VĂN HÓA

Gia Lai trưng bày ghế xương voi trắng độc nhất niên đại khoảng 700 năm

Ngân Nguyễn • 08-12-2023 • Lượt xem: 1204
Gia Lai trưng bày ghế xương voi trắng độc nhất niên đại khoảng 700 năm

Các cổ vật giá trị như ghế xương voi trắng độc nhất có niên đại khoảng 700 năm đang được trưng bày tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai từ ngày 5 - 31/12/2023. 

Triển lãm ngoài trời với chủ đề “Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai” đang được diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Được biết, triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5/12 đến hết ngày 31/12 với các cổ vật vô cùng giá trị của đồng bào các dân Tây Nguyên từ thời xa xưa. 

Trong số các cổ vật được trưng bày, đặc biệt nhất có thể kể đến chiếc ghế xương voi trắng được cho là độc nhất vô nhị có niên đại khoảng 700 năm. Đây là chiếc ghế được làm từ nhiều khúc xương của voi trắng to lớn, kết hợp với việc sử dụng dây thừng khiến cho chiếc ghế trở nên vô cùng bề thế, uy nghi. 

Có thể nói, đối với Tây Nguyên nói riêng và nhiều nước Đông Nam Á nói chung, từ xa xưa, voi trắng là món quà thiên nhiên cực kỳ quý hiếm. Voi trắng có giá trị lớn về ý nghĩa tôn giáo và biểu tượng cho sự may mắn, cao sang và uy quyền, là con vật đứng hàng đầu trong loài vật. Theo nhiều người, voi trắng rất thông minh, dạy một sẽ biết mười. Vì lẽ đó, một con voi trắng sẽ được đồng bào đặc biệt coi trọng và tôn sùng gấp bội lần so với một con voi bình thường.

Ngoài ra, trong bộ sưu tập được trưng bày còn có khung dệt cổ có niên đại khoảng 200 năm. Bên cạnh đó, còn có nhiều bộ trống được làm bằng thân cây kết hợp với da trâu, voi… các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ đời sống và sản xuất; thổ cẩm đặc trưng của người đồng bào, bộ sưu tập ghè, chóe cổ… 

Ông Đặng Minh Tâm (63 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ hơn 40 năm trước, ông đã may mắn sưu tầm được chiếc ghế xương voi ở Đắk Lắk. Cùng bộ với chiếc ghế, còn có các dụng cụ để săn bắt voi. Mặt khác, người đồng bào Tây Nguyên có phong tục săn voi đực để thuần dưỡng và phục vụ vào đời sống sản xuất nông nghiệp từ xưa. 

Được biết, triển lãm là một phần trong việc thực hiện có hiệu quả đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của người đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.  

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, thông qua các hoạt động này, Gia Lai rất hy vọng người dân, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu các hiện vật đã và đang gắn bó rất gần gũi với đời sống của đồng bào Tây Nguyên. Từ đó, sẽ có thêm kiến thức cũng như sự hứng thú di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. 

"Do đây được xem như một bảo tàng mở nên mong người dân và du khách cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ hiện vật, góp phần vào hoạt động bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên", Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết.