VĂN HÓA

Hãy làm bạn với con, ba mẹ nhé!

HaoKhanh • 27-04-2025 • Lượt xem: 11
Hãy làm bạn với con, ba mẹ nhé!

Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, mẹ cũng bỡ ngỡ và lo âu. Nhưng mẹ hứa sẽ cố gắng để thấu hiểu con nhiều hơn. Chúng ta cùng nhau đồng hành con nhé!

Trước đây, khi chưa có bé nhỏ tôi luôn nghĩ rằng làm mẹ thật dễ dàng, có gì đâu nặng nhọc mà ai cũng rối hết cả lên. Tôi mạnh miệng vỗ ngực tự tin rằng “Sau này có con, mình sẽ là một người mẹ thông thái”, “Mình sẽ không bao giờ la mắng con”, “Đứa trẻ của mình sẽ được giáo dục tốt và trở thành một đứa trẻ ngoan”. Thế nhưng, đúng là ở đời không biết hết chữ ngờ.

Sau này, khi lập gia đình, tôi hạnh phúc đón một thiên thần nhỏ chào đời. Thời gian đầu, trộm vía bé ngoan lắm, làm mẹ mà nhàn tênh. Vậy nhưng khi bước và tuổi “nổi loạn”, tôi mới giật mình hoảng hốt vì bạn nhỏ “hư” quá. Con  không nghe theo lời mẹ nữa. Con ném đồ đạc mỗi khi tức giận hay không hài lòng với một việc gì đó. Con la hét, khóc lóc om sòm, nằm ra đất ăn vạ nếu mẹ không mua đồ chơi. Đôi lúc con còn có hành động bạo lực như vung tay, đánh, cắn những người thân trong gia đình. Sự thay đổi trong tính cách của con khiến tôi lo lắng và căng thẳng.

Hình ảnh minh hoạ (Internet)

Đỉnh điểm, có một hôm chỉ có hai mẹ con ở nhà. Tôi thì lu bu nhiều việc, luôn tay luôn chân từ việc cơ quan rồi đến việc nhà, nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp. Còn con thì cứ quậy phá, nghịch ngợm. Cậu chui vào lu nước rồi thổi bong bóng bay đầy nhà, cậu vẽ bậy ra tường, leo lên ghế với những món đồ trên cao,…Tôi la hét với cậu nhưng cậu chẳng nghe vẫn tiếp tục nghịch phá. Nóng nảy và bực bội quá sẵn có cái cây, tôi tét mông cho vài cái. Thế là cậu khóc oà lên. Một ngày, hai mẹ con căng thẳng, giận dỗi nhau.

Thế nhưng, cứ tưởng sau trận đòn roi đó cậu sẽ ngoan hơn, nhưng không, tình trạng đó vẫn cứ mãi tiếp diễn vào những ngày sau đó khiến tôi tức giận. Tôi la hét mỗi khi cậu đụng vào cái gì đó, tôi đánh mắng và bắt cậu làm theo ý mình, tôi nặng lời “Con không ngoan, mẹ không cần con nữa”. Tôi trở thành một người mẹ nghiêm khắc và độc đoán lúc nào không hay.

Và đến một ngày, tôi nhận ra, con không còn gần gũi với tôi nữa. Cậu luôn tỏ ra e dè, sợ hãi và khép nép khi nhìn thấy tôi. Đôi khi, cậu có hành động bướng bỉnh và chống đối, làm nguợc lại những gì tôi nói khiến tôi rơi vào tình trạng bế tắc, stress. Tôi tìm đến một người bạn cũng là một bác sĩ tâm lý với mong muốn tìm cách cứu cánh cho trường hợp của mình. Nghe xong câu chuyện của tôi, cô bạn chỉ cười rồi nói “Sao cậu không nghĩ vấn đề nằm ở cậu?” Tôi ngạc nhiên với câu hỏi đó, bèn nóng nảy “Ý bạn là sao, mình làm sai ở đâu?”. Cô bạn ôn tồn giải thích: “Thế có bao giờ cậu một lần ngồi lại trò chuyện cùng con?, Có bao giờ cậu lắng nghe con nói?, Có bao giờ cậu hỏi con thích gì, con muốn gì? Mình chỉ khuyên một câu thôi: Hãy bình tĩnh và làm bạn với con”.

Câu nói của cô ấy khiến tôi suy nghĩ thật nhiều, trằn trọc cả đêm không ngủ được. Vì tôi không thể phủ nhận rằng cô ấy đã nói đúng. Ngẫm lại tôi lại thấy mình thực sự chưa phải là một người mẹ tốt. Có lẽ tôi đã thất bại trong việc làm mẹ, sai lầm trong cách giáo dục con. Cuộc sống quá bận rộn khiến tôi lao vào vòng quay của nó. Như một con robot tôi lặp đi lặp lại vòng tròn của chính mình, tôi loay hoay “cơm, áo, gạo, tiền” mà không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, không dành thời gian nhiều hơn để quan tâm đến con.

Tôi nhận ra rằng đã rất lâu rồi hai mẹ con không ôm nhau trước khi đi ngủ, đã lâu rồi cậu không tíu tít kể chuyện ở trường ở lớp cho tôi nghe, đã lâu rồi hai mẹ con không cùng nhau cười khúc khích hoà vào những chuyện cổ tích hài hước. Cũng thật lâu rồi, hai mẹ con không gần gũi với nhau.

Hình ảnh minh hoạ (Internet)

Nghe theo lời khuyên của bạn, tôi bắt đầu thay đổi. Tôi học cách kiên nhẫn hơn khi ở bên con. Tôi nhẹ nhàng hướng dẫn con từng chút một. Và tôi học cách lắng nghe con nói.

Con kể, con thích những bong bóng xà phòng nước và nhìn chúng bay lên trong không trung rồi chợt vỡ tan, con thích những gam màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng và con muốn vẽ lên những bức tranh tuyệt đẹp để tặng nó cho mẹ, con thích leo lên chiếc ghế cao để khám phá vì với con nó là một điều gì đó thật thú vị mà con chưa hề biết đến. Và đó cũng là lúc tôi thấm thía với câu nói “Trẻ con không phải là phiên bản của người lớn. Con cũng có thế giới của riêng mình”. Thế giới của con đơn giản lắm, trong sáng và thuần khiết biết bao. Thế là tôi ôm con vào lòng, giải thích cho con hiểu: “Mẹ xin lỗi nhưng mẹ lo lắng chum nước cao, con sẽ ngã, con vẽ ra tường mực sẽ không lau được, con leo trèo cao sẽ nguy hiểm lắm. Mẹ cùng con chơi nhé. Chúng ta sẽ cùng thổi bong bóng nước, cùng vẽ màu ra giấy và mẹ sẽ giữ để con lấy đồ trên cao. Nhưng con hứa với mẹ là sau khi chơi xong, chúng ta cùng dọn dẹp và lau chùi nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp nhé”. Tiếng “dạ” ngoan ngoãn vang lên. Tiếng tíu tít vui cười của hai mẹ con vang vọng cả ngôi nhà, đầm ấm và hạnh phúc.

Dần dần, tôi cố gắng sắp xếp công việc để có nhiều thời gian hơn ở gần con. Tôi nhận ra con cũng có ý kiến, mong muốn của riêng mình. Một lần con nhìn thấy bạn chạy chiếc xe đạp màu xanh vút qua hiên nhà, con mải miết nhìn theo. Tôi hỏi “Con thích chiếc xe đạp đó à?” Con nói “Con thích chiếc xe đạp của bạn Bi lắm?”, Tôi hỏi “Sao con thích nó?”. Con ngây ngô trả lời “Con sẽ học đi xe đạp, sau đó con chở mẹ đi chơi”. Tôi lại hỏi “Con có thể nói mẹ mua cho con mà”, cậu e dè trả lời “Con sợ mẹ tốn tiền, bố bảo mẹ vất vả lắm”. Nghe con nói mà tôi bật khóc. Thì ra cậu bé của tôi cũng ngọt ngào và hiểu chuyện đến đau lòng như vậy. Tôi xoa đầu cậu và thủ thỉ: “Vậy mẹ và con cùng làm một thoả thuận nhé, con cố gắng học giỏi, cuối năm mẹ sẽ mua xe đạp cho con, được không?”. Cậu lém lỉnh “Thật á mẹ, móc ngoéo nào”. Nhìn con vui vẻ tôi chợt hiểu, thì ra khi học cách lắng nghe cũng vui đến vậy, là khi sự bình yên và hạnh phúc không ở đâu xa mà chỉ gói gọn trong nụ cười ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ.

Hình ảnh minh hoạ (Internet)

Tôi biết, trong cuộc sống này, cũng sẽ có những nguời làm cha làm mẹ, một lúc nào đó sẽ giống tôi, vì áp lực cuộc sống mà dễ nóng nảy và trút những phiền muộn lên con cái của mình, nói những lời không hay, làm những hành động không đúng làm tổn thương đến con trẻ. Hay sự cách biệt về tuổi tác, thế hệ gây ra những ý kiến trái chiều, mâu thuẫn giữa những người lớn và trẻ nhỏ dẫn đến  rạn nứt trong tình cảm. Những lúc đó, hãy sống chậm lại, học cách lắng nghe nhiều hơn. Tôi tin rằng với sự quan tâm, tình yêu thương và sự thấu hiểu sẽ là sợi dây kết nối bền chặt thắp sáng ngọn lửa ấm áp của tình thân - một tình cảm thiêng liêng và trân quý.


Tag: