VĂN HÓA
Hoài niệm thư tay
HaoKhanh • 28-03-2025 • Lượt xem: 126

Có món đồ vật nào là kỷ niệm khó quên đối với bạn?
"Giờ ai còn viết thư tay nữa", "Thời đại nào rồi sao không gọi điện hay nhắn tin cho nhanh", "Thật cổ lỗ sĩ", " Sến quá đi". Mỗi lần nghe đến những câu nói đó tôi lại suy ngẫm thật nhiều. Có thể với nhiều người những lá thư tay là điều gì đó quá xưa cũ, lạc hậu, lỗi thời nhưng với tôi đó là những kỷ niệm, ký ức khó quên.
Câu chuyện của tôi
Hình ảnh minh họa (Internet)
Tôi vẫn còn cất giữ những bức thư tay từ hơn 20 năm trước mà người bạn thân thiết đã gửi. Chúng đã nhuốm màu ố vàng theo thời gian. Có bức thì bị rách mục, có bức thì lấm lem nét mực nhưng mỗi khi cầm chúng trên tay tôi đều có thể đọc thuộc vanh vách từng chữ.
Ngày ấy, tôi rời quê hương theo chân bố mẹ lên thành phố lập nghiệp. Sự phồn hoa, sầm uất của đô thị, sự sang trọng hào nhoáng khiến tôi, một cô bé từ quê lên cảm thấy hồ hởi và háo hức lạ kỳ. Thế nhưng, đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng để bắt đầu một cuộc sống mới chưa bao giờ là một điều dễ dàng cả. Sự xa lạ và phân biệt vùng miền khiến tôi khó lòng kết bạn được với những đứa trẻ nơi đây. Tôi lúc nào cũng cảm thấy một mình, cô quạnh. Và điều an ủi tôi lúc đó là những bức thư tay của cô bạn thân gửi vào.
Bạn hỏi, thời đó không có điện thoại hay sao mà gửi thư cực khổ quá. Có chứ, nhưng khó khăn lắm. Thời ấy, để gọi điện thoại chúng tôi phải đi bộ một quãng đường xa vài km ra thị trấn và tốn nhiều tiền thì mới gọi được. Mà lũ trẻ chúng tôi đâu có nhiều tiền. Chỉ gom góp được vài trăm đồng lẻ, là tiền ăn dành dụm mà mẹ cho mỗi sáng để mua một phong bì và một tem dán nho nhỏ rồi gửi ở bưu điện gần trường.
Ấy thế mà chúng tôi vẫn miệt mài biên thư cho nhau đều đặn hàng tuần. Những lá thư vượt muôn trùng núi sông, từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc mang theo niềm nhớ nhung, mong mỏi. Mọi buồn vui, tủi hờn đều gói gọn trong từng lá thư ấy. Tôi còn nhớ, mỗi lần nhận được thư của bạn tôi mừng lắm, nâng niu trong lòng bàn tay như sợ rơi mất, lóng ngóng xé mở phong bì sao cho khỏi rách rồi đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm từng câu từng chữ cho đến khi thuộc làu làu mới thôi. Tôi cảm thấy được tình cảm ấm áp và thân thương mỗi khi nhận được sự sẻ chia, động viên của cô bạn. Và cứ mỗi tối chủ nhật hàng tuần, dưới ánh đèn mờ, như một thói quen tôi lại ngồi trước bàn học, nắn nót, chau chuốt từng nét chữ viết thư trả lời. Thế rồi đêm ấy là một đêm thức trắng không ngủ được vì lo nghĩ. Không biết khi nào bức thư có thể đến tay cô bạn, không biết bao giờ mới nhận được thư phản hồi và cả những thấp thỏm mong ngóng trời mau sáng để chạy ù ra bưu điện gửi thư.
Hình ảnh minh họa (Internet)
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hân hoan, hạnh phúc mỗi khi nhận được bức thư tay. Những dòng chữ thân thương in nghiêng mở đầu "Ngày dài tháng nhớ đêm mong", "Bạn thân mến", "Thương gửi" hay những lời cuối như "Hẹn gặp lại bạn vào dịp gần nhất", "Thương nhớ nhiều", "Mãi yêu",... nghe sao gần gũi quá mà ngày nay ít ai còn gọi tôi một cách nhẹ nhàng và thân thiết như vậy. Cứ thế, những lá thư trở thành người bạn cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn lúc bấy giờ.
Nhiều năm về sau, chúng tôi ít liên lạc lại, những lá thư hồi đáp của cô bạn dần thưa thớt rồi bỗng một ngày mất hút hẳn. Có thể vì một lý do gì đó, tôi cũng không biết nữa. Sau những tháng ngày chờ đợi trong vô vọng, tôi đã khóc rất nhiều, là sự lo lắng cho cô bạn không biết đã ra sao, là sự hụt hẫng như cảm thấy mình đã đánh mất một thứ gì đó rất quan trọng của cuộc đời mà mình sẽ không bao giờ tìm lại được nữa, là nỗi buồn miên man khắc khoải mãi không bao giờ nguôi. Mà sau này, khi trưởng thành tôi nghĩ rằng câu nói mà người ta thường nói có phần đúng “Khoảng cách tạo nên sự xa cách” hay “Xa mặt thì cách lòng”. Đó là khi tôi hiểu được rằng, ai rồi cũng lớn, cũng có cuộc sống riêng, có những lo toan, bận rộn riêng. Và trong dòng đời tất bật vội vã đó, ta đã vô tình bỏ lỡ một điều gì. Rồi một ngày đẹp trời khi chợt nhớ, muốn trở lại thói quen cũ, cầm bút muốn viết xuống một điều gì đó thì cảm thấy thật xa lạ, bỡ ngỡ, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, ngập ngừng rồi lại bỏ ngỏ,…
Về sau, trong một buổi họp lớp, tôi vô tình nghe được tin cô ấy từ những người bạn. Mấy năm sau khi tôi dời đi, cô ấy cũng theo bố mẹ đi làm ăn xa. Bây giờ, cô ấy đã đi du học và định cư ở nước ngoài. Cô cũng đã có gia đình riêng và có những đứa con dễ thương của mình. Cuộc sống cũng được coi là đầm ấm, hạnh phúc. Tôi chợt mỉm cười và thầm chúc phúc cho cô ấy. Tôi cũng không có ý định tìm kiếm lại cô ấy vì thời gian đã qua rất lâu rồi. Tôi nghĩ nếu hữu duyên, trong một dịp tình cờ nào đó, chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Ngày ấy sẽ ra sao nhỉ? Có thể chúng tôi sẽ như những người xa lạ vội lướt qua nhau vì không nhận ra. Hay cũng có thể như những người quen lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng ôm chầm lấy nhau. Có thể là một ngày nào đó…
Bức thư tay là kỷ niệm với mỗi người
Hình ảnh minh họa (Internet)
Ngày nay, thời đại công nghệ ngày càng phát triển, để liên lạc với một ai đó thật dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần vài dòng tin nhắn trên zalo, facebook hay một cuộc điện thoại là có thể kết nối với người mà chúng ta muốn, vừa nhanh vừa tiện lợi. Thế nhưng với tôi, thư tay vẫn là một điều gì đó thật thân thương và gần gũi. Những lúc buồn bã hay chán nản, tôi thường lấy chúng ra đọc. Nó gợi về nỗi nhớ, về những kỷ niệm đẹp của một thời xa xưa, ngây ngô, hồn nhiên nhưng cũng là lúc đong đầy những tình cảm chân thật nhất.
Tôi biết rằng, trong cuộc sống này, cũng có những người giống tôi thường hay hoài niệm, mong nhớ chuyện xa xưa. Họ cũng sẽ lưu giữ những bức thư tay, những kỷ vật gắn liền với một người thân. Đó có thể là bức thư đầu tiên của người mẹ đi làm ăn xa gửi về cho đứa con yêu của mình, là bức thư của người chồng đi công tác gửi về cho vợ hay trân quý hơn là bức thư viết vội của người chiến sĩ trước lúc hi sinh lo lắng cho mẹ già ở quê. Và tôi biết rằng, họ cũng rất yêu quý và trân trọng những kỷ vật ấy. Vì đó là kỷ niệm, là góc nhỏ mềm mại nhất trong tim.