VĂN HÓA

Học được điều gì từ văn hóa thôi việc của người Nhật Bản?

Minh Nhân • 30-10-2022 • Lượt xem: 867
Học được điều gì từ văn hóa thôi việc của người Nhật Bản?

Nhảy việc mới hay nghỉ việc vốn là điều bình thường với bất kỳ ai khi bắt đầu đi làm, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, nghỉ việc như thế nào để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân cũng như không mất đi mối quan hệ tốt đẹp vốn có với công ty là điều không hề dễ dàng. Hãy cùng học hỏi những văn hóa thôi việc sau đây của người Nhật để trở thành một nhân viên văn minh ngay cả khi lựa chọn rời khỏi.

Thông tin về sự rời đi

Nếu đã quyết định nghỉ việc, bạn cần nộp đơn thôi việc hoặc thông báo trước cho cấp trên và công ty trước khi chính thức nghỉ một khoảng thời gian. Điều này giúp công ty có thời gian sắp xếp công việc và tìm kiếm nhân sự thay thế trước khi bạn rời khỏi. Tránh trường hợp nghỉ đột ngột hoặc không thông báo trước bởi điều này thể hiện bạn là một người thiếu chuyên nghiệp và bất lịch sự.

Theo luật lao động của Nhật Bản, người lao động cần thông báo hoặc nộp đơn thôi việc ít nhất 2 tuần trước khi nghỉ. Tuy vậy, tùy thuộc vào tình hình công việc thực tế tại công ty, khoảng thời gian này có thể dài hoặc ngắn hơn bình thường. 

Đưa ra thông báo rõ ràng

Tương tự, việc bạn thông báo về sự rời đi như thế nào cũng thể hiện tính chuyên nghiệp của bản thân. Tùy thuộc vào văn hóa từng công ty, bạn có thể viết mail hoặc thư thôi việc để trình bày rõ ràng về tình hình và mong muốn của bản thân với cấp trên. Một thư thôi việc rõ ràng và thẳng thắn sẽ giúp việc rời đi của bạn dễ được chấp nhận hơn, đồng thời tránh được những ác cảm, khó chịu không đáng có cấp trên dành cho bạn. Trong trường hợp khác, việc gặp mặt trao đổi trực tiếp với người quản lý về vấn đề mình đang gặp phải và định hướng tương lai là hoàn toàn cần thiết.

Bàn giao đầy đủ công việc

Nếu có nhân sự được chọn để tiếp quản tiếp tục công việc của bạn, việc bàn giao công việc rõ ràng, thiện chí giúp bạn trở thành người lịch thiệp và được đánh giá cao hơn. Trong trường hợp chưa lựa chọn được nhân sự mới, bạn có thể xây dựng một bản báo cáo, thống kê kế hoạch làm việc thật chi tiết, khoa học về dự án bạn đang thực hiện, thông tin liên hệ của khách hàng hoặc đối tác bạn đang nắm giữ,... Điều này giúp nhân sự tiếp quản công việc bạn về sau có thể dễ dàng nắm bắt và tiếp tục những đầu việc còn dang dở.

Bên cạnh công việc, những vật dụng thuộc tài sản công ty như ổ cứng, máy tính xách tay, bàn làm việc, chìa khóa,... bạn cũng cần bàn giao thật nhanh chóng và ký nhận biên bản rõ ràng để tránh những phiền phức không đáng có về sau. 

Gửi lại những món quà nhỏ

Trong ngày làm việc cuối cùng, bạn có thể chuẩn bị một số món quà nho nhỏ như chút kẹo ngọt, thiệp cảm ơn hoặc móc khóa... để gửi đến cấp trên và đồng nghiệp. Điều này giúp bạn tạo được ấn tượng tốt khi rời khỏi. Dù nhỏ nhưng hành động này có thể hỗ trợ bạn về sau này bởi dù nghỉ việc nhưng nếu vẫn tiếp tục làm việc trong ngành này thì khả năng gặp lại đồng nghiệp là không thể tránh khỏi. Vì thế giữ lại cảm tình tốt với đồng nghiệp cũ là một trong những điều bạn nên lưu tâm khi quyết định nghỉ việc.

Không nói xấu công ty cũ

Nhiều người vẫn mắc sai lầm này lúc nhận được câu hỏi vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ khi đi phỏng vấn công việc mới. Dù lý do nghỉ việc của bạn là gì, dù là áp lực công việc, công việc không phù hợp, mức lương không thỏa đáng, thậm chí là xích mích với đồng nghiệp thì khi được hỏi, tuyệt đối không kể xấu công ty cũ. Điều này không những không giúp bạn được đánh giá cao mà còn thể hiện bạn là một người không trân trọng, biết ơn nơi đã từng gắn bó một khoảng thời gian dài.