ĐỜI SỐNG

Giải pháp chống lạm phát cho Gen Z

Nguyễn Hậu • 25-07-2022 • Lượt xem: 338
Giải pháp chống lạm phát cho Gen Z

Lạm phát đang là thách thức lớn đối với Gen Z. Họ vừa phải gánh tất cả các loại chi phí, giá cả thì leo thang mà họ lại không sở hữu những tài sản giúp cân đối thu chi bắt kịp với đà tăng của lạm phát. Gen Z cần làm gì để vượt qua khó khăn?

Theo Bloomberg, tỉ lệ lạm phát ở các quốc gia đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Giá xăng tăng, giá bất động sản tăng, thu nhập giảm do ảnh hưởng của 3 năm đại dịch Covid-19. Đối với những người chưa từng trải qua thời kỳ lạm phát trong quá khứ như Gen Z thì đây quả là một thách thức lớn.

Lạm phát là gì? Tình hình lạm phát tại các quốc gia trên thế giới

Lạm phát là sự gia tăng giá hàng hóa và dịch vụ, giá trị đồng tiền giảm đi. Ví dụ đơn giản là trước đây với 100.000 bạn mua được 5 lít xăng nhưng lạm phát xảy ra nên với 100.000 bạn chỉ mua được 3 lít xăng mà thôi. Có hai chỉ số để đo lường lạm phát đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE).

Theo dữ liệu mới nhất của cục thống kê lao động Mỹ, chỉ số CPI tháng 4 tại Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể giá thực phẩm tăng 9,4 %, giá xăng dầu tăng 43,6%, hàng may mặc tăng 5,4% trong vòng 12 tháng qua. Tại Anh, văn phòng thống kê quốc gia Anh công bố hôm 13/4 chỉ số CPI tăng 7%, mức tăng cao nhất trong 30 năm và gấp 10 lần năm ngoái.

Còn tại việt Nam, tổng cục thống kê Việt Nam cho biết lạm phát hiện nay ở nước ta vẫn đang trong tầm kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với năm ngoái. Theo dự tính có thể tăng lên 4-4,5% vào cuối năm 2022 và vượt ngưỡng 5% vào năm 2023. Nguyên nhân do Việt Nam phụ thuộc lớn vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đại dịch Covid khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, vận chuyển hàng hóa khiến hàng hóa khan hiếm. Ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh giữa Ucraina và Nga khiến giá xăng dầu, lúa mì và dầu ăn tăng cao. Do Trung Quốc thực hiện chính sách zero covid, các đối tác lớn như Mỹ, EU đang đối mặt với lạm phát tăng cao.

Tại sao Gen Z lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lạm phát.

Làn sóng lạm phát ập đến khi lứa công dân này vừa mới ra trường và vừa mới ra ở riêng hoặc đang tìm kiếm công việc, hay vừa mới đi làm. Covid khiến họ gặp khó khăn trong kiếm việc, nhiều người đã rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo dài. Đến khi dịch bệnh qua đi thì lại đối mặt với lạm phát. Những người mới đi làm thì cũng được trả lương thấp hơn so với các đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Do đó Gen Z chưa có tiền tiết kiệm ổn định.

Khó khăn càng tăng cao khi mặt hàng thiết yếu chủ chốt là xăng tăng giá đột ngột kéo theo sự tăng giá của các hàng hóa thiết yếu khác. Thêm vào đó nhiều người đang phải vật lộn với các khoản nợ từ thời đại học. Theo thống kê tại Mỹ có tới 34% người lớn từ 18 - 29 tuổi đang vay nợ sinh viên. Tiền lương không theo kịp lạm phát, tại Mỹ tiền lương chỉ tăng 4,7% trong quý đầu tiền so với năm trước. Còn tại Việt Nam theo thống kê mỗi năm có khoảng 10-15% sinh viên vay tiền ngân hàng đi học và chính phủ dự tính 1/7/2022 sẽ tăng lương tối thiểu vùng 6%.

Gen Z cũng nhận thấy rằng phần lớn tiền lương của họ phải chi trả cho chi phí nhà ở. Tại Mỹ giá cho thuê đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tại các khu đô thị lớn như New York tăng 38% phải mất trung bình 3,420$ cho một phòng ngủ. Lạm phát khiến lãi xuất ngân hàng tăng lên việc mua nhà, xe, vàng... đối với người trẻ sẽ khó khăn hơn. Thêm vào đó giá cổ phiếu biến động bất thường khiến các kênh đầu tư khác cũng bị ảnh hưởng.

Gen Z phải làm gì để vượt qua khó khăn?

Mặc dù gặp nhiều khó khăn hơn các thế hệ khác nhưng Gen Z mang trong mình nhiều lợi thế nên có thể giải quyết được các vấn đề về tài chính.

Theo giáo sư Enzo Weber, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu việc làm Đức: “Một trong những ưu thế của người trẻ là sự linh hoạt, điều này cho phép các bạn phản ứng tốt hơn trước những thay đổi kinh tế”.

Đối với những Gen Z đang độc thân có thể thay đổi chỗ ở linh động để cắt giảm chi phí thuê nhà hoặc chia tiền phòng với bạn hoặc chuyển về sống với bố mẹ nếu khoảng cách gần hoặc chọn không gian nhỏ hơn với chi phí thuê thấp hơn.

Gen Z còn linh hoạt trong việc chuyển công việc nếu có cơ hội tốt hơn với mức lương cao hơn. Gen Z là những người sinh ra và lớn lên cùng với công nghệ do đó là thế hệ thích nghi và am hiểu công nghệ hơn các thế hệ trước. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn có nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.

Giáo sư Enzo Weber đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ là luôn tìm kiếm cơ hội khác nhau và giữ tinh thần cởi mở, bạn càng kém linh hoạt thì bạn càng dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của nền kinh tế.

Ella Gupta, tác giả của cuốn sách Gen Z money $ense nói rằng : “ Đại dịch đã củng cố tầm quan trọng của việc có một nền tảng tài chính vững vàng. Tôi thực sự khuyên tất cả những người trẻ tuổi nên bắt đầu xây dựng một quỹ khẩn cấp ngay từ bây giờ. Đầu tư vào bản thân thông qua giáo dục cũng rất quan trọng phát triển kiến thức về tài chính là chìa khóa thành công để đạt được thành công về tài chính.”

Deacon Hayes tác giả cuốn sách You can retire early cho rằng: “Để chống lạm phát, sau khi tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp, hãy cố gắng không giữ nhiều tiền tiết kiệm bằng tiền mặt. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những khoản đầu tư mang lại tỷ suất sinh lợi lớn hơn tài khoản tiết kiệm”.

Cuối cùng hãy cân đối chi tiêu bằng cách tìm hiểu những mặt hàng, dịch vụ nào đang tăng giá, nếu nó không cần thiết thì hãy cắt giảm hoặc sử dụng hợp lý nhất.