ĐỜI SỐNG

Giải quyết xung đột và nâng cao mối quan hệ bằng ‘bánh xe cảm xúc’

Minh Trung • 17-03-2023 • Lượt xem: 1170
Giải quyết xung đột và nâng cao mối quan hệ bằng ‘bánh xe cảm xúc’

Bánh xe cảm xúc (emotion wheel) là một công cụ hữu ích để giúp chúng ta xác định và đặt tên cho các cảm xúc của mình. Việc nhận biết và hiểu được cảm xúc của chính mình là rất quan trọng, vì nó giúp mỗi người có khả năng kiểm soát được tình hình và phản ứng của bản thân một cách hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng bánh xe cảm xúc cũng giúp bạn cải thiện các mối quan hệ trong cuộc sống.

Khi bạn có khả năng hiểu và phân tích cảm xúc của mình một cách rõ ràng, bản thân mỗi người sẽ dễ dàng hơn trong việc hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác, từ đó tạo nên một môi trường giao tiếp và quan hệ tốt hơn.

Theo Verywell Mind, bánh xe cảm xúc (emotion wheel) là một công cụ được sử dụng để xác định và hiểu cảm xúc. Robert Plutchik, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã tạo ra một trong những bánh xe cảm xúc phổ biến nhất vào năm 1980 và đặt tên là Bánh xe cảm xúc của Plutchik.

Nhà tâm lý học người Mỹ Robert Plutchik

Ông Plutchik đã xây dựng bánh xe cảm xúc nhằm giúp con người cắt nghĩa và minh họa cho các cảm xúc khác nhau. Ông đã đưa ra giả thuyết rằng những cảm xúc cốt lõi xuất hiện do bản năng sinh tồn của con người. Ngoài ra, ông cũng tin rằng khái niệm cảm xúc có thể áp dụng cho tất cả động vật và con người, do chức năng của não giữa (midbrain) giống nhau ở cả hai loài.

Ông Plutchik đã thiết kế bánh xe cảm xúc dưới dạng một bông hoa 8 cánh được đặt bên trong một hình bát giác. Tám cánh hoa được phân loại thành các cặp cực đối lập, mỗi cặp đại diện cho một cảm xúc cốt lõi khác nhau. Những cặp cực đối lập bao gồm: buồn bã - vui vẻ, phẫn nộ - shãi, kỳ vọng - bất ngờ, chấp nhận - ghê tởm.

bánh xe cảm xúc qua hình ảnh một bông hoa 8 cánh

Các cảm xúc cốt lõi được biểu hiện với cường độ khác nhau và được phân chia thành nhiều tông màu khác nhau. Các tông màu bên ngoài thể hiện cảm xúc nhẹ nhàng và có màu sắc nhạt, còn các tông màu sâu hơn bên trong thể hiện sự dữ dội của cảm xúc với màu sắc đậm hơn.

Ví dụ, bánh xe cảm xúc của Plutchik xếp các cảm xúc cốt lõi theo các cường độ khác nhau. Cường độ của niềm vui được xếp từ êm đềm đến sung sướng, cường độ của tin tưởng được xếp từ chấp nhận đến ngưỡng mộ, cường độ của sợ hãi được xếp từ rụt rè đến khiếp sợ...

Khi kết hợp các cảm xúc cốt lõi, chúng ta có thể tạo ra những loại cảm xúc mới. Ví dụ, kết hợp niềm vui với niềm tin sẽ tạo thành tình yêu, kết hợp tin tưởng với sợ hãi sẽ tạo thành phục tùng, kết hợp bất ngờ với buồn bã sẽ tạo thành chối bỏ, kết hợp bình tĩnh với quan tâm sẽ tạo thành lạc quan...

Việc sử dụng bánh xe cảm xúc sẽ giúp bạn xác định, thu hẹp và kiểm soát tâm trạng dễ dàng hơn trong bối cảnh cảm xúc của con người là rất phức tạp. Khi bạn cảm thấy bối rối trong việc xác định cảm xúc của mình, hãy nhìn vào bánh xe cảm xúc, tập trung thu hẹp những gì bản thân đang cảm nhận và gọi tên chúng. Từ đó, bạn có thể xác định nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó.

Sau khi đã xác định được nguồn gốc cảm xúc, bạn có thể suy nghĩ nghiêm túc và xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn. Điều này giúp bạn kiểm soát tâm trạng của mình một cách dễ dàng hơn, đồng thời tìm ra cách để đối phó và giải quyết những vấn đề gây ra cảm xúc khó chịu.

Nắm vững nhận thức về cảm xúc sẽ giúp bạn cải thiện các mối quan hệ và nâng cao khả năng tương tác với những người xung quanh, bao gồm người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là những người lạ. Bằng cách hiểu rõ cảm xúc của mình và của người khác, bạn có thể tránh những va chạm không cần thiết và tăng cường sự đồng tình và sự kết nối với những người xung quanh.

Bánh xe cảm xúc giúp chúng ta hiểu rõ hơn và khám phá lý do tại sao chúng ta có cảm xúc và cách thể hiện chúng. Đây là một công cụ đa năng có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, từ các mối quan hệ đến công việc.

Nhìn chung, bánh xe cảm xúc là một công cụ hiệu quả để giải quyết những xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần rất nhiều thời gian để rèn luyện mới mang lại một kết quả tương đối. Tham gia thêm một vài các khóa học liên quan đến tâm lý hay cảm xúc là một gợi ý bạn có thể cân nhắc để tìm một môi trường thực hành.