Những ngày đầu về Việt Nam, Johnny Trí Nguyễn được biết đến như một cascadeur tầm quốc tế. Với ưu thế ngoại hình, võ thuật và khả năng đa dạng từ diễn xuất đến viết kịch bản, anh liên tiếp gây ấn tượng trong lòng khán giả lẫn giới làm phim. Dù từng gây tiếng vang với phim “Dòng máu anh hùng” nhưng nam diễn viên Việt kiều lại “thua trắng” khi dồn nhiều công sức cho tác phẩm “Bụi đời Chợ Lớn”.
Tin, bài liên quan:
Johnny Trí Nguyễn từng ‘đại náo' Bollywood
Johnny Trí Nguyễn lỡ hẹn Flores vì... ngủ quên
Võ sư Flores đến tận võ đường tìm nhưng Johnny Trí Nguyễn không tiếp
Gần 60 đêm thức trắng để thực hiện, cứ tưởng phim “Bụi đời Chợ Lớn” sẽ thành công vang dội, nhưng tác phẩm lại bị cấm chiếu vào giờ chót, sau đó bị tung lên mạng khiến Johnny Trí Nguyễn gần như trắng tay. Đến giờ, những khoảnh khắc ấy vẫn là nỗi buồn khó tả với anh.
Với kinh nghiệm viết kịch bản từ Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng… cho đến Bụi đời Chợ Lớn, chắc hẳn anh cũng biết cần phải làm gì để kịch bản hợp lý, và khi đưa ra hội đồng duyệt sẽ không bị làm khó?
Thật ra ngay từ bộ phim Bẫy rồng, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn chứ không phải đến Bụi đời Chợ Lớn. Dẫu sao chúng tôi vẫn còn khá mới với những luật lệ làm phim ở Việt Nam. Đến phim “Bụi đời Chợ Lớn”, chúng tôi muốn có cái gì đó mới hơn cho khán giả, nên thực hiện theo gu mạnh hơn. Cụ thể ở “Bẫy rồng”, toàn phim có 6 đến 7 trận đấu hoành tráng thì lần này chúng tôi “chơi” từ 10 đến 12 trận để tạo sự ác liệt hơn. Tất nhiên, trong bộ phim mới thì các chiêu thức võ thuật và cách thể hiện trong các pha hành động cũng đa dạng hơn, có lẽ vì vậy mà bị đánh giá bạo lực hơn!
Khi phim bị “kết tử” như vậy, lúc đó anh có dự tính gì?
Tính thì vẫn chưa biết tính sao, tại luật điện ảnh lúc đó còn chung chung theo kiểu: Cấm chạy nhanh, nhưng không cụ thể chạy bao nhiêu là quá tốc độ, nên những người “chạy” như chúng tôi rất dễ phạm luật lắm. Phải chi nó giống luật giao thông, cấm quẹo phải, hay cấm quẹo trái, hoặc như cấm chạy tốc độ quá 50km/h, thì mình còn biết cách điều chỉnh.
Nói như anh, luật điện ảnh của chúng ta chưa rõ lắm, và nếu làm rõ điều này chắc phải tốn nhiều thời gian và công sức?
Vì luật không rõ nên “Bụi đời Chợ Lớn” mới lâm hoàn cảnh này. Nếu muốn tránh vết xe này, đòi hỏi tất cả các nhà sản xuất phim phải cùng nhau lên tiếng và góp ý luật, lúc đó lãnh đạo mới biết mà nhanh chóng bổ sung. Và nếu điều này thành hiện thực và chịu bắt tay làm, sẽ không tốn nhiều thời gian lắm. Hơn nữa theo tôi nghĩ: Cục điện ảnh là nơi hỗ trợ người làm phim, để giúp ích cho nền điện ảnh phát triển, chứ họ không cố tình làm khó người sản xuất như chúng tôi đâu.
Đã từng có một Lê Văn Kiệt phạm luật trong phim “Bẫy cấp ba”, một Hồng Ánh “dở chết, dở sống” với “Đường đua” và khi “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu, liệu các nhà sản xuất như anh có nản lắm không?
Ai đầu tư phim cũng muốn lấy lại vốn, đó là điều căn bản đầu tiên nhất là trong thời buổi khó khăn này. Anh cứ nghĩ, với số tiền hàng chục tỷ mà bỏ vô ngân hàng nằm ngủ một năm cũng lấy lời được “mấy chấm”, còn lấy tiền đầu tư phim như thế này, vừa mất công, mất sức hàng năm trời mà vẫn chưa biết kết quả về đâu. Rơi vào hoàn cảnh thấy tiền bạc của mình “đổ sông, đổ biển” như thế này, ai mà không nản.
Khi lệnh cấm ban ra, lúc đó Johnny Trí Nguyễn mong muốn điều gì nhất để “cứu” Bụi đời Chợ Lớn?
Luật phải rõ ràng, thì bất cứ phim nào cũng có thể cứu được. Một bộ phim là công sức của cả một tập thể trên 200 con người bỏ ra hơn một tháng trời miệt mài với từng cảnh quay, tất cả đều làm việc với tuần suất vô cùng nặng nhọc. Tôi có cảm giác như mình đang “đẻ” một lúc 200 đứa con vậy, giờ nhìn thấy “bọn chúng” bị chết như vậy đau lắm, nhưng không biết làm sao để cứu con mình!
Phim bị cấm có nghĩa là phim “chết”, người sản xuất chết, diễn viên chết… liệu các anh có mất luôn niềm tin trong việc làm phim?
Quá nhiều tâm huyết bị hủy như vậy tất nhiên là nản… kinh khủng. Phải chi mình làm theo kiểu phim chợ, đầu tư qua loa vài tỷ bạc mà bị “mất” thì mình không tiếc, không đau. Còn đằng này, “Bụi đời Chợ Lớn” được xem như một tác phẩm chứ không phải chơi. Lâu lắm mới làm được một bộ phim như vậy, phải hội tụ nhiều điều kiện, từ kinh phí đến con người tài giỏi và đầy tâm huyết mới làm được, gần như chúng tôi lập được kỷ lục… lạ, thức đêm suốt hai tháng trời, ai cũng bị rối loạn nhịp sinh học vì phải lấy đêm làm ngày, vậy mà phim bị cấm, nói thiệt lúc đó bọn tôi không biết tin vào điều gì nữa.
Nói như thế đạo diễn, diễn viên có lẽ mỗi người sẽ có những thất vọng khác nhau?
Chính xác là như thế. Trong phim này có nhiều diễn viên mới rất xuất sắc: Hà Hiền, Long Điền, Bích Phương… Ai xem phim cũng rất mừng vì thấy thành quả mình quá đã. Họ rất tự hào về vai diễn của mình. Ai cũng hy vọng, bộ phim này có thể giúp họ thay đổi hình ảnh và cả sự nghiệp sau này, vậy mà rơi vào tình huống này, đâu ai muốn!
Điều gì khó và tâm huyết nhất trong suốt quá trình anh thực hiện phim?
Trong phim hành động, cái khó là không thể viết ra từng chi tiết hành động, không thể miêu tả phải đánh nhau như thế nào. Tất cả chỉ quy định: Anh A hạ gục anh B, anh C đánh nhau liên tục với anh X, anh Y, chị N… Sau đó trong quá trình tập luyện và ra hiện trường, chúng tôi phải tùy theo sở trường và sự sáng tạo của các anh em cascadeur, diễn viên rồi mới thu hình. Mỗi lần có động tác mới hay chiêu thức gì lạ, chúng tôi rất say sưa tập và ghi hình, có thể thực hiện bằng mọi phương án tốt nhất để có cảnh quay tâm đắc. Điều này nói thì không diễn tả hết, nhưng gần như chúng tôi phải đổ cả máu để thực hiện, tất cả cũng chỉ để cống hiến cho khán giả.
Làm một bộ phim phải nói là tốn khá nhiều tâm huyết, thậm chí là đổ máu để có một thành phẩm nhưng lại bị “tuýt còi”, anh có rút kinh nghiệm gì cho bản thân?
Có lẽ tôi nên chuyển sang dạng phim hài hoặc tình cảm xã hội… vừa dễ làm vừa chắc ăn. Còn thể loại phim hành động, nếu có dự án chúng tôi phải “ngâm cứu” cho đến khi nào có luật cụ thể hơn thì mới dám nghĩ tới việc thực hiện.