Người ta thường nói, "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm." Khi đã có gia đình, đặc biệt là khi có con nhỏ, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì một tổ ấm đúng nghĩa. Làm thế nào để các thành viên trong gia đình cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc? Qua cuốn sách Hai mặt của gia đình của tác giả Hàn Quốc Choi Kwanghyun, tôi đã khám phá ra rằng bí quyết đó chính là sự giao tiếp. Giao tiếp một cách thấu hiểu và chân thành giữa các thành viên trong gia đình.
Cuốn sách nhấn mạnh rằng để xây dựng một gia đình hạnh phúc, trước tiên, mỗi thành viên cần yêu thương bản thân mình. Khi mỗi người tự lập và tự tin, gia đình sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Sự giao tiếp không chỉ giúp giải quyết các khúc mắc, mà còn có khả năng chữa lành những tâm bệnh. Điều quan trọng là luôn nói sự thật, giữ khoảng cách tình cảm một cách hợp lý và nỗ lực mang lại hạnh phúc.
Nhưng cuộc sống càng hiện đại và tiện nghi hơn thì dường như ngày càng nhiều gia đình gặp vấn đề về giao tiếp. Các thành viên bận rộn với công việc và cuộc sống, khiến cho việc chia sẻ tâm sự trở nên khó khăn. Nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng thiếu giao tiếp, dẫn đến những hiểu lầm và căng thẳng.
Chính gia đình lớn của tôi cũng gặp phải vấn đề tương tự: giữa cha mẹ và con cái khó có thể giao tiếp được lâu với nhau và hệ quả là những đứa con hiếm khi trải lòng với bố mẹ vì lúc nào bố mẹ cũng cho rằng chúng chưa trưởng thành, còn con cái thì chẳng muốn chia sẻ vì không nhận được sự công nhận.
Tại gia đình nhỏ của mình tôi thấu rõ hơn sự nghiêm trọng của việc thiếu giao tiếp giữa các thành viên nên tôi và chồng mình rất chú ý duy trì các cuộc nói chuyện trao đổi với nhau mỗi ngày khi đi dạo dưới công viên buổi tối. Đó là một nghi thức mà chúng tôi đã duy trì rất lâu từ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Não bộ con người hoạt động tích cực nhất khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là khi nhìn vào mắt nhau. Khi chúng ta vui vẻ, não giải phóng dopamine, mang lại cảm giác hạnh phúc. Ngược lại, khi giao tiếp bị gián đoạn, chúng ta dễ rơi vào trạng thái không hạnh phúc, và việc thiếu giao tiếp trong gia đình có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý.
Thay đổi trong giao tiếp có thể tạo nên phép màu trong gia đình. Những cuộc trò chuyện chân thành không chỉ giúp chữa lành tâm hồn mà còn giải quyết những vấn đề tưởng như không thể.
Tình yêu gia đình được truyền tải qua những cuộc trò chuyện và cái ôm, không phải chỉ là những lời nói suông.
Nếu gia đình bạn đang gặp vấn đề về giao tiếp, tôi cho rằng bước đầu tiên để khôi phục giao tiếp giữa bố mẹ và con cái là lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là truyền đạt suy nghĩ của bản thân, mà còn là mở lòng để hiểu câu chuyện của đối phương. Chúng ta có thường xuyên dừng lại để lắng nghe con cái nói không? Hay chúng ta chỉ phớt lờ những lời nói của chúng, cho rằng đó là những điều không quan trọng?
Có phải chúng ta thường cố gắng truyền đạt suy nghĩ của bản thân mà quên đi cảm xúc của con cái? Nhiều bậc phụ huynh lấy lý do nuôi dạy con để giáo huấn và mắng mỏ, nhưng lại không chú ý đến cảm xúc của trẻ. Những đứa trẻ cần bố mẹ lắng nghe và thấu hiểu, không chỉ là người thầy chỉ biết dạy dỗ.
Nhân ngày đặc biệt Phụ nữ Việt Nam, tôi mong rằng những người vợ, người mẹ càng chú ý hơn nữa để gia đình của mình thực sự là tổ ấm, và có như vậy chúng ta - những người vợ, người mẹ của gia đình mới có được hạnh phúc thực sự và lâu dài chứ không riêng chỉ một ngày nào.
Cuốn sách Hai mặt của gia đình của Choi Kwanghyun không chỉ là một tác phẩm đơn thuần về gia đình, mà còn là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của giao tiếp trong việc xây dựng hạnh phúc. Giao tiếp không chỉ giúp giải quyết khúc mắc mà còn gắn kết các thành viên lại với nhau, tạo nên một tổ ấm thực sự.
Nếu bạn đang tìm kiếm cách để cải thiện mối quan hệ trong gia đình và xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, hãy dành thời gian để lắng nghe nhau. Đọc cuốn sách này, bạn sẽ nhận thấy rằng giao tiếp là chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc và yêu thương trong mỗi gia đình. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, và bạn sẽ thấy phép màu của sự kết nối và tình yêu thương.