ĐỜI SỐNG

"Giải cứu" cột sống gen Z

HaoKhanh • 19-11-2024 • Lượt xem: 1505
"Giải cứu" cột sống gen Z

Ngày nay, con người phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, một trong số đó là tình trạng đau nhức cột sống, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc và đời sống của mỗi chúng ta.

Nhiều người trẻ mắc bệnh lý cột sống

Có một lúc nào đó, sau nhiều giờ ngồi cắm cúi học bài hoặc tập trung làm việc, bạn đột ngột ngẩng người lên và cảm thấy mỏi lưng, đau nhức cơ thể, bạn mất một khoảng thời gian mới đứng lên được, hoặc gặp phải các tình trạng như căng cơ, khó khăn trong việc di chuyển, cúi xuống, xoay người, vươn người, đau buốt khi làm việc nặng,…Bạn thường chủ quan vì những dấu hiệu này sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu tình trạng đó diễn ra thường xuyên, mức độ đau càng tăng, chúng có thể là hồi chuông cảnh báo tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề với các bệnh lý liên quan đến cột sống.

Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, 30% bệnh nhân mắc bệnh lý về cột sống là người trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Trong số các bệnh nhân đến khám thần kinh, 50% liên quan tới các vấn đề về cột sống. Tình trạng đau nhức cột sống diễn ra ở nhiều người, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hiện nay, các bệnh lý về cột sống đang có dấu hiệu trẻ hóa, không chỉ thường gặp ở những người cao tuổi mà ngay cả các bạn trẻ cũng có tỷ lệ mắc bệnh vể cột sống cổ, cột sống lưng ngày một tăng.  

Những thói quen  làm tình trạng đau nhức cột sống trở nên nghiêm trọng

Một trong những thói quen ảnh hưởng đến cột sống có thể kể đến là tư thế ngồi không đúng. Việc cúi mặt về phía trước, cong lưng để nhìn cho rõ gây áp lực nặng nề lên cột sống làm chúng trở nên nhức mỏi, thiếu linh động.

Bạn Diễm Trang (21 tuổi, TP.HCM) cho hay mình và nhiều bạn học sinh, sinh viên thường khác thường có thói quen như cúi gằm mặt xuống trang sách trong khi học, sử dụng điện thoại trong nhiều giờ đồng hồ, ngồi không đúng tư thể hoặc vừa nằm vừa đọc sách,…

“Mình thường học online tại nhà. Việc ngồi trước máy tính liên tục hàng giờ đồng hồ để soạn đề cương, làm bài tập, tiểu luận khiến mình thường xuyên cảm thấy mỏi mắt, đau lưng, đau nhức cơ thể. Có khi cổ bị cứng, khó quay đầu, khó xoay trở khiến mình phải ngồi vận động, xoa bóp các khớp một lúc lâu thì tình trạng đó mới được cải thiện.”

Có cùng tâm trạng là bạn Đức Thiện (23 tuổi, TP.HCM). Ngoài giờ học, Đức Thiện thường nhận thêm các công việc khuôn vác ở các trung tâm siêu thị, điện máy để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bạn chọn công việc này vì lương nhỉnh hơn các công việc bán thời gian khác. Tuy nhiên việc khuôn vác có phần nặng nề nên hay bị đau vùng cổ vai gáy, tê bì tay chân và đau nhức cột sống, đứng lên ngồi xuống khó khăn. Bên cạnh đó bạn còn hay thức khuya chơi game, xem điện thoại dẫn đến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.

Vấn đề này không chỉ xảy ra với các bạn học sinh, sinh viên mà còn là nỗi lo lắng chung của các bạn làm trong giới văn phòng. Bạn Trúc Phương (27 tuổi, TP.HCM) sau khi tốt nghiệp đại học ra trường thì làm kế toán cho một công ty xây dựng đã nhiều năm nay. Do tính chất công việc áp lực với số lượng giấy tờ, hồ sơ chồng chất nên lúc nào cô cũng ngồi lỳ 8 tiếng trước màn hình máy tính làm việc, chưa kể những đợt cuối tháng, cuối quý phải báo cáo thì công việc càng bận rộn hơn nên không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Cô kể một buổi sáng sau khi thức dậy, cô bị đau nhức lưng, mỏi vai, mỏi cơ không ngồi dậy được. Nhưng do chủ quan nên vẫn đi làm bình thường. Một thời gian sau, tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm mà càng đau nhức hơn nên bạn quyết định đi khám. Được bác sĩ chuẩn đoán là bị thoái hóa cột sống, bạn vô cùng lo lắng chạy chữa khắp nơi mong khỏi hẳn.

Hiện nay, đối diện với áp lực từ cuộc sống, công việc, học tập, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng sức khỏe ngày càng giảm sút. Tình trạng đau nhức mỏi diễn ra càng ngày càng thường xuyên hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và tìm ra phương pháp khắc phục kịp thời.

Chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cột sống?

“Một trong những lời khuyên giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe cột sống là cần phải tập cho mình những thói quen tốt như rèn luyện cơ thể, điều chỉnh tư thế làm việc cho đúng, tránh mang vác vật nặng, tránh thay đổi tư thế một cách đột ngột, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi và vitamin D,…”

Diễm Trang gửi lời khuyên đến các bạn trẻ đang rơi vào tình trạng sức khỏe giống như mình. Cô cho hay việc tập thể dục hằng ngày cũng vô cùng quan trọng. Cô tâm sự mình được một người bạn giới thiệu nên đã đăng ký tham gia một lớp học yoga. Một tuần 3 buổi, mỗi buổi khoảng 45 phút. Cô ưu tiên các bài tập rèn luyện cơ lưng giúp đỡ nhức mỏi cột sống.

“Yoga đem đến cho mình nhiều lợi ích, giúp mình thư giãn các cơ, cột sống trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn. Mình cảm thấy được thư giãn và cải thiện sức khỏe rất nhiều sau các buổi tập”

Từ kinh nghiệm của mình, cô khuyên các bạn khi tập yoga hoặc bất kỳ một bộ môn nào đó để rèn luyện sức khỏe, không nên vội vã mà chọn những bài thể dục quá sức, điều đó sẽ phản tác dụng gây áp lực nên cột sống khiến tình trạng đau nhức trở nên nặng nề hơn. Thay vào đó, mỗi người trong chúng ta cần có một chế độ luyện tập phù hợp với bản thân mình, kiên nhẫn, chịu khó tập từ những bài tập đơn giản nhẹ nhàng để thích nghi rồi mới đến những bài tập khó hơn, phức tạp hơn.

Với Đức Thiện, dạo gần đây trong công việc, anh quan tâm đến việc điều chỉnh tư thế cho đúng. Anh thường đứng ngay ngắn, dang rộng hai chân rồi từ từ hạ trọng tâm người xuống, tránh cong lưng khi nâng hàng hóa, khiêng đồ bằng hai tay, không đặt nặng lên một vai, cố gắng bê vật nên từ từ, nếu như quá sức thì nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp,… Điều đó giúp anh cảm thấy công việc trở nên nhẹ nhàng hơn, tránh làm tổn thương gây cong vẹo cột sống và những sang chấn khác có thể xảy ra. Những lúc rảnh rỗi thay vì chơi game nhiều giờ đồng hồ trên điện thoại như trước, vừa có hại cho mắt vừa đau nhức lưng, anh chàng tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời cùng bạn bè và tập chơi các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bơi lội để nâng cao thể chất.

Còn đối với bạn Trúc Phương, việc cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết. Bạn áp dụng quy tắc “10 phút nghỉ”:

“Sau mỗi 45 đến 60 phút học tập và làm việc, mình sẽ dành ra 10 phút để đứng lên vận động các bài tập thể dục nhẹ nhàng như vươn vai, xoay cổ, lắc hông, kéo giãn gân cốt,…giúp tăng cường lưu thông khí huyết hoặc mình sẽ đi dạo vài vòng quanh văn phòng và trò chuyện với với đồng nghiệp. Điều này giúp mình cảm thấy khỏe khoắn, thoải mái hơn, tái tạo lại năng lượng để tiếp tục công việc."

Từ những chia sẻ của các bạn trẻ, chúng ta thấy rằng, việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe cột sống là vô cùng quan trọng. Và để làm được điều đó không phải là đơn giản mà là cả một quá trình kiên trì thay đổi những thói quen không tốt, chú trọng rèn luyện cơ thể, cố gắng tập thể thao,... Đó sẽ là nền tảng giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh, căng tràn sức sống để làm việc hiệu quả và hướng tới một lối sống lành mạnh, tốt đẹp hơn.