầu cần được công nhận và thể hiện mình.

Giải thích câu hỏi tại sao du lịch lại bổ ích và đặc biệt, phần lớn cho rằng những chuyến đi giúp mọi người giải thoát về cả thể chất lẫn tinh thần khỏi vòng quay thường nhật.

“Du lịch là một sự giải thoát nhưng nó không nên chỉ là sự giải thoát”, tiến sĩ Brein cảnh báo. Một khi du lịch trở thành thói quen thường lệ, mỗi chuyến đi càng ít cảm giác thú vị. Nếu bạn muốn bỏ công việc hiện tại, rời khỏi nhà và đi du lịch khắp nơi. Ý tưởng đó có thể dẫn đến một vết trượt dài điên rồ cho bạn.