Trong ký ức của tôi, và cả suy nghĩ bây giờ, Hàng Mã vẫn cứ là phố của tuổi thơ. Hẳn nhiều người cũng nghĩ như vậy. Trong những con phố cổ của đất Hà Thành, Hàng Mã luôn rực rỡ sắc màu, luôn hấp dẫn với những đứa trẻ. Những thứ đồ chơi ở Hàng Mã dường như lúc nào cũng lung linh, quyến rũ… và đọng lại những kỷ niệm tuổi thơ khó phai mờ…
Phố Hàng Mã nối từ phố Hàng Đường sang phố Phùng Hưng, dài 339 mét; xưa kia thuộc hai thôn Vĩnh Hanh và Yên Phú thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Hai thôn cách nhau bởi sông Tô Lịch, khi đó còn thông với sông Hồng. Sau này, đoạn Tô Lịch thông ra sông Hồng bị lấp, đất của hai thôn liền thành phố Hàng Mã như ngày nay. Cũng như nhiều phố trong khu phố cổ Hà Nội, Hàng Mã là phố nghề. Nơi đây sản xuất và buôn bán giấy, đồ vàng mã cúng lễ, đồ trang trí, đồ chơi dân gian bằng giấy… Sau này phố Hàng Mã kinh doanh thêm nhiều mặt hàng và dịch vụ khác như văn phòng phẩm, phông màn, thiệp cưới, bưu thiếp, bán cả những thứ đồ chơi hiện đại… Không biết có phải nơi đây buôn bán những thứ gắn liền với cuộc sống thường ngày, hay vì cái rực rỡ lung linh của con phố mà Hàng Mã lúc nào cũng đông đúc, luôn là điểm đến của những người đi chơi phố, và tất nhiên thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài.
Phố Hàng Mã - một trong không nhiều phố nghề trong khu phố cổ vẫn giữ được nghề xưa.
Phố lúc nào cũng rực rỡ với những sắc màu.
Những ngày thường, phố Hàng Mã cũng rực rỡ sắc màu bởi những chiếc đèn lồng, những hoa trang trí, vàng mã, những chữ Song Hỷ cho đám cưới… và nhất là những thứ đồ chơi trẻ con. Những ngày gần rằm tháng Tám, phố Hàng Mã càng thêm tưng bừng náo nhiệt. Màu sắc, khung cảnh của không gian phố là một sự hấp dẫn khó cưỡng lại với những ai đi qua, đặc biệt là những đứa trẻ. Được đi chơi phố Hàng Mã, được mua đồ chơi Trung Thu ở Hàng Mã là một niềm vui khôn xiết - như một phần không thể thiếu của Tết Trung thu. Cái cảm xúc được hòa vào dòng người, vào không gian phố náo nức ấy thấm sâu vào tâm hồn mỗi đứa trẻ, qua từng mùa Trung thu. Đó là một cảm xúc rất Hà Nội.
Cũng như nhiều phố cổ khác, đường và hè đều là không gian, mặt bằng kinh doanh.
Những ngôi nhà cổ ngày càng hiếm hoi
Ngày xưa, đồ chơi trẻ con ở Hàng Mã đa phần là những đồ chơi dân gian làm bằng giấy, gỗ hay sắt tây. Đó là những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn ông sư; đó là những chiếc mặt nạ giấy bồi đủ hình con vật hay các nhân vật trong truyện cổ; đó là những chiếc đầu sư tử, trống ếch để múa trong đêm trăng rằm… Những thứ đồ chơi giản dị thế thôi, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có được. Vì thế, phố Hàng Mã luôn là nơi hấp dẫn của những đứa trẻ trong dịp Trung Thu; mà có lẽ chỉ cần được nhìn, được ngắm những đồ chơi ấy cũng là một niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc và nỗi khát khao ấy cứ mãi đi theo những năm tháng tuổi thơ và theo suốt cuộc đời.
Đầu sư tử - một trong những đồ chơi truyền thống trong dịp trung thu của thiếu nhi.
Còn đây là đèn ông sao với huy hiệu Măng non – hình ảnh đẹp nhất của Trung thu.
Bây giờ, cũng như các phố nghề khác, những mặt hàng kinh doanh ở phố Hàng Mã đã thay đổi ít nhiều. Những thứ vàng mã xưa kia vẫn còn, nhưng được bổ sung thêm nhiều cái mới, đáp ứng theo nhu cầu của một xã hội hiện đại. Nếu như ngày xưa đồ vàng mã là những tập giấy sơn son thếp vàng, tiền âm phủ, quần áo, lọng, xe ngựa… thì nay có cả nhà lầu, xe máy, ô tô… Nếu như ngày xưa đồ chơi là những đồ chơi dân gian bằng giấy, đơn giản thì bây giờ có nhiều đồ chơi mới bằng nhựa, đồ chơi điện, điện tử được nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Số gia đình sản xuất vàng mã, đồ chơi cũng không còn nhiều, mà đa phần chỉ là buôn bán lại hàng lấy từ những nơi khác. Những người có tuổi tiếc nuối những thứ đồ chơi dân gian giản dị mà đầy tính nhân văn, thẩm mỹ… Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, những đầu sư tử… từng là niềm mơ ước tuổi thơ của nhiều thế hệ - trong đó có tôi - cứ lặng lẽ khuất bóng, mai một dần. Mong muốn phục hồi những thứ đồ chơi truyền thống, phục hưng một nét văn hoá dân tộc liệu có xa xôi?
Số hộ trực tiếp sản xuất không còn nhiều, mà đa phần là kinh doanh hàng sản xuất từ nơi khác. Ảnh: Một người giao hàng vừa chuyển hàng tới.
Vẫn còn những cửa hàng sản xuất ngay tại chỗ.
Bên cạnh đồ chơi truyền thống là những sản phẩm nhập từ Trung Quốc, từ đèn giấy…
… cho tới những đồ chơi bằng nhựa.
Dẫu có những thay đổi theo thời gian, theo sự vận động của xã hội, thì phố Hàng Mã vẫn là một trong ít phố cổ giữ được nét đặc trưng ngành nghề buôn bán. Hàng Mã vẫn là nơi níu chân người qua, là niềm tự hào của khu phố cổ và người dân Hà Nội. Ở nơi đó người ta luôn thấy niềm vui, sự rộn ràng của cuộc sống, và tìm thấy tuổi thơ mình qua những sắc màu, qua những chiếc đèn lung linh rực rỡ. Ở đó người ta thấy một bóng dáng Hà Nội xưa vẫn đang lưu giữ những nét đẹp văn hoá và truyền thống của ông cha.
Dù đồ chơi ở đâu cũng có bán, nhưng cứ tới dịp Trung Thu là nhiều người lại lên Hàng Mã mua đồ chơi như một thói quen, một nếp sống.
Tuổi thơ tôi, như bao đứa trẻ khác - trong giấc mơ luôn lấp lánh những thứ đồ chơi Hàng Mã trong dịp Tết Trung Thu. Một chiếc đèn kéo quân, một chiếc đầu sư tử hay chiếc tàu thuỷ bằng sắt tây chạy được dưới nước là những thứ tôi chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có. Tuổi thơ đã mãi xa… Thời gian không quay trở lại. Phố Hàng Mã ngày xưa và bây giờ không giống nhau. Nhưng có lẽ những giấc mơ không trở thành hiện thực ấy - trở thành hoài niệm - bao giờ cũng đẹp. Những day dứt, trăn trở vẫn song hành cùng cuộc sống hối hả, nhộn nhịp và tươi vui của con phố nhỏ ngày hôm nay.
Mỗi khi đi qua nơi đây, lòng chợt bồi hồi, gợi về miền ký ức xa xăm và đẹp vô cùng… Hàng Mã - Phố của tuổi thơ!
Giữa cuộc sống hối hả nhộn nhịp, phố Hàng Mã vẫn lắng đọng nhiều cảm xúc của nhiều thế hệ, đã đi qua tuổi thơ.