VĂN HÓA

Hiểu thêm về những 'thâm cung bí sử' trong gian bếp

Minh Nhân • 17-10-2022 • Lượt xem: 778
Hiểu thêm về những 'thâm cung bí sử' trong gian bếp

Từ những chuyện thường ngày cho đến “thâm cung bí sử” trong gian bếp qua chia sẻ của một đầu bếp chuyên nghiệp. Những câu chuyện đáng suy ngẫm về định hướng và hoài bão nghề nghiệp cho bạn đọc cả trong và ngoài bếp.

Một tác phẩm không phải thuộc thể loại văn chương, về nghề bếp, nhưng lôi cuốn lạ thường nhờ vô số chi tiết mà người “ngoại đạo” không thể biết, và bởi niềm đam mê quyết liệt của tác giả: “Tôi chỉ muốn làm bếp, tôi chỉ muốn nấu ăn.” Những câu chuyện “bếp núc” được anh kể từ góc quan sát rất sắc sảo của người trong nghề, với sự tử tế và giọng văn mạch lạc (có lẽ do ảnh hưởng thói quen nghề nghiệp), ẩn một chút hài hước ngầm duyên dáng.

Bất kể bạn là người thích thú theo dõi những chương trình như “Vua đầu bếp”, “Căn bếp địa ngục” hoặc đơn giản là có tình yêu với nấu ăn … bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp mình đang say mê đọc những đoạn bàn về sự hỗn loạn trong buổi phục vụ, về nước dùng, cách chọn dao, nồi chảo, hoặc món bánh ngọt.

Hoặc cho dù bạn xa lạ với nghề bếp, bạn cũng sẽ tìm được sự đồng điệu với tác giả trong cuốn sách này. Bởi một người yêu nghề, giỏi nghề, khi chia sẻ về nghề nghiệp và hành trình trải nghiệm của mình, bất kể là nghề nào, luôn luôn có những điều đáng để đọc và suy ngẫm. Những người muốn làm phim, làm sách về bếp… thì đây là một nguồn tham khảo thú vị.

Sách phản ánh một cách chân thực nhất nghề bếp thông qua hình ảnh của những người làm bếp: có bình dị, có máu lửa, nhiệt huyết với nghề, cũng có lúc hoang mang, rớt xuống đáy sự nghiệp, rồi lại có quyết tâm và hi vọng để vực dậy. Nó cung cấp kinh nghiệm và kiến thức, không phải đơn thuần viết công thức nấu ăn. 

Bạn cũng có thể thấy tác giả đặt yêu cầu rất cao trong công việc của mình, từ đó phơi bày nhiều mặt tối của công việc này và cách anh ứng xử với những mặt tối đó. Cuốn sách còn gợi rất nhiều suy nghĩ trong chúng ta về cách chúng ta đối xử với công việc của riêng mình, dù không chỉ trong nghề bếp: tử tế, khoa học, phối hợp với đồng đội, hướng đến những tầm cao hơn… Những vấn đề tác giả đặt ra vừa mang đặc thù của nghề bếp vừa có thể thấy ở bất kỳ công việc nào: thái độ nào để bắt đầu công việc, đi theo số lượng hay chất lượng, cách để học hỏi và truyền thụ, làm sao để giữ chuẩn mực trong công việc, sự độc hại của tính đố kỵ, cơ hội nào cho người trẻ khi làm việc với người lớn tuổi… Có thể coi đây là một cuốn sách mượn chuyện bếp nói chuyện định hướng sự nghiệp và hoài bão của người trẻ. 

Sự hấp dẫn của cuốn sách được tôn lên rất nhiều với các hình minh họa màu, thực hiện bởi họa sĩ Kim Duẩn.

Về tác giả:

Tác giả là chủ nhân của fanpage Bếp Đơn, một trang chia sẻ về nghề bếp rất được yêu mến. Anh chia sẻ về con đường theo nghề của mình trong Lời nói đầu như sau:

“Mặc dù tôi phát hiện ra niềm yêu thích của mình với việc làm bếp khá sớm, từ những năm học phổ thông, nấu ăn lại không phải là một công việc mà tôi nghĩ đến như một thứ mình sẽ theo đuổi và chọn nó làm con đường sự nghiệp lâu dài. Trong khoảng thời gian tôi bắt đầu phải định hướng tương lai cho bản thân, làm bếp không phải là một công việc được coi là “chính thống”, là đáng để theo, là có giá trị…. Vì vậy nên tôi, giống như đa số các bạn trẻ khác, chọn việc đi học đại học, với một ngành nghề nghe “giá trị” hơn, “đáng quý” hơn, “thích tai” hơn. Tôi đi đến một thỏa thuận với gia đình, họ ủng hộ và lo cho tôi việc đi học…. Vậy nhưng một khó khăn xảy đến trên con đường đó đã xoay chuyển mọi thứ theo cách không ngờ. Đến một khoảng thời gian, việc chu cấp cho tôi ăn học đã không còn dễ dàng… tôi kiếm cho mình một công việc làm thêm, nhằm phụ giúp ba mẹ trang trải cho việc học của mình. Với niềm yêu thích nấu ăn mà tôi đã phát hiện trong bản thân vài năm trước đó, tôi chọn vào bếp. Và từ đó, một cuộc hành trình mới bắt đầu.”

Cuốn sách được chia thành các phần rất mạch lạc, mỗi phần ứng với một loại món trong menu một bữa ăn trọn vẹn chỉn chu tại nhà hàng. 

Trong phần “Khai vị - Món gỏi”, anh chia sẻ những cảm nhận cá nhân khi làm đầu bếp: họ ăn uống như thế nào sau một ngày nấu cho mọi người ăn? Họ giải trí thế nào, họ đi chợ ra sao, những gì anh phải trải qua khi học việc…

Đến phần “Món xúp”, anh mở rộng mô tả một căn bếp chuyên nghiệp, những quy tắc nghiêm ngặt về sự sạch sẽ, cách xếp tủ lạnh, giữ gìn nguyên liệu, tốc độ làm đồ ăn, cách học hỏi và không ngừng nâng cao trình độ.

Phần “Món hấp” cuốn người đọc vào thế giới ngồn ngộn thông tin khiến người ta phải “ồ” à” về dao, nồi chảo, thớt, nước dùng, gia vị, bơ, muối, cách xây dựng hương vị món ăn, cả những mẹo “bùa phép”… của đầu bếp.

Phần “Món xào” trở lại với những chiêm nghiệm của người đứng bếp về những kỹ năng trong nghề, ngoại ngữ, cách đối nhân xử thế với những cộng sự xung quanh và khách ăn. Liệu hình ảnh vị “bếp trưởng cau có la hét” có đúng chăng?

Phần “Món hầm” là những nghiền ngẫm của tác giả về công việc này: Đường dài sẽ ra sao, thái độ làm nghề như thế nào, sự ảnh hưởng của nghề nghiệp lên tâm tính, dẫn dắt đàn em ra sao… Cũng như trong xã hội, nếu chọn đúng vị trí của mình trong căn bếp, thì anh phát huy được tốt nhất và nói cách nào đó, hạnh phúc nhất.

Phần “Món kết thúc vị mặn” là những trải nghiệm lớn hơn, khi tác giả đúng ở vị trí bếp trưởng và mở hẳn nhà hàng của riêng mình. 

Và “tráng miệng” là những cuộc đối thoại trong cộng đồng nho nhỏ giao lưu với tác giả qua fanpage Bếp Đơn. Những tâm sự nghề, những tha thiết và trăn trở của các bạn muốn dấn thân vào nghề nghiệp này.