VĂN HÓA

'Hồ sơ lửa' lập kỷ lục Việt Nam là tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất

Hoài Việt • 02-12-2022 • Lượt xem: 919
'Hồ sơ lửa' lập kỷ lục Việt Nam là tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất

Công trình gồm 6 tập với tổng cộng 2400 trang, “Hồ sơ lửa” chính thức trở thành bộ tiểu thuyết chủ đề hình sự nhiều tập nhất Việt Nam. Dự án kỳ công này đã mất tới 30 năm (1992 – 2022) để thực hiện.

Sáng 22/11, tại Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM (Quận 3), Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Công ty sách Sbooks và nhà văn Lại Văn Long đã tổ chức buổi ra mắt bộ tiểu thuyết “Hồ sơ lửa”. Đồng thời vinh dự đón nhận thành tích xác lập Kỷ lục Việt Nam. Buổi lễ còn hân hạnh đón tiếp một số cái tên có tầm ảnh hưởng trong giới văn học Việt Nam như nhà văn Trịnh Bích Ngân (chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM), nhà báo Trần Trọng Dũng (chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM), luật sư Nguyễn Văn Viễn - phó chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, bà Võ Lưu Lan Uyên - phó tổng thư ký tổ chức Kỷ lục Việt Nam,…

Bộ tiểu thuyết hình sự "Hồ sơ lửa" có kết cấu 6 phần, dài 2400 trang với loạt vụ án ly kỳ lẫn 500 nhân vật hấp dẫn được nhà văn Lại Văn Long phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm gian khổ, hào hùng của lực lượng công an mà nhà văn đã quan sát được trong suốt 30 năm tác nghiệp thực tế tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh (nay là Chuyên đề Công an TP Hồ Chí Minh thuộc Báo Công an nhân dân). Qua “Hồ sơ lửa”, tác giả đã tái hiện được bản chất của con người, sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác bên trong nội tâm mỗi người.

Lấy tư liệu từ những vụ án có thật trong những ngày đầu Việt Nam thống nhất năm 1975 đến nay, 6 phần tiểu thuyết kỳ công đã được nhà văn Lại Văn Long bao gồm: Mật danh Đ9, Oán thù trớ trêu, Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Lật án tử hình và Vỏ bọc thần thánh Hồng nhan sương khói. Có 3/6 tập của “Hồ sơ lửa” từng được giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó, một số câu chuyện trong tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” như “Mật danh Đ9”, “Người ba mặt” và “Tử thi lên tiếng” đã được chuyển thể thành chuỗi phim truyền hình ba phần cùng tên.

"Hồ sơ lửa" được viết bằng bút pháp chương hồi, không xây dựng nhân vật chính xuyên suốt các phần mà để cho mỗi nhân vật trong từng phần được phát huy vai trò của mình. Vì thế, mỗi phần được xem như một tiểu thuyết độc lập, nhưng vẫn có thể xâu chuỗi các câu chuyện thành một thể thống nhất. Tài năng văn chương điêu luyện trong cách xây chuyện cấu trúc câu chuyện tỉ mỉ của nhà văn Lại Văn Long đã giúp khán giả thưởng thức từng phần mà không làm “đứt ngang” cảm xúc mạch truyện.

Chia sẻ về “đứa con tinh thần” tâm huyết suốt 30 năm trời, nhà văn Lại Văn Long bày tỏ cảm xúc: “Tôi gọi nó là tác phẩm trong mơ vì đã ấp ủ nó từ khi còn nhỏ. Hồi nhỏ tôi mê đọc nhưng nhà nghèo không có tiền để mua sách. Tôi thường nhịn ăn quà để lấy tiền thuê sách đọc, nhưng đọc xong tôi lại bứt rứt vì truyện hay nhưng chỉ viết có vài trăm trang”. Niềm đam mê bất tận với từng trang sách, nhà văn muốn thực hiện bộ sách thật dài để độc giả có thể thoải mái đọc. Vì thế ông vẫn miệt mài cho ra các sản phẩm mới thêm 20 năm nữa, dù đã từng có suy nghĩ sẽ nghỉ hưu sau 10 năm viết những phần đầu của bộ tiểu thuyết hình sự này.

Những bộ sách viết về ngành Công an không bao giờ là dễ, chủ yếu là những người trong ngành mới đủ kiến thức để viết. Vì thế tác giả đã có khoảng thời gian dài để nghiên cứu tận tường các vụ án, sau đó mới đúc kết thành những luận điểm chặt chẽ để viết nên 6 phần truyện. Hơn thế nữa, ông còn khai thác sâu trong mặt tâm lý con người, chủ trương đề cao tinh thần nhân văn qua xây dựng hình tượng nhân vật có mặt tốt lẫn khiếm khuyết, vì không phải ai cũng hoàn hảo.

Theo bà Trịnh Bích Ngân (chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) cho rằng, nhà văn Lại Văn Long không phải người đầu tiên khai thác chủ đề hình sự trong văn học, nhưng ông là người dám thể hiện dưới công trình tiểu thuyết đồ sộ, đầy tính trải nghiệm dưới ngòi bút sáng tạo, chân thực và hấp dẫn. Nhờ “Hồ sơ lửa”, công chúng được tiếp cận những vụ án từng chấn động dư luận tại TPHCM từ năm 1975 đến giai đoạn hội nhập quốc tế một cách thấu đáo hơn.