VĂN HÓA

Khám phá Bạc Liêu: Những điểm đến du khách không nên bỏ lỡ

May May • 26-10-2023 • Lượt xem: 2131
Khám phá Bạc Liêu: Những điểm đến du khách không nên bỏ lỡ

Bạc Liêu là vùng đất nổi tiếng hội tụ văn hóa của ba dân tộc người Kinh, người Hoa và người Khmer. Điều này thể hiện qua những công trình kiến trúc độc đáo tạo nên một vẻ đẹp riêng cho nơi đây. Khi có cơ hội đến Bạc Liêu, bạn sẽ bị ấn tượng bởi cảnh sắc thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Dưới đây là một số địa điểm du lịch nổi bật ở Bạc Liêu mà bạn không nên bỏ lỡ khi bạn có cơ hội ghé thăm miền Tây Nam Bộ.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi nức tiếng một thời. Ông tên thật là Trần Trinh Huy, theo giai thoại kể thoại, không một vị công tử cùng thời nào có thể sánh kịp về độ phóng khoáng và khả năng chịu chơi của ông. Công tử Bạc Liêu từng gây chấn động cả nước khi đi thăm ruộng bằng máy bay, thời đấy Việt Nam chỉ có hai chiếc, một của ông, một của Vua Bảo Đại. Nhiều người còn kể rằng ông nổi tiếng vì từng “đốt tiền nấu chè” để tranh sự chú ý của một cô gái.

Ngôi nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, mang đậm kiến trúc phương Tây. Hầu hết các vật liệu xây dựng và trang trí trong nhà đều được vận chuyển từ Pháp về, trang trí hoa văn và chạm trổ tinh tế. Nơi đây được khởi công xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. 

Nhà Công tử Bạc Liêu có hai tầng và một sân thượng. Cầu thang lên tầng hai được làm bằng đá cẩm thạch, chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn 9 bậc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Cầu thang gỗ dẫn lên sân thượng trước đây là nơi ông hội đồng Trạch, cha của Công tử Bạc Liêu dùng để phơi tiền.

Đến nay, công trình tròn 100 năm tuổi nhưng những nước sơn và nét vẽ của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Đồng thời, các món đồ vật trang trí trong nhà như xe ô tô, máy nghe nhạc, điện thoại bàn vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại khóm 4, phường 2 (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Tham quan tại đây, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian đờn ca tài tử và những cung bậc trầm bổng của bài ca bất hủ Dạ cổ hoài lang. Đồng thời, khám phá các công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm nét nghệ thuật. Ngoài ra, du khách cũng sẽ được nghe kể lại câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu và hòa mình vào cung bậc trầm bổng của bài ca bất hủ Dạ cổ hoài lang.

Khu lưu niệm có tổng diện tích hơn 12.000m2, gồm các công trình sân, đài Nguyệt cầm, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn nhạc cụ, khu mộ của cố nhạc sĩ và gia đình, nhà trưng bày, khu biểu diễn… Khi vừa đi qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài này chính là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ – gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Điểm nổi bật tại đây để tạo thêm tính thiêng liêng, huyền bí là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. 

Năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cuối năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng điểm du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là sản phẩm du lịch OCOP 4 sao. 

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cách trung tâm thành phố khoảng 20 km. Nơi đây không chỉ mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Óc Eo, mà còn là một trong những số ít công trình cổ ở Vùng Tây Nam Bộ tồn tại và lưu giữ khá nhiều hiện vật quý (tượng, đá quý, đồ gồm…). Là điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ du lịch thích khám phá lịch sử. 

Nhìn từ phía xa, ngôi tháp như khối hình trụ đồng nhất đứng sừng sững giữa rừng cây, đồng ruộng, khoác lên dáng vẻ cổ kính – một phần bị rong rêu phủ, xen kẽ là nhiều chỗ gạch loang lỗ khuyến sâu vào gần bên trong lòng tường. Tất cả làm toát lên vẻ đẹp siêu thực, cổ kính mà trang nghiêm của công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền văn hóa Óc Eo Tây Nam Bộ.

Chùa Ghositaram

Nằm tại huyện Vĩnh Lợi, chùa Ghositaram xây dựng từ năm 1860, được đánh giá là một trong những công trình Khmer đẹp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngôi chùa thể hiện rõ nét tín ngưỡng Phật giáo của người dân địa phương với khối kiến trúc được xây dựng lộng lẫy, tráng lệ tựa như một viện bảo tàng thu nhỏ.

Ngay từ khi đặt chân vào chùa, du khách sẽ khá “choáng” trước sự đồ sộ và hào nhoáng của khu vực chánh điện với rất nhiều hoa văn và bích họa được chạm trổ kỳ công trên những bức tường, cây cột hay mái chùa kiểu xếp tầng. Những hoa văn, phù điêu trang trí mang đậm dấu ấn Angkor, từ họa tiết hình cánh sen với những đường cong dịu dàng, thanh thoát đến hình hoa thị mạnh mẽ, cân đối, luôn luôn hiện hữu trên từng ô cửa, hàng hiên.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu

Cách trung tâm thành phố khoảng 10km, Khu điện gió Bạc Liêu là dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng từ năm 2010 và có quy môn lớn nhất Việt Nam. Hiện nay đã có 62 cột tháp và tuabin đều đặt trên biển, mỗi tuabin cao khoảng 80m, cánh quạt dài 42m,…

Đặt chân đến đây, các tín đồ xê dịch có thể chiêm ngưỡng những cánh quạt gió khổng lồ giữa nền trời xanh cùng rừng nước ngập mặn xung quanh với các lồng nuôi cá của người dân ven biển. Thời điểm tham quan “cánh đồng điện gió” thích hợp nhất là sáng sớm và chiều tà, khi ấy khách có thể thỏa thích ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển.