ĐỜI SỐNG

Hiểu hơn về ngày thế giới phòng chống tự tử để có cuộc sống an toàn

Minh Trung • 13-09-2022 • Lượt xem: 291
Hiểu hơn về ngày thế giới phòng chống tự tử để có cuộc sống an toàn

Tự tử là một vấn nạn đang xảy ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc với số ca tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất thế giới theo xếp hạng từ WHO năm 2019. Không riêng những cường quốc phát triển, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ số ca tự tử cao trong khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, WHO đã quyết định lấy ngày 10/09 hàng năm là ngày thế giới phòng chống tự tử. 
 

Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3000 ca tự tử, và trong số đó lại có 20% tỉ lệ tự tử thất bại. Việc tự tử thất bại để lại rất nhiều di chứng cho nạn nhân. Theo WHO (2016), một số di chứng mà nạn nhân tự tử bất thành phải đối mặt là những tổn thương thể chất (tổn hại về thẩm mỹ, chấn thương phần mềm, dị tật suốt đời) và những tổn thương liên quan tới tinh thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cưỡng chế). Mỗi năm, trung bình thế giới có hơn 1.2 triệu ca tự tử, ở các nước nghèo chiếm 75% trong tổng số, 25% thuộc về các nước còn lại (số liệu từ WHO trước ngày 10/09/2014). Theo tính toán, ước chừng 40 giây lại có một ca ra đi vì tự tử. Độ tuổi tự tử thường rơi vào 15 - 24 tuổi, đây là độ tuổi đang trong quá trình hình thành và ổn định lối tư duy và suy nghĩ. 

Nhằm thúc đẩy cam kết và hành động trong việc phòng chống tự tử, WHO đã quyết định lấy ngày 10/09/2014 để tưởng nhớ và triển khai các hoạt động ý nghĩa nhằm hạn chế các trường hợp tự tử. Ngày thế giới phòng chống tự sát (World Suicide Prevention Day) với 172 quốc gia ủng hộ đã có những hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền và nâng cao về ý thức trân trọng tính mạng của mỗi người. Một số hoạt động có thể kể đến như tọa đàm bàn về những hệ lụy của người tự tử và người ở lại, chuyên đề về nguyên nhân và giải pháp trong chuyện ứng phó với tự tử, cập nhật các dấu hiệu dẫn đến các trường hợp hủy hoại bản thân trong nhiều tài liệu tâm lý học (như ICD10, DSM5)…

"Ngăn ngừa tự tử: Một thế giới kết nối” là chủ đề được Hiệp hội quốc tế phòng chống tự tử (International Association for Suicide Prevention - IASP) lựa chọn trong năm 2014. Với chủ đề này, những người đứng đầu IASP hi vọng cả thế giới sẽ cùng chung tay để hạn chế thấp nhất những nguyên nhân dù là trực tiếp hay gián tiếp để cùng kiến tạo một môi trường “zero suicide” (0 tự tử) trong một thế giới đang có nhiều bất ổn. 

Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện là phương châm để mỗi cá nhân tự rèn luyện nhằm hạn chế khả năng bản thân mắc các chứng liên quan tới trầm cảm. Theo đó, mỗi người cần tự trau dồi cả văn thể mỹ để luôn có được tinh thần lạc quan, sự minh mẫn và nguồn năng lượng tích cực để nâng cao giá trị, bồi dưỡng lòng tự trọng và sẵn sàng đối diện với mọi thử thách. Ngày càng nhiều những hoạt động để nâng cấp bản thân nếu chúng ta chịu khó mày mò tìm hiểu. 

Tình trạng lựa chọn việc quyên sinh để giải quyết vấn đề đang ngày trở nên phổ biến và trẻ hóa. Do đó, mỗi cá nhân cần chung tay để không những bảo vệ cho bản thân mà còn góp sức ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc bằng những hành động cụ thể để thế giới tiến gần hơn với “zero suicide”.