ĐỜI SỐNG

Giảm cân theo trào lưu trên mạng liệu có an toàn?

Nguyễn Hậu • 26-06-2023 • Lượt xem: 1129
Giảm cân theo trào lưu trên mạng liệu có an toàn?

Ngày nay, mạng xã hội chính là nơi khởi phát nhiều trào lưu, xu hướng mới, trong đó có giảm cân. Khi trào lưu này khởi phát từ những người không có kiến thức chuyên môn hay sản phẩm sử dụng chưa được cấp phép thì kết quả sẽ ra sao?

Tin bài khác:

Lợi ích bất ngờ từ việc mỗi ngày ăn một quả chuối

Dù là mùa vải chín mọng bắt mắt nhưng một số nhóm người sau vẫn nên cân nhắc khi ăn loại quả này

Xã hội phát triển, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện. Vì thế đồ ăn ngày nay chứa quá nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng. Nhiều người ăn quá nhiều, ít vận động dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì ngày một gia tăng, đặc biệt là những nước có thu nhập cao. Hầu hết mọi người đều muốn vừa được ăn nhiều, ăn ngon vừa có cơ thể khỏe đẹp. Vì vậy mà nhu cầu giảm cân hiện nay rất lớn.

Hình minh họa

Thay vì tìm đến những phương pháp giảm cân lành mạnh như tập thể dục, áp dụng chế độ ăn uống khoa học thì mọi người lại tìm đến những loại thuốc, trà, thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc. Nắm được tâm lý của người tiêu dùng, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, trà, sữa... có công dụng giảm cân siêu tốc. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các sản phẩm giảm cân đó được bày bán tràn lan công khai trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, Instagam... Người tiêu dùng chỉ cần thực hiện vài thao tác tìm kiếm, đặt hàng là đã mua được sản phẩm một cách dễ dàng.

Với chiêu thức khiến người tiêu dùng an tâm sử dụng các quảng cáo được tung ra như có nguồn gốc từ thiên nhiên, không hại sức khỏe, cam kết giảm cân, không giảm hoàn tiền... mà nhiều người đã "sa bẫy" với những sản phẩm phản tác dụng. Ngoài ra những sản phẩm giảm cân này còn được những người nổi tiếng như: ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu, hot girl, reviewer... quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội tạo ra những trào lưu giảm cân.

Ozempic - thuốc trị tiểu đường tuýp 2 - Hình minh họa

Điển hình cho trào lưu giảm cân do người nổi tiếng khởi xướng đó là sản phẩm Ozempic tại Trung Quốc. Đây là loại thuốc điều trị tiểu đường nhưng lại được những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc quảng cáo nó như một loại “thần dược” để giảm cân. Với những lời quảng cáo có cánh phổ biến trên hai ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc Douyin và Xiaohongshu như: "Đây là loại thuốc thần kỳ: không cần tập thể dục, không cần ăn kiêng, bạn có thể giảm cân ngay cả khi nằm yên và ngủ".

Hình minh họa

Sự thật về thần dược giảm cân Ozempic và tác hại của nó khiến nhiều người bất ngờ. Ozempic là thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 chứa hoạt chất Semaglutide đóng gói dưới dạng bút tiêm. Ngoài tác dụng hạ đường huyết thì Ozempic có tác dụng giảm chất béo và cân nặng cơ thể qua việc giảm thèm ăn và giảm lượng thức ăn vào cơ thể. Tuy nhiên thuốc lại có nhiều tác dụng phụ như: buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, đau dạ dày, không thèm ăn bất cứ thứ gì dẫn đến kiệt sức và ngất xỉu...

TS. Lydia Alexander là chuyên gia y học về điều trị béo phì, Chủ tịch đắc cử của Hiệp hội y học béo phì Mỹ cho biết: "Khi ngưng sử dụng Ozempic hầu hết mọi người sẽ tăng cân trở lại, thậm chí có thể đối mặt với bệnh béo phì. Vì vậy mọi người không nên tin vào các quảng cáo trên mạng mà tự ý sử dụng Ozempic như thuốc giảm cân mà hãy tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ".

Ngoài trào lưu Ozempic thì trào lưu hướng dẫn ăn kiêng trên mạng xã hội cụ thể là một TikToker đưa ra quan điểm về thực phẩm màu đậm tốt cho sức khỏe hơn thực phẩm màu nhạt. TikToker này cho rằng ăn cơm trắng không tốt đã gây nên nhiều tranh cãi về tính xác thực của quan điểm đưa ra. Điều này cho thấy những chia sẻ của người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được giới trẻ rất quan tâm và nhiều người trẻ bắt chước theo.

TikToker khởi xướng trào lưu ăn thịt sẫm màu tốt hơn ăn thịt màu nhạt.

Bác sĩ Lê Quang Hào - Viện dinh dưỡng Quốc gia dựa trên chuyên môn đưa ra ý kiến phủ định quan điểm trên. Bác sĩ chỉ ra rằng thịt sẫm màu có gấp đôi chất béo bão hòa và nhiều calo hơn so với thịt trắng. Cụ thể một đùi gà có 8,6 gram chất béo trong đó có 2,7 gram chất béo bão hòa. Một ức gà có trọng lượng tương đương một đùi gà có 4 gram chất béo trong đó có 1,1 gram chất béo bão hòa. Qua ví dụ trên bác sĩ khẳng định ăn thịt sẫm màu sẽ nạp vào cơ thể nhiều chất béo bão hòa và nhiều năng lượng hơn. Vì vậy những ai muốn giảm cân theo trào lưu trên sẽ ảnh hưởng đến việc giảm cân và mắc các bệnh như tiểu đường, gút nếu ăn nhiều thịt đỏ.

Thịt đậm màu và thịt nhạt màu

Bác sĩ Hào cũng chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân 5 tuổi đến Viện dinh dưỡng Quốc gia khám suy dinh dưỡng do mẹ áp dụng chế độ ăn trên mạng cho bé. Một số bệnh nhân lứa tuổi cấp 3 đến khám do bị tăng cân hoặc giảm cân quá mức hay rối loạn tâm lý ăn uống do làm theo trào lưu ăn kiêng trên mạng từ những người không phải là chuyên gia dinh dưỡng.

Giữa thời buổi công nghệ phát triển với tốc độ nhanh và coi trọng hình thức bên ngoài quá mức như hiện nay thì việc nhiều người tin và làm theo hướng dẫn giảm cân từ người nổi tiếng cũng là điều dễ hiểu do họ có nhan sắc và thân hình đẹp. Tuy nhiên mọi người nên tìm những thông tin uy tín từ bài viết của các chuyên gia trên các website của bệnh viện, viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong và ngoài nước. Bác sĩ Hào cũng nói thêm, không nên dùng quan điểm của một cá nhân nào đó mà nên dựa vào khuyến nghị về dinh dưỡng của quốc gia mình hoặc các khuyến nghị dinh dưỡng đã được toàn cầu đồng thuận.