VĂN HÓA

‘Hai trăm cây số phía bắc Sài Gòn’: Dấu ấn một vùng biển

Hào Nam • 25-11-2021 • Lượt xem: 511
‘Hai trăm cây số phía bắc Sài Gòn’: Dấu ấn một vùng biển

Sinh năm 1987, tuổi đời còn trẻ nhưng tác giả Nguyễn Chí Lợi, một người con của vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận, lại đón đầu cho hành trình cầm bút của mình bằng đề tài mang màu sắc lịch sử.

Và cách viết đan cài giữa hiện tại và quá khứ, với nhiều liên tưởng và hồi ức cũng như va đập cuộc sống, tạo nên những mảng màu sắc đặc biệt trong cách viết cuốn tiểu thuyết Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn của anh.

“Tôi có chút hối hận, tự trách mình đã quá vô tư và thiếu sót. Mỗi ngày đi qua những con đường, những dãy nhà trong thành phố cứ thản nhiên lướt qua, chẳng để ý rằng máu xương thân xác của hàng trăm, hàng ngàn người, thế hệ ông bà tổ tiên tôi đã đổ xuống đây, đã nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ để xây đắp nên dáng hình một đô thị quê hương Phan Thiết xinh đẹp như ngày nay”.


Nhà văn trẻ Nguyễn Chí Lợi

Đây cũng là tác phẩm văn học đương đại đầu tiên viết về vùng biển quê anh: Phan Thiết – Bình Thuận. Vì thế, nó như một làn gió mới khai phá chính tâm tư của người viết và đưa đến cho bạn đọc một cuộc du ký bằng chữ trong sự tưởng tượng gần gụi nhất.

Nguyễn Chí Lợi đã cố công tìm tòi để đưa những chi tiết lồng ghép của lịch sử và hơi ảo diệu, bí hiểm vào trong từng trang viết. Văn phong ấy trải dài trong mạch truyện, theo chiều dài hình thành, phát triển của vùng biển mà anh mê đắm.

Tác giả cho biết: “Tôi có ý tưởng làm một cuốn phim về quê hương mình từ lâu. Từ lúc học cấp 3 khi mà mình quyết định tương lai mình sẽ theo nghề làm phim.

Tôi từng đặt bút viết những dòng đầu tiên cho cuốn phim này năm 27 tuổi. Nhưng khi đó nhiều sự kiện trong đời sống của mình xảy ra khiến mình chưa thể hoàn thành kịch bản trọn vẹn.

Rồi dần dà khi mình thâm nhập và hiểu biết đủ lâu trong ngành nghệ thuật thứ 7 cũng như thị trường phim ảnh của nước nhà, tôi nghĩ rằng còn lâu lắm mình mới chuyển ý tưởng này lên màn ảnh được.

Trong đợt dịch covid lần đầu xảy đến, mọi công việc của tôi bị đình trệ. Tôi mở ra những trang viết cũ và nghĩ rằng tại sao mình không chuyển những trang kịch bản thành sách dạng tiểu thuyết hay truyện dài, nhằm lưu giữ lại và cũng để làm kỷ niệm hoặc giả là cũng thử thách khả năng của bản thân khi bước chân vào một địa hạt nghệ thuật mới. Từ ý tưởng đó tôi đã mày mò tìm hiểu cách viết tiểu thuyết, đọc thêm nhiều sách để hình dung cách làm cho mình.

Tôi viết Hai trăm cây số phía Bắc Sài Gòn trong khoảng một năm. Mỗi ngày đều đặn vào những buổi tối từ khoảng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Rất may mắn là nó cũng hoàn thành vào đúng lúc như mình dự định”.

Chúng ta dễ dàng nhận ra sự ẩn dụ đằng sau nội dung của cuốn tiểu thuyết này. Nguyễn Chí Lợi thể hiện khao khát muốn mang tới một sự hình dung thú vị, sâu xa hơn ngoài vẻ hào sảng, miên man của vùng biển ấy. Anh cũng đau đáu một khát vọng làm sao phát triển được quê hương của mình.

Đọc sách, ta hiểu hơn về cách ngư dân làng chài sống và xây dựng quê hương của họ ra sao. Ta cảm nhận được mùi nồng ngái của biển, của mắm, của muối và dư ba dai dẳng của tình người, của khí chất con dân xứ biển mà tác giả đã tinh tế cài trong từng chi tiết, cốt truyện…