ĐỜI SỐNG

Hòn đảo đổi màu xanh sang xám sau khi núi lửa phun trào

Kim Ngân • 19-03-2020 • Lượt xem: 1069
Hòn đảo đổi màu xanh sang xám sau khi núi lửa phun trào

Trạm quan sát Trái Đất của Cơ quan hàng không vũ trụ NASA (NEO) vừa công bố ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi lớn trên đảo núi lửa Taal ở Philippines sau đợt phun trào hôm 12/1/2020. Theo đó, lượng lớn tro bụi rơi xuống khi núi lửa Taal phun trào khiến hòn đảo xanh tươi chuyển thành màu xám.

Tin, bài liên quan:

Cơ hội cuối khám phá núi đá đổi 5 màu trong ngày

Phát lộ mũi tên sắt 1.500 năm tuổi

Resort ‘sang chảnh’ đầu tiên dành cho người nhiễm nCoV

Hình ảnh do vệ tinh Landsat 8 chụp ngày 6/12/2019 cho thấy đảo núi lửa Taal ở Philippines có màu xanh lá, thậm chí có thể nhìn thấy một số khu nhà và nông trại. Tuy nhiên, trong ảnh chụp ngày 11/3, hòn đảo có màu xám do lượng lớn tro bụi bao phủ. 

Ảnh vệ tinh của NASA chụp ngày 11/3, đảo núi lửa Taal có màu xám

Núi lửa Taal trên đảo Luzon, Philippines đã phun trào lần đầu tiên sau 43 năm vào ngày 12/1/2020, bắn tro và dung nham hơn 1,6km lên bầu trời. Vụ phun trào núi lửa này khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 44.000 người phải di tản khỏi khu vực nguy hiểm.

Dù đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng  hình ảnh vệ tinh cho thấy hầu như toàn bộ hòn đảo vẫn bị bao phủ trong một đống tro bụi. Một lượng lớn tro nặng, ẩm ướt rơi xuống, có kết cấu tương tự bùn, sau đó khô và cứng lại như xi măng. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng tới cây trồng, động vật và tài sản của người dân. Chúng làm khô héo thảm thực vật và biến những cánh đồng, khu rừng xanh tươi của đảo trở thành màu xám ma quái.

Vụ phun trào núi lửa đã khiến thảm thực vật khô héo, những cánh rừng xanh tốt biến mất

Những người sống dựa vào hồ Taal cũng gặp tổn thất lớn khi 30% lồng cá bị phá hủy. Tuy nhiên, NASA cho biết cây cối trên đảo sẽ hồi phục và lớp tro thậm chí giúp đất màu mỡ hơn. Người dân cũng đang dần khắc phục những tổn thất mà vụ phun trào gây ra.

Erik Klemetti, nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Denison, cho biết: "Hiện phần lớn tro có thể đã trôi đi, nhưng chúng có thể ngấm vào các tảng đá và tồn tại hàng nghìn năm. Hầu hết tro rơi xuống hõm chảo đang trong quá trình tụ lại thành những mạch và rãnh, hoặc đang lắng dần xuống hồ".

Hình ảnh hòn đảo xanh mướt chụp ngày 6/12/2019

Tro núi lửa không mềm xốp như vẻ ngoài. Thực tế, chúng hình thành từ những mẩu đá, khoáng vật và thủy tinh nhỏ, lởm chởm, có thể gây hại cho cây cối, động vật và sức khỏe, nhất là khi con người hít phải. Những lớp tro núi lửa dày cũng có thể khiến mái nhà sụp xuống và làm ô nhiễm nguồn nước. 

Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines thông báo vẫn giữ mức báo động 2 với Taal, nghĩa là núi lửa có thể gây ra những rung chấn, phun khói và tro bụi trong thời gian này.