VĂN HÓA

Học ca vọng cổ cải lương ở đâu?

DDVN • 08-10-2022 • Lượt xem: 2460
Học ca vọng cổ cải lương ở đâu?

Hiện nay tuy cải lương khó khăn nhưng người muốn theo học ca diễn vọng cổ cải lương vẫn còn nhiều. Và những địa chỉ nào tin cậy để đăng ký? Liệu học ra có thể theo nghề hay chỉ học để vui?

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM thông tin sắp tới sẽ không còn tuyển sinh Khoa Kịch hát dân tộc nữa, làm dấy lên nỗi lo: Người muốn học ca diễn vọng cổ cải lương sẽ học ở đâu?

Thật ra, không thiếu địa chỉ, vấn đề là những nơi đó không có chương trình đầy đủ về lý luận nghệ thuật, mà chỉ dạy thẳng vào chuyên môn ca diễn, và cũng không có khả năng cấp bằng một cách chính quy cho học viên, khi cần thiết thì học viên không có bằng cấp để sử dụng.

Tuy nhiên, nghệ thuật là một lĩnh vực phức tạp, có khi bằng cấp cũng không thể nói được chất lượng ca diễn, và ngược lại, người không có bằng cấp vẫn giỏi, vẫn hoạt động tốt. Một điều quan trọng nữa là khán giả không cần biết nghệ sĩ có bằng cấp hay không, mà chỉ quan tâm nghệ sĩ ca diễn giỏi không. Vì vậy, các địa chỉ đào tạo ngoài hệ thống đào tạo chính quy vẫn hoạt động sôi nổi.

NSND Thanh Tuấn (bìa trái) đang dạy ca vọng cổ cho lớp học của mình

Nhà hát Trần Hữu Trang là đơn vị đáng tin cậy, từng kết hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM mở khóa đào tạo 3 năm cho một lứa diễn viên trẻ như Tô Tấn Loan, Đoàn Minh, Kim Thùy, Diễm Kiều, Phùng Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Mẹo, Kim Tiến, Kim Luận, Hoàng Hải, Võ Hoàng Long, Nguyễn Văn Hợp… Nhiều bạn trong số này đoạt giải Chuông vàng vọng cổ, được nhà hát thu nhận và cho học vừa chính quy vừa ngay trên sàn diễn, nay hầu hết đều vững vàng. Nhưng từ năm 2017 đến nay thì nhà hát chỉ mở lớp ngắn hạn 3 tháng/khóa, liên tiếp cho ra nhiều lứa học viên mới. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc nhà hát, cho biết: “Chúng tôi có chương trình sáng đèn hằng tuần ở sảnh nhà hát, giúp các em biểu diễn cho dạn dĩ. Chương trình Tài năng mới cũng là cách giúp các em phát triển nghề nghiệp. Ngoài dạy chuyên môn, nhà hát sẽ mời thêm các chuyên gia sân khấu nói chuyện lý thuyết để các em học đầy đủ hơn”.

Những đơn vị khác như Cung Văn hóa Lao động Q.1, các CLB đờn ca tài tử tại các quận huyện, các tỉnh thành, hầu hết đều có dạy ca vọng cổ cải lương. Có nơi thu phí, có nơi miễn phí. Đặc biệt những nghệ nhân trong các CLB đờn ca tài tử rất yêu nghề, muốn có người kế thừa âm nhạc truyền thống nên dạy rất tận tâm. Chẳng hạn Thanh Lựu ở Q.Tân Bình, nhạc sĩ Đặng Anh Thy ở Q.Bình Thạnh, nghệ nhân Sáu Lơn ở Long Xuyên, nghệ nhân Hoàng Tấn ở Bình Phước… Hầu như các CLB đờn ca tài tử là nơi cung cấp thí sinh cho các cuộc thi Bông Lúa Vàng và Chuông Vàng Vọng Cổ.

Các “lò” của nghệ sĩ

Hiện nay đang sôi nổi nhất là “lò” đào tạo của NSND Thanh Tuấn. Ông thành lập Công ty TNHH MTV Trung tâm Dạy nghệ thuật ca vọng cổ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) và lập tức thu hút đông đảo học viên. Thanh Tuấn là một danh ca thuộc “thế hệ vàng” của cải lương, hiện nay dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn đắt show diễn lẫn làm giám khảo các cuộc thi lớn như Bông Lúa Vàng, Chuông Vàng Vọng Cổ, uy tín đó khiến người theo học rất đông. Lớp mới mở 6 - 7 tháng nay, với số lượng 50 người, chia ca học cả 3 buổi sáng, trưa, chiều.

Các học viên lớp ca cổ cải lương do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức diễn báo cáo trích đoạn

Nghệ sĩ Thanh Tuấn đã mấy chục năm nghiên cứu cách ca, phát âm, luyến láy, nên ông thừa sức thị phạm cho học viên, vô cùng thú vị. Ông nói: “Chẳng hạn, tôi ca dấu sắc với 5 kiểu, dấu nặng cũng 5 kiểu, tha hồ học viên chọn lựa cái nào phù hợp với mình. Nhưng quan trọng là học viên khi ca không được mang hình bóng của tôi, mà phải là chính bản thân họ”. Ông ca thị phạm suốt ngày vậy mà làn hơi vẫn khỏe. Ông còn định đợt này cho học viên tốt nghiệp xong thì ông sẽ chọn khoảng 10 bạn giỏi nhất để dàn dựng trích đoạn, cho các bạn học diễn xuất, như vậy “lò” của ông đào tạo đủ ca lẫn diễn.

Một lò khác là CLB Thầy Năm Tú đặt tại TP.Thủ Đức do nghệ sĩ Nguyễn Quang đứng đầu cũng đã từng đào tạo ca lẫn diễn. Nguyễn Quang mời nhiều nghệ sĩ khác cùng tham gia giảng dạy, nhưng hiện nay chỉ còn dạy ca thôi, phần diễn tạm ngưng vì khó khăn trong 2 năm dịch bệnh, khi nào đủ lực sẽ trở lại dạy diễn.

Nhưng không phải ai học ca cải lương cũng để theo nghề. NSND Thanh Tuấn nói: “Tánh tôi thẳng thắn, không cố tình ngọt ngào để người ta theo học đông. Có những em mới 14, 17 tuổi, thì tôi thấy triển vọng theo nghề được, tôi đôn đốc. Còn với các bạn 40, 50 tuổi thì tôi bảo ca chơi cho đời vui thôi nha”. Quả thật, chỉ có một số bạn trẻ mới thật sự muốn phát triển nghệ thuật, chứ còn lại người học vì yêu vọng cổ cải lương mà thôi. Bởi họ chỉ cần biết hát đúng nhịp, đúng bài bản, là họ vui vẻ làm “hành trang” cho những cuộc chơi đờn ca tài tử với nhau, thư giãn, nhẹ lòng.

Nhưng thật ra, chính những người “nghiệp dư” này đã và đang giữ mạch nước ngầm cho vọng cổ cải lương luôn thấm đẫm trong cuộc sống, trong văn hóa người Việt. Khi sân khấu ít sáng đèn, thì tiếng đờn tiếng ca vẫn vang lên khắp thôn xóm, và người này lặng lẽ truyền nghề cho người kia, không nản chí. Đến một lúc nào đó, có một tài năng bật lên thì các địa phương sẽ cung cấp cho sân khấu. Các địa phương lặng lẽ đào tạo và nuôi dưỡng tài năng như thế. Thành ra, không học tại trường thì học tại “lò” vậy, như ngày xưa thế hệ Thanh Tuấn, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu… cũng được đào tạo từ các lò đó thôi.

Theo Hoàng Kim/thanhnien.vn