VĂN HÓA

Gió Hua Tát vẫn không ngừng thổi …

PSG - TS Nguyễn Thị Minh Thái • 20-08-2021 • Lượt xem: 1078
Gió Hua Tát vẫn không ngừng thổi …

Hua Tát là một bản nhỏ của người Thái đen ở Tây Bắc, nơi Nguyễn Huy Thiệp đã biết, từ tuổi hai mươi: “Số phận run rủi đưa tôi lên dạy học” (1970 - 1980). Sinh năm Canh Dần 1950, Nguyễn Huy Thiệp đã trải một thập niên thanh xuân ở nơi núi non rừng thẳm Tây Bắc. Số phận đã tự nhiên chỉ định sự không tránh khỏi nghề viết văn của chính Thiệp, khi đã dùng cả 10 năm tuổi xanh ấy “úp mặt vào núi đọc sách”.

Thiệp tự thú mình đọc sách từ năm 10 tuổi, được phụ huynh dạy “trong cõi nhân sinh, muốn vẻ vang không có gì bằng đọc sách” (Nhà ta quý sách hơn vàng - thơ Nguyễn Bính). Điều này được trích  trong lời tựa “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” do Thiệp viết ngày 9.7.2007. Sách do chính Thiệp tuyển lựa, sắp xếp theo thứ tự thời gian, như một trù liệu “sớm lo chuyện rửa tay gác bút”...

MỘT. Khởi đầu là gió

Mười năm đọc sách và dạy học ở bản Hua Tát, đã là khởi nguyên định mệnh cái sống và cái viết, ám nhiễm cả đời sống và đời viết của Nguyễn Huy Thiệp, suốt nửa thế kỷ sau đó. Đến khi Thiệp về cõi. Vào một ngày Hà Nội cuối xuân đầu hạ (20.3.2021) “khi hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn” (vẫn thơ Nguyễn Bính).

Và bản Hua Tát thành cơ duyên “địa văn hóa”, đắc địa khai sinh văn nghiệp Nguyễn Huy Thiệp, đặc biệt là truyện ngắn. Và nơi ấy cũng là nơi nỗi nhớ của Thiệp quay về, day nhức suốt đời văn. Thiệp viết: “Bản Hua Tát ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt” (…). “Thung lũng Hua Tát ít nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đây là thứ không khí huyền thoại”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong chuyến trở lại bản Hua Tát năm 2017. Ảnh: Văn Giá


Thiệp viết tiếp, trong tâm thế cô đơn tuổi Canh Dần, như hổ “Nhớ rừng” - trong thơ Thế Lữ: “Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn. Người dân ở đây rộng lòng mến khách. Nếu khách là người thông minh, chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ” (…) “nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người. Những người sống trong truyện cổ bây giờ đều không còn nữa. Ở Hua Tát, họ đã biến thành đất bụi và tro than cả” (…). Tuy vậy, linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau cút (biểu tượng trên nóc nhà sàn - Thiệp chú dẫn) như những ngọn gió”.

Gió Hua Tát đã thổi từ đấy. Thổi không ngừng trong văn Nguyễn Huy Thiệp suốt nửa thế kỷ Thiệp sống và viết. Dường như, Thiệp rời cõi tạm, vẫn mỉm cười, bởi đã biết văn chương của mình sẽ còn thổi mãi như những ngọn gió

HAI. Chuyển động cũng là gió

 Gần tuổi 70, đầy hữu ý, Thiệp đã thông minh, cẩn trọng tự chọn, cấu trúc bản thảo “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” thật riêng biệt, và đủ tinh thần liên tài, mời hàng chục họa sĩ đương đại minh họa cho tập sách đong đầy cả đời viết truyện ngắn của mình. Mỹ thuật sách, họa sĩ Lê Thiết Cương quán xuyến. Quả là một tuyển truyện ngắn đồ sộ, công phu của Nguyễn Huy Thiệp, do NXB Văn học và Công ty Đông A, cùng Nguyễn Huy Thiệp phối kết xuất bản. Bản quyền thuộc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Và như thế, cuốn sách là một liên tài thật đẹp giữa những người yêu văn chương Việt hiện đại.

Thật may mắn và hạnh phúc, Thiệp kịp thấy hình hài thật đẹp của cuốn sách, được xuất bản đầu năm 2021, và đã kịp ký tặng độc giả với sự hài lòng về ấn phẩm văn chương cuối đời, từ ý tưởng khởi phát 13 năm trước. Như giấc mơ đã thành hiện thực cầm tay. Sách nặng, dày hơn 550 trang, khổ 18.5cm x 26.5cm, chứa đựng một cấu trúc mạch lạc, tử tế, cung hiến cho đông đảo người đọc mê thích truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, bắt đầu từ năm 1987, khi truyện ngắn “Tướng về hưu” và cái tên Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện lần đầu trên báo Văn Nghệ.

Ý tưởng và cấu trúc sách cho thấy Thiệp đã nặng lòng biết ơn gió Hua Tát, khi trang trọng đặt tên phần đầu sách: “Những ngọn gió Hua Tát (mười truyện trong bản nhỏ)”, với đề tặng Nguyễn Hồng Hưng, bạn lâu năm, như ruột thịt của Nguyễn Huy Thiệp. Mười truyện này, Thiệp viết từ năm 1971 đến 1986 (năm 21 tuổi đến 36 tuổi). Cái viết truyện ngắn của người đầu xanh tuổi trẻ là Thiệp, ngay lúc bấy giờ, đã phấp phỏng và huyền hoặc trong những con gió Hua Tát xa xôi và bí ẩn, thổi thầm thì, và khoáng đãng theo phong cách “chuyện cổ”, kể về những nhân vật bản làng, cũng đầy bí mật và hoang vu.

Đó là truyện “Trái tim hổ”, về cuộc tình oan nghiệt giữa Pùa và Khó, trong huyền thoại về trái tim hổ, dẫn tới cái chết của ba nhân vật: Hổ và cặp đôi Pùa - Khó. Truyện “Con thú lớn nhất” kể về một thợ săn độc ác, bắn nhầm vợ chết. Cuối cùng, lão đã bắn chết mình, trong ảo tưởng “đã bắn được con thú lớn nhất đời mình”. Truyện “Nàng Bua” thật cảm động, hài hước, lại bi thương. Về nàng Bua, có tận chín đứa con, mà hồn nhiên “không biết đích xác bố của từng đứa một”. Người Hua Tát khinh bỉ, ruồng bỏ, cho đến khi nàng vào rừng đào được hũ vàng, trở nên giàu có. Rốt cuộc nàng chết vì… hạnh phúc, bởi sự giàu, và sự thông thường: lấy chồng như ai, rồi “chết khi trở dạ đẻ giữa đống mền chăn ấm áp”, với cái kết: “Đám ma nàng, cả cộng đồng Hua Tát đi đưa; cả đàn ông, cả đàn bà, cả trẻ con nữa. Người ta tha thứ cho nàng, có lẽ nàng cũng tha thứ cho họ”.

Cái đẹp của nàng Bua, đã như biệt lệ oái oăm của sự đời đen bạc.

Và những nữ nhân vật dị thường này, rốt ráo, đã nở bung thành cái đẹp lộng lẫy nhất về nhân vật văn chương truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mà Hoàng Ngọc Hiến đã gọi tên đích đáng: vẻ đẹp “thiên tính nữ”- vẻ đẹp đã tỏa “một ánh sáng dịu dàng, huyền diệu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp” (trong bài: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” của Hoàng Ngọc Hiến).

Mười truyện ấy đã khởi đầu như mười con gió thổi dặt dìu, vừa hoang hoải hương huyền thoại, cổ tích, vừa nghiệt ngã một hiện thực núi rừng hoang vu, nguyên thủy, trong cái viết đầu đời, thật nhọc nhằn, vất vả, lại thật hanh thông hạnh phúc, của Thiệp. Nó lấp lánh báo hiệu trước sau gì thì văn chương truyện ngắn của Thiệp  đã thổi từ gió Hu Tát, được cuốn theo chiều gió.Và có khi/nhiều khi, đã bùng lên thành bão… Lồng lên phóng túng, gió Hua Tát thoát khỏi làng bản heo hút rừng xanh núi đỏ, cuồng phóng thổi về phố phường đô thị, về đồng bằng châu thổ, thậm chí như mất hút cái tên “Hua Tát”.

Gió băng qua làng quê châu Bắc bộ, đồng ruộng lúa khoai, tre pheo, mái rạ, với sông - suối - đầm - ao - hồ… với rất nhiều vỡ lẽ khai phóng của Nguyễn Huy Thiệp về số phận con người. Trong những cảnh đời trắng đen đối đầu kịch tính, vừa rực rỡ vừa u trầm, như giữa ánh sáng và bóng tối, đỉnh cao và vực sâu … Tất cả sự đời này đã va đập, đã “hành hạ” đến điều chủ thể truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có lẽ như đã từng “hành” Nguyễn Du, khi viết “Truyện Kiều”, buộc phải “đau đớn lòng”, về “những điều trông thấy”.

Và đương nhiên, sự “trông thấy” đã đẩy Nguyễn Huy Thiệp ngã vào tình thế oái oăm, như Trịnh Công Sơn từng nghiệm sinh triết học trong ca khúc “Tiến thoái lưỡng nan”.

600

Ấn phẩm đặc biệt vừa phát hành cuối tháng 6.2021, nhân 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp 


Đó là sự nhất định phải viết về hiện thực cuộc sống, với tất cả xung đột dữ dội triền miên giữa những cặp phạm trù  đối lập muôn đời: Cao thượng - thấp hèn, đểu giả - thánh thiện, anh hùng - tiểu nhân, ác tâm - thiện tâm… vốn đã là biểu hiện sống động, li ti xanh tươi vô thường và bất thường chuyển hóa trong con người, mà Thiệp không còn cách khác, buộc phải đưa vào truyện ngắn của mình…

Để viết chân thật đến khắc nghiệt thế, theo Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huy Thiệp ắt phải tìm “điểm tựa tinh thần. Thiên tính nữ là một điểm tựa tinh thần quan trọng của tác giả. Thiếu một điểm tựa như vậy, văn chương viết về những sự xấu xa của con người sẽ trở thành một thứ văn chương vô lại, mà mục tiêu lớn nhất là lột truồng con người, phơi bày toàn bộ sự đớn hèn của nó”.

Song, thật hồng phúc cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sự thoát thai từ gió Hu Tát đã xô đẩy Nguyễn Huy Thiệp vào một trận cuồng phong lớn. Gió văn chương đã ngợp thành bão và được chỉ dẫn bằng “tư duy tiểu thuyết” (chữ Hoàng Ngọc Hiến dùng cho tư duy sáng tác truyện ngắn của Thiệp), khi đọc ba truyện lịch sử “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” và “Phẩm tiết” của Thiệp. Đó chính là một loại “tư duy tiểu thuyết mang tính dân chủ trong bản chất sâu sắc nhất của nó. Nó chấp nhận việc tiếp cận nhân vật anh hùng và cả gian hùng nữa, trong một quan hệ thân mật, thân tình, thậm chí suồng sã”. Bởi thế, Thiệp không nề hà di chuyển nhiều góc nhìn, đặng miêu tả nhân vật, trong xoay vần nhiều mặt, như khối vuông rubic.

Khác hẳn tư duy sử thi, giữa nhân vật anh hùng và người kể chuyện, là một khoảng xa vời vợi ngàn trùng, chỉ có thể bày tỏ sự tôn sùng, thành kính. Nhờ thế, người đọc ưa phiêu lưu mạo hiểm theo cách viết truyện lịch sử của Thiệp, đã đủ tinh tường và đủ tinh thần dân chủ để thấy vua Quang Trung Nguyễn Huệ, vua Gia Long Nguyễn Ánh, cùng các “chiến tích” của họ trong tình trường, trong chiến tranh, trong chính trường nữa, chẳng qua là những mặt đối lập, luôn đấu tranh, xung đột trong sự thống nhất của tính cách cốt lõi và bao trùm...

Không chịu ở tư thế ngước nhìn, Nguyễn Huy Thiệp đã “lật đổ” thần tượng lịch sử và miêu tả vua Quang Trung, vua Gia Long, trong sự đê tiện, sự đam mê sắc dục, sự suy sụp tâm thần và cả sự khinh khi vô lối nữa, trước vẻ đẹp không thể cưỡng của nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa, với cảm hứng chủ đạo mà Thiệp đã nhất định chỉ cho các nhân vật này gánh lấy. Song, chính tinh thần dân chủ trong tư duy tiểu thuyết của Thiệp đã bị Hoàng Ngọc Hiến cho là “bất nhã”, khi Thiệp “nhét” vào miệng Quang Trung lời “thô lỗ cục cằn” trong tức giận. Như thế, “vô tình tác giả xúc phạm đến những tình cảm lịch sử” (bài viết của Hoàng Ngọc Hiến “Tư duy tiểu thuyết và folklore hiện đại” (nhân đọc mấy truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp).

Tôi cho đây là một nhận định công bằng và sáng suốt.

Từ đây, tôi nghĩ, Nguyễn Huy Thiệp đã tự ý thức hình thành cho chính mình một thứ tư duy folklore hiện đại trong cái viết hiện đại truyện ngắn. Tư duy độc đáo này thuận theo chuyển động không ngừng, vốn dĩ là bản chất của gió. Nó có thể cưu mang luôn những mảnh văng huyền thoại từ linh hồn người Hua Tát, trong những câu chuyện cổ Hu Tát, cho đến giờ và cả mai sau, bởi Thiệp biết “linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau cút (biểu tượng trên nóc nhà sàn) như những ngọn gió”.

Tư duy folklore độc sáng này đã như gió, tự do và phóng túng, cuốn thẳng đứng Nguyễn Huy Thiệp đến một thứ chủ nghĩa hiện thực lưỡng tự nhị nguyên, vừa nghiệt ngã, sát thực, vừa bay bổng, thăng hoa, hệt như hình thái đa đoan, phức tạp khôn lường của chính đời sống. Và cái viết, bằng thể loại truyện ngắn, đã là lựa chọn thật xác đáng của phong cách văn chương đặc hiệu Nguyễn Huy Thiệp. Với lối viết truyện ngắn độc lạ, chưa từng có trước văn học đổi mới, và kể cả văn học sau đổi mới.

Các dạng thức hiện thực đời sống, do được Nguyễn Huy Thiệp “cắt lát” gọn ghẽ, khéo léo, thậm chí tàn bạo đến cực đoan (trong “Tướng về hưu” và “Không có vua”, chẳng hạn ). Song, ém sâu dưới đáy chữ tàn khốc ấy, và không kém cực đoan, vẫn là sự rưng rưng thương cảm, chứa chan nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp - người chỉ thích viết truyện ngắn theo lối riêng. Chính lối riêng ấy đã chỉ định Thiệp tổ chức tình huống độc đáo trong truyện ngắn, luôn được chủ thể viết dẫn dắt, theo sát những sự biến bất ngờ, bất trắc, đầy tính kịch của chính đời sống.

Và cuộc sống, như nó vẫn thế: từ cái chết, bật lên cái sống, cái đẹp và cái xấu cứ đan cài, quấn quyện, chuyển hóa trong đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập. Tất thảy đều đã “nằm ngoan” trong sự điều chế có chủ đích và rất tinh tế của Thiệp. Và thuận theo bản chất chuyển động tất nhiên của… gió.

 Về sau, Thiệp dùng đích đáng loại tư duy đặc hiệu này, để cắt lát những tình huống hết sức bất ngờ, lạ biệt trong chùm truyện về nông thôn, về thành thị, về muôn mặt cuộc đời, như sông Thao thiết ngày đêm chảy ra biển, với thao tác nghệ thuật truyện ngắn thật độc sáng, không giống, và không muốn giống bất cứ - của Thiệp.

Nên, rất có thể, ngay từ đầu, khi va vào văn truyện ngắn của Thiệp, người đọc có thể đã bị sốc, bởi sự phân lập hoặc có ngay sự vỡ òa niềm hạnh ngộ của việc đọc được một truyện ngắn rất hay, rất lạ hoặc chịu hết nổi cách kể chuyện tưng tửng, gần như lạnh lùng, bất nhẫn và khơi khơi từ đầu đến cuối.

Tôi nhớ năm 1987, đang du học ở Liên xô, bỗng nhiên ngọn gió đổi mới văn chương từ Việt Nam bay đến tay tôi tờ Văn Nghệ, in truyện ngắn “Tướng về hưu”. Đấy là  thời khắc huy hoàng của cái đọc, đã bàng hoàng, thảng thốt trước cách kể chuyện hoàn toàn mới lạ về truyện ngắn, của một tác giả mới tinh khôi. Tôi đã nhớ mãi kỷ niệm ấy về truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, và sự choáng váng của một kẻ xa xứ, hành nghề chữ nghĩa.

Và bây giờ, cảm giác ấy, đã quay trở lại, hào phóng như gió và cũng đã nhuốm vị đắng trong gió. Bởi Nguyễn Huy Thiệp đã về trời.

 Gió còn thổi mãi từ văn chương Nguyễn Huy  Thiệp

Để ra một tuần lễ đọc lại truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, cùng các tài liệu liên quan, và đắm mình nghĩ ngợi suy xét, gắng tìm cách “đập vỡ chữ” của Thiệp, như người đập vỡ gương để tìm lấy bóng, tôi phát hiện mình có nhiều vỡ lẽ thân mật với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Vả lại, truyện ngắn của Thiệp đã được chính tác giả chuyển thành kịch bản sân khấu, như kịch “Nhà Ôsin”, hay đã được tác giả khác chuyển thành phim truyện cùng tên như: “Tướng về hưu” (1988), và “Thương nhớ đồng quê” (1992).

Nguyễn Huy Thiệp còn viết tiểu thuyết, viết kịch bản sân khấu và phê bình văn học. (“Giăng lưới bắt chim” của Thiệp được giải thưởng sách phê bình văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006). Nhưng trước sau, tôi vẫn tin: chữ nghĩa văn chương truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mới là cái đáng đọc nhất và có thể còn xanh mãi với thời gian.

Ấn phẩm cuối đời của Nguyễn Huy Thiệp, mỹ thuật sách do họa sĩ Lê Thiết Cương phụ trách.


Tôi nhớ, tiên sinh Văn Tâm từng đặt tên một sách nghiên cứu của mình về Tản Đà: “Tản Đà – Khối mâu thuẫn lớn”. Ngẫm ra, Nguyễn Huy Thiệp cũng là một nhà văn chứa chất một mâu thuẫn lớn. Thiệp vừa nhìn đời với đôi mắt xám lạnh, cay nghiệt và sắt đá như một bà cô không chồng, lại vừa như một cặp mắt xanh tinh tế, dịu dàng, gượng nhẹ, thấm thía lòng thương cảm vô bờ của một trái tim đa tình, đa cảm. Giọng điệu truyện ngắn của ông cũng thế, trong “Tướng về hưu” thật tưng tửng, lạnh lẽo, trong một lối viết gần như tàn nhẫn, dửng dưng.

Và Thiệp, dù có xưng ngôi nhân vật Tôi, thì cũng luôn giữ khoảng cách với các nhân vật khác, và dửng dưng, ngay cả với nỗi đau của chính mình. Nhân vật Thuần, con trai ông tướng trong “Tướng về hưu”, biết chắc mà không một lời trách móc vợ ngoại tình, chỉ không muốn về nhà, lấy xe máy đi ra đường, chạy cho hết xăng thì thôi. Cả một truyện ngắn cứ như tự động chảy theo thời gian sống của nhân vật kiểu “tự nhiên nhi nhiên”.

Trong bài “Khi ông tướng về hưu xuất hiện” Đặng Anh Đào gọi lối viết ấy là “lối viết trung hòa và thản nhiên”. Bà còn thêm “là lối viết đặc biệt phát triển ở một số nhà kể truyện thế kỷ XX, như Hemingway chẳng hạn”. Lối viết ấy “không thể đọc trên một dòng chữ, một đoạn mạch, mà là ở sự khái quát của người đọc”. Và bà cho rằng lối viết của Thiệp mới là ở chỗ đó. Và ở “lối kể rất cổ điển, đầu trước đuôi sau, những câu văn đơn sơ, dễ hiểu, ai cũng đọc được, cả điều đó nữa, cũng không hẳn là “tính quần chúng”. Cái nhìn dân chủ hóa của người kể chuyện ở đây chính là chỗ tin rằng mình không phải mách nước cho ai, lên lớp cho ai, thậm chí ở nhiều chỗ đứng thấp hơn nhân vật và bạn đọc”.

Tôi thiển nghĩ, Thiệp đâu cần viết tiểu thuyết, thậm chí càng không cần làm thơ, hay viết kịch. Chỉ cần Thiệp viết truyện ngắn như đã viết. Chỉ cần Thiệp thơ ở những chi tiết truyện ngắn mà theo Thiệp, chỉ có thể là thơ, mới cưu mang nổi cái sắc thái bay bổng của một ý nghĩa khía cạnh trong chủ đề chung. Thực tế văn chương truyện ngắn của Thiệp đã chứng tỏ Thiệp chỉ cần làm nét khoảnh khắc vụt sáng của câu chuyện nào đấy, được Thiệp đong đầy và cô đặc vài sự biến của những nhân vật dị thường, làm bật ra những triết lý sinh tồn của những trạng thái hiện sinh, thì hà tất Thiệp phải viết tiểu thuyết.

Và có khi, chỉ cần có loại tư duy tiểu thuyết như Hoàng Ngọc Hiến đã chỉ ra ở sáng tạo truyện ngắn của Thiệp.

Thế là đủ đầy… cho gió không ngừng thổi và mãi còn thổi trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp đấy thôi…

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái/Người Đô Thị