ĐỜI SỐNG

Giấc ngủ trưa và những quan điểm sai lầm

Cẩm Chi • 05-09-2022 • Lượt xem: 245
Giấc ngủ trưa và những quan điểm sai lầm

Ngủ trưa là thời điểm tốt cho sức khỏe, giúp bạn nạp năng lượng, lấy lại tinh thần cho buổi chiều làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ lợi ích của giấc ngủ trưa và có những quan điểm sai lầm gây hại đến lợi ích tinh thần và thể chất của mình.

Ngủ trưa là chỉ dành cho người lười biếng hoặc trẻ con

Theo LiveScience, thực tế trung bình có khoảng 1/3 người trưởng thành Mỹ duy trì giấc ngủ trưa vì lý do tích cực: Một giấc ngủ ngắn có thể thúc đẩy cơ thể tỉnh táo, tăng cường trí nhớ để sáng tạo và tăng năng suất lao động. Hoàn toàn không phải là lười biếng như nhiều người vẫn nghĩ.

Nhu cầu ngủ trưa không khiến bạn trở nên lười biếng. Thậm chí, nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử từng công khai tuyên bố về tầm quan trọng của việc ngủ trưa như Thomas Edison, Winston Churchill, Albert Einstein.

Uống cà phê trước khi ngủ sẽ giúp tôi tỉnh táo

Nhiều người nghĩ rằng uống cà phê trước khi giờ nghỉ trưa có thể làm giảm cơn buồn ngủ. Nhưng thực tế, phải mất một khoảng thời gian sau khi uống, caffeine mới phát huy tác dụng tăng mức độ tỉnh táo. Đây là lý do nhiều người cảm thấy cơ thể khỏe khoắn và tỉnh táo hơn vào buổi chiều khi uống cà phê trước giờ nghỉ trưa.

Điều này là do caffeine trong cà phê tác động đến adenosine, chất hóa học trong não bộ gây cảm giác buồn ngủ. Khi chúng ta mệt mỏi, nồng độ adenosine trong cơ thể sẽ tăng cao và bắt đầu giảm xuống khi chìm vào giấc ngủ.

Caffeine ngăn không cho adenosine liên kết với các thụ thể trong não bộ. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm thấy đỡ buồn ngủ hơn sau khi uống cà phê

Ngủ trưa ít nên thức dậy cảm thấy tồi tệ hơn

Cảm giác chếnh choáng sau khi bạn thức dậy từ một giấc ngủ ngắn là có thật (gọi là ngái ngủ), nhưng nó không kéo dài. Làm thế nào để biết được nên ngủ trưa trong bao lâu là vừa? Các chuyên gia đều đồng ý rằng một giấc ngủ trưa ngắn không nên kéo dài quá 30 phút.

Tiến sĩ Michael J. Breus, chuyên gia về giấc ngủ cho hay: "Nếu bạn ngủ lâu hơn 30 phút, bạn sẽ rơi vào trong giấc ngủ sâu. Lúc đó, sẽ rất khó cho bạn để thức dậy". Những người cảm thấy khó chịu hơn sau khi ngủ trưa là những người đã ngủ quá giấc cần thiết. Hãy tự thiết lập tâm lý cho mình trước khi ngủ và đặt báo thức trong vòng từ 20 đến 30 phút, bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt.

Đi ngủ ngay sau khi ăn trưa

Nếu bạn đi ngủ ngay sau bữa ăn trưa, có thể gây ra chứng khó tiêu, trào ngược dạ dày và các bệnh khác về đường tiêu hóa... Thậm chí, đi ngủ ngay sau khi ăn trưa cũng có thể khiến lượng máu lên não không đủ (do lúc này dạ dày và ruột cần nhiều máu để thực hiện việc tiêu hóa thức ăn), dẫn đến chóng mặt và suy nhược sau khi thức dậy.

Tốt nhất nên nghỉ ngơi sau khi ăn trưa khoảng 15-30 phút. Nếu chóng mặt và nhức đầu thường xảy ra do ngủ quá sát thời gian ăn trưa, bạn có thể chuyển sang ngủ trước bữa trưa.

Không nên ngủ trưa tại nơi làm việc

Khi càng ngày càng có nhiều người sử dụng lao động nhận ra lợi ích thực tế từ việc cho nhân viên ngủ trưa thì việc tạo điều kiện cho nhân viên có chỗ nghỉ đã trở nên hoàn toàn bình thường. Nếu trong văn phòng bạn không có chỗ để nghỉ trưa thì hãy tìm một phòng hội nghị, phòng họp nhóm... nơi bạn có tắt đèn và đóng cửa. Dở nữa thì bạn có thể ngả mình trên ghế đá trong công viên hoặc trong xe ô tô của mình.

Nên dành thời gian để hoàn thành công việc

Nhà khoa học Sara Mednick nói với Business Week: "Một giấc ngủ sẽ giúp bạn có cảm giác sảng khoái, sẵn sàng bắt tay vào hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian còn lại trong ngày. Bạn sẽ biết ơn giấc ngủ trưa nếu biết rằng, theo một kết quả nghiên cứu năm 2001, Hoa Kỳ mỗi năm mất khoảng 18 tỷ đô la chỉ vì nhân viên buồn ngủ làm giảm năng suất lao động”.

Theo Forbes, tiến sĩ Benjamin Smarr, chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ và nghiên cứu sau tiến sĩ của Viện Y tế Quốc gia (NIH), cho biết khi bạn rời khỏi bàn làm việc, giấc ngủ trưa thực sự có thể làm trì hoãn nhiệm vụ mà bạn đang cố gắng hoàn thành.

Tuy nhiên, con người đều cảm thấy mệt mỏi vào cùng thời điểm trong ngày, từ 14 đến 16h chiều. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do tuổi tác, sức khỏe, thói quen tập thể dục... và hoàn toàn tự nhiên khi muốn nghỉ ngơi.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chúng ta thực sự làm việc hiệu quả nhất vào khung giờ chiều - tối. Vì vậy, bạn có thể tự làm giảm năng suất của mình vào cuối ngày khi không nghỉ ngơi trong thời gian sụt giảm tự nhiên vào buổi trưa này.

Ngủ trưa ảnh hưởng giấc ngủ ban đêm

Một trong những quan niệm sai lầm rất lớn về giấc ngủ trưa là ngủ một giấc vào ban ngày sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ vào ban đêm. Trên thực tế, những giấc ngủ ngắn không ảnh hưởng đến thời điểm ngủ buổi tối trừ khi bạn ngủ quá muộn.

Theo Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, các bác sĩ về giấc ngủ khuyên những người bị mất ngủ kinh niên nên tránh ngủ trưa, nhưng đối với những người khác, giấc ngủ trưa không có gì phải lo lắng.

Tuy nhiên, bạn nên tuân theo quy trình ngủ trưa hợp lý. Điều đó có nghĩa là bạn nên ngủ trưa trước 14h, khoảng 20-30 phút và không ngủ sau 17h, trừ khi bạn dự định thức khuya. Nếu bạn ngủ trưa quá lâu, trên 30 phút, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ vào ban đêm.