Không khí rộn ràng của tiếng trống, rực rỡ sắc màu của Tết Trung thu vừa được nữ họa sĩ Tú Quyên tái hiện đầy sinh động trong những bức tranh của mình. Được biết, chị đã dùng việc vẽ những bức tranh này như cách kể chuyện để con hiểu về Tết Trung thu và bày tỏ nỗi nhung nhớ của mình về một mùa Trung thu đậm chất Việt trên đất nước Thái Lan.
Nữ họa sĩ Tú Quyên là sinh ra ở vùng đất Kon Tum, năm 2006 Tốt nghiệp Khoa Hội họa, Đại học Nghệ thuật Huế. Sau đó, chị đặt chân đến Thái Lan học tiếp lên Thạc sĩ tại Khoa Nghệ thuật và ứng dụng nghệ thuật trường Đại học Mahasarakham. Bén duyên tại đây, chị đã cùng chồng kết hôn và sinh con, cũng như lập nghiệp và sáng tác tại xứ sở Chùa vàng hơn 12 năm, ở thành phố Udon Thani vùng Đông Bắc Thái Lan.
Khoảng thời gian đầu khi đến Thái, họa sĩ Tú Quyên theo nghề dạy học, từ việc dạy tiếng Việt đến làm giảng viên dạy chuyên ngành Mỹ thuật cho các sinh viên tại đây. Tuy nhiên, nhận thấy tình yêu dành cho nghệ thuật là bất tận và khát khao sáng tác mãnh liệt, chị đã quyết định ở nhà để dành trọn thời gian và sức lực sáng tác. Cũng từ đây, các tác phẩm được chị vẽ ngày càng nhiều, thu hút và nhận được sự săn đón của các nhà sưu tập tại Việt Nam khi gửi về nước. Những tác phẩm do họa sĩ Tú Quyên sáng tác đều mang đậm màu sắc dân tộc và đi theo lối vẽ truyền thống Việt Nam, phần nào bày tỏ nỗi lòng của người con xa xứ dành cho đất nước thân yêu của mình.
Năm nay, trong một lần xem lại một đoạn video về cảnh đón trung thu ở quê nhà Kon Tum, cảm xúc trong chị mới thật sự dâng trào và thôi thúc, truyền cho chị nguồn cảm hứng mãnh liệt để sáng tác. Được biết, đây cũng là một trong những ấp ủ từ rất lâu của cô chưa thực hiện được vì cảm hứng chưa chín muồi. Đặc biệt, những sáng tác lần này được chị tái hiện đầy sinh động với mong muốn mang đến cho con mình những ký ức tuổi thơ tươi đẹp thông qua những bức tranh vẽ về Tết Trung thu ở Việt Nam. Bởi lẽ, các con chị vốn sinh ra và lớn lên tại Thái Lan nên chưa từng đón Trung thu bao giờ, đã ngỡ ngàng hỏi mẹ rằng "Mẹ ơi, Trung thu là gì hả mẹ?".
Trong mấy tuần qua, họa sĩ Tú Quyên đã dành toàn tâm toàn ý cho việc sáng tác, trung bình mỗi bức tranh acrylic chị mất khoảng 2-3 tuần để hoàn thành. Hầu hết các bức tranh của chị đều sử dụng chất liệu acrylic kết hợp với vàng lá trên bố Nga hay có bức kết hợp với vàng Ý, dán bằng cánh gián của sơn mài vào chỗ mặt trăng để tăng thêm sự lung linh của ánh trăng và chân thật trong mỗi bức tranh. Thông qua đây, chị hy vọng người xem có thể tìm thấy tuổi thơ của mình qua những nhân vật trong tranh. Cũng như phần nào đưa mọi người đến gần và hiểu hơn về ngày Tết Trung thu sum vầy ở Việt Nam, giống các con chị chưa có cơ hội biết đến. Bên cạnh việc dành thời gian sáng tác, chị còn kể lại những câu chuyện ý nghĩa và khó quên lúc tuổi thơ của mình về Trung thu ở quê hương cho các con nghe. Không chỉ vậy, để giúp con mình cảm nhận trọn vẹn niềm vui và không khí ngày Tết, chị còn dạy con làm lồng đèn ngôi sao, mong chờ đến Trung thu như những trẻ em tại Việt Nam.
Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, họa sĩ Tú Quyên đã có những chia sẻ đầy xúc động: "Đã không kể thì thôi, khi kể thì không thể dừng lại được. Những hình ảnh trong tranh là những hình ảnh rất chân thật mà tuổi thơ tôi đã từng trải qua. Trước Trung thu mấy ngày, lũ trẻ con chúng tôi đã rạo rực cùng nhau làm lồng đèn, bà làm đuốc bằng ống lồ ô. Phần lớn dùng đuốc vì rẻ. Lồng đèn làm bằng phim cũ, rất dễ cháy, nhiều khi chưa kịp chơi đã cháy khi mới châm lửa. Đến Trung thu, trẻ con cả xóm háo hức chạy theo đoàn lân đi khắp xóm làng, cùng rước đèn cùng múa lân. Vui thật là vui. Tuy ở Thái nhưng lòng tôi lúc nào cũng hướng về Việt Nam - mảnh đất quê hương”.
Những nhân vật trong tranh đều được chị đặt trọn vẹn tâm tư và tình cảm trong từng nét vẽ. Thưởng thức những bức tranh này, những ký ức tuổi thơ về mùa Tết Trung thu ùa về, khiến chúng ta nhớ lại những mùa Trung thu xưa, tràn ngập tiếng hò re, tiếng cười hạnh phúc và vô tư. Các nhân vật chính là các cô, cậu bé đang vui đùa múa lân trong dịp tết Trung thu với nụ cười hớn hở, thậm chí có cô cậu ham chơi quần chưa kéo lên hết còn xệ mông hoặc hở rốn, đã háo hức đi rước đèn vô cùng đáng yêu. Người đội đầu lân, người cầm đèn ông sao, người cầm đèn bướm,... tất cả đều nhịp nhàng hớn hở theo đoàn lân diễu hành dưới ánh trăng đầy sinh động.
"Ngắm nhìn những bức tranh này, lòng tôi không tránh khỏi xúc động. Không khí Tết Trung thu thật rộn ràng qua từng bức tranh. Tôi cảm thấy như tuổi thơ ấu của mình ùa về với bao kỷ niệm đẹp đẽ. Nơi đó trẻ em chơi đùa đón Trung thu thật hồn nhiên. Vài cái đèn tự chế, vài xâu chuỗi hạt bưởi khô đốt thay nến, vài miếng hồng, miếng bưởi được các bà, các mẹ khéo léo gắn kết tạo hình thành mâm quả các con vật… Như vậy đã đủ thế hệ chúng tôi sung sướng lắm rồi. Chả bù cho trẻ em thời nay, khi vật chất quá đủ đầy thì đời sống tinh thần như giảm đi, không còn hứng thú chuẩn bị và đón chơi Trung thu như trước kia nữa. Những bức tranh về những ký ức cũ, có khả năng tái hiện sống động về một nét đẹp văn hóa xưa như vậy là điều rất cần thiết và rất đáng trân trọng", một người yêu nghệ thuật thế hệ 7X gốc Bắc chia sẻ.
Những chiếc đèn ông sao hay ánh trăng rằm đêm Trung thu đã in sâu vào ký ức của bao thế hệ người Việt. Xem những bức tranh này, khiến ta càng trân quý những nét đẹp truyền thống của người Việt và yêu thêm đất nước, con người của quê hương mình.