VĂN HÓA

Giữ lửa truyền thống tại làng nghề làm đèn ông sao hơn 100 năm tuổi

Khanh Khanh • 30-09-2023 • Lượt xem: 1219
Giữ lửa truyền thống tại làng nghề làm đèn ông sao hơn 100 năm tuổi

Được mệnh danh là một trong những cái nôi sản xuất đèn ông sao lớn nhất miền Bắc, những ngày Trung Thu cận kề, làng Báo Đáp bao phủ bởi không khí tất bật làm đèn phục vụ Tết. Hàng sản xuất đến đâu được tiêu thụ hết đến đấy, nhà nhà tại làng Báo Đáp gần như sáng đèn cả ngày lẫn đêm, miệt mài làm liên tục để kịp đáp ứng thị trường mùa lễ.

Kể từ rất lâu đời, Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã nổi danh với nghề làm hoa lụa và đèn ông sao Trung Thu. Từ cuối thế kỷ XIX, làng chuyên về làm mặt hàng hoa giấy. Nhưng sau đó, khi nhận thấy nhu cầu thị trường bắt đầu thay đổi và phát triển, làng chuyển sang làm hoa nhựa, hoa lụa và lồng đèn Trung Thu. 

Trải qua thời gian dài gắn bó với nghề, người dân làng Báo Đáp đi qua không biết bao nhiêu thăng trầm, sự thay đổi từ thị trường cạnh tranh khốc liệt, ngày càng nhiều mặt hàng mới lạ ra đời… Tuy nhiên, nghề làm đèn ông sao tại làng Báo Đáp không chỉ giữ vững được vị thế của mình, mà còn ngày càng vươn xa hơn. Cho đến nay, làng Báo Đáp là một trong những làng nghề nức tiếng dẫn đầu về mặt hàng đèn ông sao Trung Thu, với quy mô hơn 400 hộ sản xuất và kinh doanh lớn nhỏ. Mỗi người dân trong làng có thể đáp ứng được số lượng từ 150 - 200 chiếc đèn ông sao trung bình mỗi ngày. Vì thế, số lượng cung cấp được trải dài khắp mọi miền trên đất nước.

Từ tháng Năm đến tháng Tám âm lịch được xem là khoảng thời gian tất bật và bận rộn nhất trong năm. Quy trình làm đèn gồm nhiều khâu được thực hiện thủ công hoàn toàn, đảm bảo độ tỉ mỉ, bền đẹp và còn cả an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Đầu tiên, nứa, luồng sẽ được người dân tìm mua ở Thanh Hóa đem về ngâm dưới ao kể từ tháng Giêng. Trải qua phương pháp này, nứa, luồng tăng được tuổi thọ, chống mối mọt, trở nên dẻo dai hơn để dễ dàng tạo hình, uốn thành khung đèn theo ý muốn của người thợ. 

Tiếp đến là cán đèn được làm từ xương cây đay phơi qua nhiều đợt nắng, nhuộm màu cho chắc chắn. Còn giấy bóng thông thường nhập về từ Trung Quốc. Hồ dán cũng được kỹ lưỡng nấu từ bột gạo nhằm đảm bảo độ an toàn, nhất là cho trẻ em. Sau khi hoàn thành khung đèn, cố định chắc chắn, người thợ sẽ quét một lớp hồ lên bộ khung, dán tỉ mỉ từng mảnh giấy bóng để viền cánh. Uốn tròn một thanh nan tre mỏng để viền ngoài cả ngôi sao, thêm giấy tua rua nhiều màu sắc cho bắt mắt. Cuối cùng là chống căng mặt đèn bằng thanh tre nhỏ, phơi khô và bó thành thành phẩm hoàn chỉnh, xếp gọn thành cọc rồi vận chuyển đi các tỉnh. 

Được biết, để cho ra được một thành phẩm hoàn thiện, người thợ phải mất khoảng 60 lần “nhấc lên hạ xuống". Mỗi một công đoạn đều phải được thực hiện một cách tâm huyết, kỳ công thì mới có thể cho ra một chiếc đèn ông sao đạt chuẩn. Bà Đỗ Thị Rỗ - người dân làng Báo Đáp cho biết: "Chiếc đèn ông sao đẹp là hình sao phải đều cánh, giấy bóng dán căng đều, trọng lượng đèn phải nhẹ để đảm bảo trẻ em thoải mái khi cầm đi vui Tết Trung Thu...". 

Từng có giai đoạn, người làng nghề Báo Đáp gặp khó khăn khi phải đối diện với nhiều mặt hàng đèn cạnh tranh, đặc biệt là đồ chơi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau thời gian giữ lửa bền bỉ, tìm tòi phương thức mới, miệt mài với đôi tay đầy vết xước, họ vẫn giữ được hình ảnh chiếc đèn ông sao của dân tộc và trở thành lựa chọn hàng đầu mỗi dịp Trung Thu cho đến hiện nay. 

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người già đến trẻ con, từ đàn ông đến phụ nữ, người làng Báo Đáp - ai ai cũng đều biết cách làm món đồ chơi dân gian này. Với họ, đó không chỉ là ngón nghề để kiếm sống, mà còn là tài sản vô giá do cha ông để lại, là linh hồn văn hóa truyền thống cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Chiếc đèn ông sao soi sáng khắp nẻo đường, con phố mỗi dịp Trung Thu mang chính ý nghĩa biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, hơn thảy còn thể hiện ước muốn hòa bình của người Việt Nam.