Bước vào cuộc sống hôn nhân đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm một mái ấm nhỏ, một gia đình riêng. Đó không chỉ còn là tình yêu mà thêm vào đó là trách nhiệm và nghĩa vụ. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là cùng chung tay vun vén cho hạnh phúc gia đình. Những đâu phải ai cũng hiểu điều đó. “Làm sao để giữ lửa trong hôn nhân?”, “Làm sao để duy trì hạnh phúc?” luôn là nỗi trăn trở của mỗi người.
Áp lực cuộc sống hôn nhân
Có một thời gian gia đình nhỏ của tôi rơi vào khủng hoảng khi tất cả mọi thứ đều trở nên không ổn chút nào: sức khỏe thì giảm sút, tài chính thì cạn kiệt với các khoản nợ mua nhà, con cái thì ốm đau quấy khóc cả ngày, rồi chuyện mẹ chồng nàng dâu,... Chúng làm tôi cảm thấy mệt mỏi và chán chường vô cùng. Vô số những gánh nặng đè ép lên đôi vai của mỗi người. Chúng tôi thường xuyên cãi nhau từ những thứ nhỏ nhất như cách nuôi dạy con cái, mua cái này hay mua cái kia. Và căng thẳng cứ tiếp tục leo thang cho đến khi chúng tôi ngồi lại và giải quyết từng vấn đề.
Và tôi cũng thường nghe người bạn thân tâm sự cô ấy cảm thấy cô đơn và lạc lõng trong chính căn nhà của mình và cô ấy đã khóc rất nhiều. Lấy một người chồng vô tâm, không có sự thấu hiểu, sẻ chia phụ nữ sẽ vất vả và khổ sở biết chừng nào. Cùng là đi làm như nhau một ngày 8 tiếng, mình tăng ca anh ấy cũng tăng ca. Nhưng khi về đến nhà một người sau khi tắm rửa thì lên sô pha xem tivi, điện thoại, một người thì làm hết việc này đến việc khác, từ nấu nướng, giặt giũ, cho con ăn, dạy con học. Anh ấy vẫn có thể giống như thời trai trẻ tụ tập bạn bè rượu chè, thuốc lá đến tối mịt mới về trong khi mình phải hủy các cuộc hẹn để về nhà chăm con. Anh ấy luôn trách mình hay cau có, khó tính, cằn nhằn. Dù đã nhiều lần nhắc nhở, khuyên bảo nhưng anh ấy vẫn “chứng nào tật nấy” không có gì thay đổi. Và điều đáng buồn là họ chọn cách chia tay để giải thoát cho nhau.
Cuộc sống hôn nhân với nhiều áp lực hiện hữu mà nếu không tìm cách giải tỏa sẽ đến một lúc nào đó bạn cảm thấy nghẹn thở và kiệt sức. Một hai lần kìm nén thì có thể cho qua nhưng sự dồn nén quá nhiều lần trong một thời gian dài sẽ giống như giọt nước tràn ly rồi đến một lúc nào đó khiến bạn bùng nổ. Thế là những cuộc tranh cãi diễn ra hằng ngày. Cuối cùng thì đổi lại là sự chán nản khi gặp mặt nhau, sự phai nhạt trong tình cảm.
Có phải lúc nào sự im lặng sau mỗi cuộc tranh cãi đều đúng?
Hãy ngẫm lại sau mỗi cuộc tranh cãi chúng ta nhận được gì và chúng ta mất đi những gì? Có thể bạn là người chiến thắng với câu trả lời “Tùy, thích làm gì thì làm” và bạn cảm thấy vui vẻ với điều đó. Bạn luôn cho rằng mình đúng, người đó sai, bạn bắt đối phương phải nghe theo ý kiến của mình. Nhưng bạn không nhận ra rằng những cái bạn mất sau đó còn lớn hơn nhiều. Trong lúc nóng nảy tức giận, bạn không kiềm chế được cảm xúc, bạn nói những lời vô tình làm tổn thương đối phương mà bạn không biết.
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, cãi vã là chuyện thường ngày giữa các cặp vợ chồng bởi lẽ “Bát đũa còn có lúc xô nhau, huống gì vợ chồng chung sống cả đời sao tránh được những cự cãi, giận hờn”. Nhưng cách giải quyết nào là thích hợp nhất sau mỗi cuộc tranh cãi? Một số người lựa chọn im lặng. Có đôi lúc sự im lặng là một giải pháp hoàn hảo vì chúng ta đang giành cho nhau một không gian riêng, một khoảng thời gian riêng để suy ngẫm và thấu hiểu. Nhưng điều quan trọng là sau khoảng thời gian ấy chúng ta phải biết ngồi lại với nhau cùng giải quyết vấn đề với thái độ tích cực, cùng sửa sai, cùng hướng tới những điều tốt đẹp.
Vậy nhưng nếu chỉ dùng sự im lặng để phớt lờ và che giấu đi vấn đề, không giải quyết dứt điểm thì vô hình chung chúng ta đang tự âm thầm chịu đựng, đang tự lừa dối bản thân mình. Sự im lặng lúc này lại là con dao hai lưỡi “bóp nghẹn” cuộc hôn nhân của bạn. Bất đồng quan điểm nhưng lại chọn cách im lặng để lắng xuống. Và tiếp đó là những chuỗi ngày hai vợ chồng giữ sự im lặng như một cách trả đũa đối phương, không ai muốn xuống nước xin lỗi trước, không ai muốn buông bỏ cái tôi cá nhân của mình. Nó khiến chúng ta cảm thấy tổn thương nhiều hơn, tức giận và thất vọng nhiều hơn. Cuộc sống sẽ trở nên ngột ngạt, bức bối, khó chịu dẫn đến mối quan hệ vợ chồng rạn nứt, tình cảm ngày càng trở nên xa cách.
Hãy ngồi lại và cùng nhau suy ngẫm, cùng nhau thấu hiểu
Mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi bạn phải giao tiếp thẳng thắn, nói chuyện với nhau, đặt mình vào vị trí của đối phương để thấu hiểu, để suy ngẫm nhiều hơn. Giải quyết từ những xung đột nhỏ nhất trước khi chúng trở thành những vấn đề lớn hơn, khó giải quyết. Và để làm được điều này, chúng ta phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo và kiên nhẫn.
Nếu thấy khó chịu hay không hài lòng về một điều gì đó, hãy kể cho đối phương nghe cảm xúc của mình là gì? Hãy thành thật với chính bản thân mình và thành thật với người mình yêu thương nhất vì người đó sẽ cùng bạn nắm tay đi suốt cuộc đời. Hãy rộng lượng, bao dung và chân thành nhiều hơn. Đôi khi chỉ là một cái chạm tay nhẹ nhàng, một cái ôm hay một nụ cười xuề xòa của đối phương sẽ khiến bạn cảm thấy vơi bớt nỗi buồn, cảm thấy mình vẫn được yêu thương, được quan tâm, chiều chuộng. Học cách trao đi yêu thương bạn sẽ nhận về yêu thương.
Những lúc tuyệt vọng nhất, cách tôi học được là cùng chồng ngồi nhìn lại quãng thời gian đã trải qua cùng nhau. Tự hỏi mình “Tại sao mình lại yêu anh ấy?”, “Tại sao chúng ta lại ở bên nhau?”. Tôi nhớ về những kỷ niệm từ thời son trẻ để nhắc mình rằng tình yêu ấy thật đẹp, thật tinh khôi biết bao. Cả quãng đường thanh xuân dài chúng tôi đã cùng nhau vượt qua bao chông gai, bao khó khăn, bao sự cấm cản từ gia đình, bạn bè hay những người thân nhất để ở bên nhau, để xây dựng hạnh phúc. Vậy tại sao, không vì nhau mà cố gắng hơn nữa, mà vun vén để xây dựng gia đình. Và đó trở thành động lực giúp tôi vượt qua những khoảnh khắc khó khăn nhất. Tôi học được rằng đừng sợ cãi vã mà hãy coi những cuộc tranh cãi chỉ là gia vị tô màu cho cuộc sống của mình, cho tình yêu của mình trở nên đẹp hơn, giúp hai vợ chồng thấu hiểu, đồng điệu và yêu thương nhau hơn.
“Quá cứng rắn là điều không tốt, nhưng quá yếu đuối lại càng không nên. Hãy học cách cầm lên được và đặt xuống được”. Câu này đúng cho tất cả mọi trường hợp kể cả cuộc sống hôn nhân gia đình. Hãy học cách nhún nhường, dung hòa để hiểu nhau hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với yếu đuối, bi lụy. Hãy mạnh mẽ đấu tranh cho những điều đúng đắn, cho lẽ phải, cho sự công bằng. Chỉ có như vậy bạn mới hạnh phúc. Tôi chúc bạn tìm được niềm hạnh phúc đó.