VĂN HÓA

Hiểu đời qua 3 tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Anh Tuấn • 19-04-2023 • Lượt xem: 2636
Hiểu đời qua 3 tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của thời đại chúng ta, trong mỗi tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đọc luôn tìm thấy nhiều thông điệp ý nghĩa. Từ sống an trú trong ngày hiện tại cho đến mỗi hơi thở, một nụ cười… tư tưởng của sư ông sẽ mãi còn đó và luôn sống động. 3 tác phẩm sau đây tuy đơn giản nhưng lại chứa những bài học vô cùng giản dị.

Con cá dung thông

Trong những tác phẩm như Con gà đẻ trứng vàng, Mẹ con sư tử… có thể thấy rằng thiền sư luôn thông qua nhiều con vật, từ đó truyền đi bài học ý nghĩa. Ở Con cá dung thông, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chia vạn vật trong cuộc sống này thành ra hai phía – thù và bạn, từ đó khảo sát mối quan hệ ấy. Liệu đó là sự tương quan cùng nhau chung sống, hay là diệt trừ mang tính tàn sát?

Ở phía con người, đó là những người ngư dân và các hoạt động đánh cá hằng ngày. Bằng những quan sát vô cùng tinh tế, thiền sư đã nhìn thấy được nét đẹp mang tính lao động, với nước da thơm mùi biển mặn và những bắp thịt cuộn tròn dưới nắng. Không chỉ có họ, mà trong vòng xoáy của cuộc sống này, cũng còn những người thiếu phụ xách giỏ đi chợ, lựa từng con cá thơm ngon… Thực phẩm với họ là không thể thiếu, là kế sinh nhai và là sự sống.

Đối lập với người dân chài là đàn cá thu vô cùng đẹp đẽ, vảy vi lấp lánh, bơi lội trong dòng nước sâu. Nhưng như quy luật tồn tại nghìn đời, chờ đợi những con vật đó chính là giãy giụa trong lưới đánh cá và cả khoang thuyền. Từ những sinh vật có phần nhỏ bé, chúng biến thành buổi cơm chiều có phần ấm áp và rất ngon miệng dành cho con người.

Có thể thấy rằng qua tác phẩm này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cho ta thấy thế nào là hành động dựa trên tinh thần Bát Nhã. Trong cuộc đời này trùng trùng duyên khởi, mỗi một sinh linh cũng là một mảnh vụn, đều có vai trò của riêng chính mình, cho nên hãy sống dung thông và thật tương tức. Bởi lẽ sắc – không xoay vòng, sự chết làm bằng sự sống, cái có làm bằng cái không… nên khi hiểu được điều đó, tiếng chuông chánh niệm sẽ được rung lên, giúp ta sống đời thương yêu và đầy hiểu biết.

Mẹ con sư tử

Trong tác phẩm này, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã để lại bài học lớn về tính kiên trì, sự thích nghi cũng như những mối liên kết tưởng như vô hình nhưng luôn sống động ở trong mỗi người. Câu chuyện kể về một sư tử mẹ, trong lần nhảy qua đỉnh núi khi đang săn mồi thì đã làm rơi đứa con của mình. Trong suốt 2 năm cô đã nghĩ rằng chú sư tử nhỏ không thể sóng sót khi không có mình ở cạnh.

Tuy vậy vào một ngày nọ, cô đã nhìn thấy đứa con sống cùng bầy khỉ, cùng chơi đùa, cùng giao tiếp, cùng sinh hoạt… cũng bằng tiếng khỉ. Liệu mẹ sư tử phải làm thế nào để nhận lại được con của mình? Và sư tử con liệu có tỉnh thức, để biết mình thuộc giống loài sư tử chứ không phải một chú khỉ?

Là một câu chuyện những tưởng khá là đơn giản, thế nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã gửi gắm rất nhiều ý nghĩa trong tác phẩm này. Đầu tiên là sự chấp nhận cũng như kiên trì. Khi sư tử mẹ thấy con không thể nhận ra chính bản thân mình, cô đã không đến và cướp lấy nó, mà thay vào đó là cố tiếp cận theo từng bước một, từ đó đứa trẻ sẽ tự nhận ra một cách tự nhiên mà không gò ép.

Sâu sắc hơn nữa, câu chuyện cũng giúp ta biết bản thân luôn có tánh Bụt mà ta không biết. Mỗi người chúng ta ai ai cũng có Phật tánh, cũng chứa trong mình hạt giống của từ bi, hỷ xả, của hạnh phúc, niềm tin và của tuệ giác. Do đó Phật pháp không chỉ hiện diện chỉ ở bên ngoài, mà còn là trong cốt lõi của chính chúng ta. Mỗi khi cảm thấy đớn đau, yếu đuối, tội lỗi… thì hãy trở về với chính tánh Bụt, từ đó cuộc đời mỗi người sẽ dễ dàng hơn và thong dong hơn.

Con gà đẻ trứng vàng

Bằng cách xây dựng thế giới tự nhiên hài hòa, giản dị, Con gà đẻ trứng vàng có bầu không khí của một câu chuyện cổ tích, nơi những tính cách rất là con người đã được khảo sát trong một lăng kính vô cùng đặc biệt – ánh mắt trẻ thơ. Cuốn sách xoay quanh cậu bé Tâm và gia đình mình, khi bỗng nhiên vào một ngày nọ, thì con gà mà nhà cậu nuôi đẻ ra trứng vàng, dẫn đến mọi thứ nhanh chóng thay đổi.

Nhận thấy điều đó, cả bố mẹ cậu đều cho con gà ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng hơn, nhưng thực tế là chú lại đẻ ngày càng ít đi. Vậy phải làm sao để chú gà kia trở lại như trước? Và đến bao giờ thì lượng trứng vàng mới là vừa đủ? Qua tác phẩm này, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cho thấy được những sự thơ ngây và đầy êm dịu của những đứa trẻ. Chúng xem chú gà là bạn của mình, và chỉ cần gà hạnh phúc là mình hạnh phúc, dẫu cho nó có đẻ ra trứng gì đi nữa.

Tuy vậy thế giới người lớn thì phức tạp hơn, với nhiều vai trò cũng như dự định cần phải toan tính. Ta có thể thấy ngay cách thiền sư đặt tên cho các nhân vật như cậu bé Tâm, như con gà Chừ (“chừ” trong từ “bây chừ”, nghĩa là hiện tại) là các nhân vật hoàn toàn thơ ngây. Đó là những đức tính tốt và dễ lan truyền đến với mọi người. Đến cuối tác phẩm thì dù có là những ai đi chăng nữa, thì các nhân vật cũng đã nhận ra một sự vừa đủ, và rất hạnh phúc với chính những gì mà mình đương có.

Con gà đẻ trứng vàng là một tác phẩm tràn ngập hình ảnh cùng với nội dung đậm tính nhân văn. Xen kẽ trong đó, cuốn sách còn khắc họa được mối gắn kết cùng với thiên nhiên, cũng như tâm ta cần được nuôi dưỡng tròn vẹn, bằng cách an trú trong từng khoảnh khắc của cuộc sống này. Bởi lẽ không phải bây giờ thì đến lúc nào, nên từng sát na trong cõi ta bà luôn là một dịp để sống trọn vẹn và đầy hạnh phúc.