VĂN HÓA

Khám phá vẻ đẹp của tình yêu không giới tính cùng vở múa đương đại Jakob

Thúy Vy • 06-12-2022 • Lượt xem: 729
Khám phá vẻ đẹp của tình yêu không giới tính cùng vở múa đương đại Jakob

Jakob là một tác phẩm múa thuộc loại hình múa đôi độc đáo do Tony Tran - một biên đạo múa người Na Uy gốc Việt ra mắt khán giả Việt ở chuyến lưu diễn đầu tiên tại châu Á. Vở múa đã được trình diễn vào 20h ngày 25/11 tại Hà Nội và ngày 30/11 tại TP.HCM, thu hút nhiều khán giả quan tâm.

Theo biên đạo Tony Tran, tên vở múa Jakob hướng về hai mặt nghĩa khác nhau. Đầu tiên, trong bối cảnh Na Uy, cái tên Jakob là đại diện của tính chất vững vàng - một kẻ tốt bụng và yêu thích cuộc sống phiêu lưu. Ngược lại, trong Kinh thánh, Jakob là cái tên của một kẻ lừa đảo và vô cùng dối trá. Do đó, Tony Trần muốn xem khi hai mặt đối lập này gặp nhau thì điều gì sẽ xảy ra. Và sự thân mật tìm đến, trong chính khoảng thời gian của cuộc gặp gỡ này.

Như vậy, Jakob là một điệu múa đôi kể về cuộc gặp gỡ thân mật giữa hai người đàn ông, trong cùng một không gian phòng. Tất cả bắt đầu với cái nhìn đầu tiên. Từ sức mạnh “một ánh mắt thay ngàn lời nói”, vũ đạo được thể hiện chi tiết trên từng đầu ngón tay, tập trung vào trọng lượng, hơi thở và phản ứng của cả hai cơ thể.

Vở diễn thu hút nhiều khán giả đến xem và ở lại đến phút cuối cùng

Nửa tiếng trước buổi biểu diễn múa đương đại Jakob tại TP.HCM bắt đầu, khán giả đã xếp hàng dài để chờ đợi trước cửa Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ. Sau khi kết thúc, mọi người vẫn còn nán lại rất lâu để nghe những người nghệ sĩ chia sẻ về điệu nhảy đặc biệt này.

Chuyến lưu diễn cùng sự kết hợp với workshop về chuyển động và ánh sáng sân khấu do các nghệ sĩ của đoàn phụ trách, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam (1971 - 2021). 

Nhiều khán giả không ngừng khen ngợi vở múa thành công khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể để kể một câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc từ đầu đến cuối, từ người dưng trở thành người yêu. Cách các nghệ sĩ đã sử dụng hình ảnh trên sân khấu đã tạo nên một tiết mục tinh tế, khiến người xem quên đi vấn đề giới tính, chỉ còn lại là tình yêu đẹp giữa hai con người. 

Trong cuộc trò chuyện sau chương trình, nhiều khán giả đã phấn khích chia sẻ cảm giác về những động tác chậm rãi, "suýt chạm" của hai nghệ sĩ biểu diễn trong 20 phút đầu còn thú vị hơn những pha va chạm sau đó. Đối với biên đạo Tony Trần, sự căng thẳng trong vũ đạo này đến từ chính bản thân hai nhân vật, từ việc họ tìm kiếm sự thân thiết cho đến việc họ chấp nhận và khẳng định sự hiện diện của đối phương.

Hai nghệ sĩ đã dành hơn một năm để cùng nhau làm chủ từng chi tiết và chuyển động. Dù đã biểu diễn nhiều nhưng cả hai vẫn thường xuyên tập đi tập lại, trao đổi vai trò cho nhau, khởi động kỹ càng trước mỗi lần biểu diễn, quan tâm nhau từng chút một trong suốt tiết mục vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra sự cố.

Jakob tiếp nối quá trình nghiên cứu của biên đạo múa Tony Trần về quyền và căn tính trong các mối quan hệ của con người

Trong suốt 45 phút, hai nghệ sĩ Tony Trần và Knut Vikstrøm Precht khiến khán giả luôn phải tập trung cao độ để thưởng thức màn trình diễn đầy năng lượng và lôi cuốn trên phông nền sân khấu tối giản màu trắng và ngôn ngữ ánh sáng vô cùng ấn tượng, đặc sắc của nhà thiết kế Tobias Leira.

Xuất phát từ ý tưởng “sự gần gũi không nhất thiết phải phụ thuộc vào giới tính, dục vọng hay tình yêu”, biên đạo múa Tony Trần đã tự đặt câu hỏi và khám phá những tương tác diễn ra giữa hai nhân vật nam đối lập nhau về tính cách và suy nghĩ.

Đó là một Jakob tốt bụng, thích phiêu lưu trong bối cảnh Na Uy, và một Jakob luôn lừa lọc, dối trá trong Kinh thánh. Tất cả bắt đầu từ cái nhìn, động tác và vũ đạo chú ý đến từng chi tiết của ngón tay, trọng lượng cơ thể, hơi thở, phản ứng cơ thể của 2 cá thể riêng biệt. 

Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai con người đã được thể hiện một cách trọn vẹn và tinh tế nhất, từ sự xa lạ ban đầu cho đến sự phản kháng sâu sắc, đấu tranh, hỗ trợ và sau này là sự nương tựa và chăm sóc. Tất cả đều mang đến những giây phút căng thẳng đến nín thở, đôi khi thót tim, và rồi lại vỡ òa khi vở diễn kết thúc.

Thông qua Jakob, Tony đã thể hiện tham vọng phá bỏ những định kiến ​​truyền thống về giới tính và những kỳ vọng thông thường về vai trò của giới. Trên sân khấu, hai diễn viên nam vừa thể hiện sự lãng mạn vừa pha thêm bạo lực mà không nhất thiết phải đóng vai là đồng tính nam, dị tính hay bất cứ giới tính nào. Tony nói rằng với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi sẽ phải thường xuyên tìm kiếm những góc nhìn mới trong những thứ đã có từ lâu. Từ đó, cái quen thuộc sẽ luôn lấp đầy cái mới lạ, rồi đến từng chi tiết của tác phẩm, cứ thế không ngừng tiếp thu những giá trị mới.