ĐỜI SỐNG

Hãy thỏa thuận những điều sau trước khi kết hôn

Tam Nguyên • 22-05-2022 • Lượt xem: 359
Hãy thỏa thuận những điều sau trước khi kết hôn

Thời gian yêu nhau luôn là khoảnh khắc đẹp trong lòng hai người, nhưng để duy trì được sự kết nối đó trong một thời gian lâu dài sau hôn nhân lại là một vấn đề khó và cần cả hai cùng cố gắng. Kết hôn không giống như lúc yêu nhau, vì vậy cả hai cần biết đối phương nghĩ như thế nào về những vấn đề mà rất có thể chúng sẽ là tác nhân đẩy cuộc hôn nhân của bản thân đi vào ngõ cụt trong tương lai.

Ai là người giữ tiền, dùng chung hay xài riêng?

Đừng nghĩ đây là một câu hỏi thô tục, tiền bạc và hôn nhân không thể tách rời nhau. Cuộc sống sau khi kết hôn 10% là tình yêu còn 90% còn lại là cơm, áo, gạo, tiền, củi, dầu, đường, muối. Bên cạnh đó, quan điểm chi tiêu của cả hai sau kết hôn cũng sẽ có sự điều chỉnh lớn. Trước đây cả hai người đều độc lập kinh tế, tự tiêu tiền của mình, lâu lâu sẽ hỗ trợ nhau một ít nhưng sau kết hôn, bắt buộc phải lập quỹ chung dùng cho gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ và tiết kiệm để lo cho tương lai sau này.

Nếu cả hai không bàn đến vấn đề tiền bạc hoặc chưa có thống nhất cụ thể thì đừng vội kết hôn. Tuy đau lòng, nhưng tiền bạc chính là nền tảng của hôn nhân, sau kết hôn đa số vấn đề đều xoay quanh tiền cả, không phải cứ “anh 5 triệu em 5 triệu” là có thể sống cùng nhau cả một đời.

Có ý định có con không? Sinh bao nhiêu bé?

Trong quá trình yêu đương, rất nhiều cặp đôi không hề suy nghĩ về vấn đề này. Nhưng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, áp dụng hôn nhân không con cái vẫn rất khó khăn, nhất là khi quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường” tại Việt Nam vẫn còn nặng nề. Các cặp đôi trước khi kết hôn không chỉ phải thống nhất ý kiến về chuyện sinh con mà còn phải chắc chắn những chuyện bên lề như: Muốn sinh mấy bé? Có nhất định phải sinh con trai không?... và ở trường hợp tồi tệ nhất, nếu một trong hai người bị vô sinh thì sao?

Rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ vì gia đình nhà trai nhất định muốn sinh con trai, sinh không được thì tiếp tục sinh. Vì vậy nhất định phải trả lời câu hỏi này, nếu không con cái không những không phải là hy vọng của gia đình mà còn có thể khiến hôn nhân tan vỡ.

Sống chung với bố mẹ chồng/vợ hay là sống riêng?

Việc này rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều sau cuộc sống sau hôn nhân của cả hai nên bạn phải thống nhất rõ cùng nửa kia của mình. Đã có trường hợp rất nhiều cặp đôi không trao đổi trước vì cứ nghĩ sáng đi tối về không gặp nhau nhiều thì sẽ không có chuyện gì, hoặc cả hai đều có suy nghĩ sống chung một thời gian rồi đối phương cũng sẽ đề nghị ra riêng để thoải mái nên cứ “nhắm mắt” cho qua. Đây cũng là lý do nhiều cặp không sống được với nhau vì mâu thuẫn với nhà chồng và cuối cùng dẫn đến những chuyện vô cùng đáng tiếc.

Trách nhiệm với hai bên nội ngoại như thế nào?

Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng cả hai cần thảo luận với nhau và đưa ra thống nhất trước khi tiến đến hôn nhân. Trách nhiệm chăm lo đối với bố mẹ, ông bà, anh chị, hay con riêng gì không? Có phải gửi tiền không và tỷ lệ chi gửi như thế nào? Quà tết, quà lễ, quà về thăm nhà nên mua sắm như thế nào? Có công bằng hay chưa? Nếu không thống nhất từ trước, sẽ rất dễ dẫn đến tranh cãi và gây bức xúc về sau cho cả hai.

Tết hoặc ngày lễ hai vợ chồng ở đâu?

Lễ, tết hoặc ngày nghỉ dài cả hai sẽ đi đâu, làm gì? Về nội hay về ngoại hay đi du lịch? Đây là vấn đề quan trọng cần thống nhất trước để tránh sau này làm một trong hai người cảm thấy tủi thân, không công bằng thậm chí là mặt nặng mày nhẹ, bằng mặt mà không bằng lòng.

Cả hai vợ chồng đều đi làm hay một người ở nhà nội trợ?

Sau khi kết hôn, cả hai người đều sẽ đi làm để phát triển sự nghiệp đã xây dựng trước đó hay một người từ bỏ và làm người nội trợ toàn tâm chăm sóc gia đình? Nếu cả hai vợ chồng cùng chọn phát triển sự nghiệp thì hãy luôn hỗ trợ nhau trong công việc nhà sau những giờ làm việc. Hãy thảo luận cả vấn đề này với cha mẹ đôi bên, vì khi một trong hai người có chuyến công tác dài ngày thì lúc này sự trợ giúp từ phụ huynh là cực kỳ quan trọng.

Hôn nhân là chuyện cả đời, không giống như yêu đương mơ mộng màu hồng mà sẽ có những ràng buộc vô hình vì vậy các cặp đôi nên trao đổi và thống nhất các vấn đề trên để hiểu về nhau cũng như những quan điểm trong cuộc sống của nhau thật rõ ràng trước khi tiến tới hôn nhân.