VĂN HÓA

Khám phá nét đặc sắc của 'bộ lạc tuần lộc' Dukha

Lan Hương • 20-07-2022 • Lượt xem: 1161
Khám phá nét đặc sắc của 'bộ lạc tuần lộc' Dukha

Trên những vùng núi tuyết lạnh lẽo vùng cực bắc Mông Cổ, nơi nhiệt độ có lúc giảm xuống đến -50 độ C, nơi một trong những bộ lạc chăn tuần lộc cuối cùng có tên gọi tộc người Dukha du mục sinh sống. Họ tách biệt nhưng là một phần đặc biệt của thế giới.

Bộ lạc Dukha hay còn được gọi là Tsaatan, là nhóm người chăn tuần lộc ở vùng Đông Bắc của đất nước Mông Cổ xa xôi. Họ nuôi tuần lộc và đi săn ở những những cánh rừng tại dãy núi hiểm trở Sayan vùng biên giới Nga – Mông Cổ.

Bộ lạc chăn nuôi tuần lộc trên vùng đất khắc nghiệt

Chẳng có internet, không có công nghệ, cuộc sống của những người Tsaatan chỉ rong ruổi quanh những cánh rừng Taiga phủ đầy băng tuyết và một nếp sinh hoạt hoang sơ nghèo nàn, tách biệt với cuộc sống hiện đại.

Bộ lạc Tsaatan đến nay được cho là “bộ lạc tuần lộc” cuối cùng ở Mông Cổ, đã có rất nhiều lời cảnh báo rằng bộ lạc này sắp biến mất. Và đây cũng là một trong những bộ tộc du mục cuối cùng ở đất nước này.

Là dân du mục, người Dukha có thể chịu được thời tiết lạnh giá vô cùng khắc nghiệt. Trong những khu rừng tuyết trắng lạnh lẽo, họ chăn tuần lộc và sinh sống cùng với đàn tuần lộc họ nuôi và thuần hóa. Việc chăn thả tuần lộc không chỉ là thói quen mà đây còn là nét đặc trưng, một nét truyền thống của người Dukha từ lâu đời.

Tuần lộc thích hợp sống trong thời tiết lạnh giá, dân Tsaatan chăn thả tuần lộc trong những khu rừng đầy tuyết trắng. Bởi thế mà họ còn được ưu ái với cái tên “người tuần lộc”. Mọi sinh hoạt của người Dukha trải qua hàng ngàn năm hầu hết đều gắn liền với các chú tuần lộc cho đến bây giờ.

Người dân chăn nuôi tuần lộc để lấy sữa, làm pho mát, lấy lông… và thỉnh thoảng mới lấy thịt làm thực phẩm. Họ sống trong những túp lều “teepee" dựng tạm trên tuyết, ăn bánh mì và uống sữa tuần lộc. Ngoài ra, họ săn bắt thú rừng để lấy thịt và da làm thức ăn hoặc đem bán.

Tuần lộc là phương tiện chuyên chở người và thồ hàng qua những địa hình gồ ghề, những con đường ngập bùn lầy và tuyết. Tuần lộc còn giúp người dân tăng thu nhập bằng việc cho khách du lịch thuê cưỡi tham quan hoặc chuyên chở qua những đoạn đường dài. Sừng tuần lộc được chế tác thành những món quà lưu niệm để bán cho du khách. Ngoài ra, tuần lộc còn góp phần quan trọng trong các nghi lễ đặc biệt của cộng đồng người Dukha.

Người Tsaatan có cuộc sống quanh năm du mục, họ luôn di chuyển từ vùng này sang vùng khác vào mỗi 5 – 10 tuần một lần để tìm nguồn thức ăn mới cho đàn tuần lộc. Việc di chuyển liên tục cùng với khí hậu lạnh giá khiến họ không thể trồng cấy hoặc tìm kiếm được thực phẩm nào khác. Thế nên tuần lộc cũng chính là nguồn trông cậy của người dân Dukha cho đến ngày nay. Hiện tại, cuộc sống của người Tsaatan đang có nguy cơ đe dọa do số lượng tuần lộc ngày càng giảm. Hiện nay chỉ còn khoảng 40 gia đình Tsaatan tiếp tục truyền thống này, vì thế họ được xem là một trong những bộ tộc du mục và cũng là bộ lạc tuần lộc cuối cùng ở phía Bắc Mông Cổ.  

Đám cưới đặc biệt của bộ lạc du mục Dukha

Cuộc sống nay đây mai đó khiến người Dukha không có nhiều dịp gặp gỡ họ hàng. Vì thế, đám cưới chính là dịp bà con thân thích và các khách mời quây quần, tụ họp để chúc mừng đôi trẻ vào ngày hạnh phúc.

Trong ngày này, cô dâu chú rể và cả những người trưởng bối tham gia hôn lễ sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bắt đầu buổi lễ, cha của chú rể sẽ hỏi ý kiến cha cô dâu về việc cho phép con trai mình kết hôn với con gái của ông ấy. Nếu cha cô dâu đồng ý, hôn lễ sẽ được cử hành chính thức. Theo truyền thống người Tsaatan, các ông bố vợ sẽ tỏ ra không dễ dàng gả con gái mình để chú rể tỏ thành ý nhiều hơn.

Cuối cùng sau một thời gian thuyết phục, bố cô dâu chấp thuận sẽ nhận chiếc khăn lụa từ nhà trai và hai bên cùng bàn bạc về cuộc sống sắp tới của đôi vợ chồng trẻ.  

Ngựa chính là phương tiện để rước cô dâu về nhà mới, người Dukha sẽ buộc 9 con ngựa trắng ngoài lều để chúc phúc cho cặp đôi. Sở dĩ chọn ngựa trắng vì người Dukha tin rằng màu trắng sẽ đem đến sự thuần khiết, may mắn và hạnh phúc cho đôi trẻ.

Kết thúc buổi chiêu đãi trọng thể, mọi người cùng thu dọn đồ đạc và đưa cô dâu chú rể về ngôi lều Teepee mới trên lưng ngựa. Cô dâu chú rể sẽ phải đi vòng quanh lều 3 lần và dâng sữa cho đất trời trước khi bước vào nhà mới, đây là nghi thức truyền thống quan trọng của người Dukha.

Sau đó mọi người lại được chiêu đãi linh đình với nhiều món ngon, cùng ăn uống và tặng quà cho cô dâu chú rể trước khi ra khỏi lều và tham gia đấu vật góp vui cho đám cưới.

Lễ cưới diễn ra đơn giản và không bị tác động của yếu tố vật chất. Và chắc chắn rằng, công nghệ sẽ chẳng là gì quan trọng, khi tất cả đều hòa mình vào thiên nhiên hoang dã cùng nền văn hóa lâu đời của bộ lạc.