Thể thao

Khí độc do cháy rừng Amazon đang tăng cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe

Ngọc Nga • 27-08-2019 • Lượt xem: 1617
Khí độc do cháy rừng Amazon đang tăng cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe

NASA vừa công bố một đồ họa động, tiết lộ sự gia tăng đáng báo động của carbon monoxide (khí CO) trong khí quyển do hậu quả của những đám cháy đang hoành hành trong rừng nhiệt đới Amazon. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nguy hiểm cho sức khỏe con người và gây biến đổi khí hậu.

Tin, bài liên quan:

'Rừng Amazon không chỉ cần những lời cầu nguyện'

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy, chìm trong biển lửa

Các chủ rừng đóng góp 1.300 cây sồi để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Mức chất gây ô nhiễm cao tới gần 5.500 m so với bề mặt Trái đất đã tăng vọt lên 160 phần tỷ theo thể tích (ppbv) ở một số khu vực. Theo ảnh đồ họa do NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) công bố, các khu vực được tô màu xanh lá cây cho thấy mức độ khí CO khoảng 100 ppbv, trong khi màu vàng cho thấy nồng độ cao hơn, khoảng 120 ppbv.

Nẹp màu đỏ trên bản đồ thể hiện khí CO ở mức 160 ppbv, hoặc có thể cao hơn. Trong khi đó, ở tầng đối lưu - hoặc lớp khí quyển nằm gần bề mặt Trái đất nhất, nồng độ CO thường nằm trong khoảng từ 50 đến 100 ppb.

Hình ảnh chụp được cho thấy chất gây ô nhiễm đã tăng và lan rộng trong vài tuần qua khi đám cháy tiếp tục bùng phát. “Các khối CO phát triển ở khu vực tây bắc Amazon, sau đó trôi dạt, tập trung về phía đông nam", NASA cho biết.

Theo NASA, khí độc hại có thể tồn tại trong không khí khoảng một tháng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và gây biến đổi khí hậu. Ở độ cao như vậy, nồng độ chất ô nhiễm này có thể ít gây ra rủi ro trực tiếp cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, gió mạnh có thể thổi nó xuống phía dưới, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí. Chất độc hại có thể di chuyển khoảng cách lớn khi nó tồn tại trong bầu khí quyển, cơ quan không gian lưu ý.

Cacbon monoxit (CO) là chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng nên rất nguy hiểm vì con người không cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí. Chỉ cần hít thở phải một lượng lớn CO, cơ thể sẽ bị tổn thương do giảm oxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong. Nồng độ khoảng 0,1% CO trong không khí cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cơ quan nghiên cứu vũ trụ INPE của Brazil cũng vừa công bố số liệu gây sốc cho thấy có gần 77.000 vụ cháy rừng trên khắp đất nước trong năm nay, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2013. Điều này đi đôi với sự gia tăng nạn phá rừng, trong 7 tháng đầu năm 2019, nạn phá rừng Amazon đã tăng 67% so với năm trước.

Các tổ chức vì môi trường và một số nhà nghiên cứu cho hay tình trạng cháy rừng Amazon có thể do nạn đốt rừng lấy đất canh tác. Tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch khẳng định nhiều nông dân Brazil đã cố ý đốt rừng để lấy đất trồng cỏ.

Vốn xem rừng Amazon là nhà, các bộ lạc bản địa đang lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn bao giờ hết. “Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi đều thấy sự hủy diệt từ phá rừng, xâm chiếm, khai thác gỗ. Chúng tôi buồn vì rừng đang chết dần. Chúng tôi cảm thấy khí hậu thay đổi...”, Handerch Wakana Mura, một thủ lĩnh của bộ lạc gồm hơn 60 người, cho biết trên Reuters.

Brazil chiếm khoảng 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazon, nơi được xem là "lá phổi xanh" của Trái đất, có ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu và lượng mưa toàn cầu.

Bên cạnh đó, Google cũng vừa phát hành các bản đồ có độ phân giải cao cho thấy trong giai đoạn 2000-2012, các khu rừng trên toàn cầu đã bị tổn thất 1,5 triệu km2, tương đương với toàn bộ tiểu bang Alaska. Đây là thực trạng đáng báo động mà không quốc gia nào có thể thờ ơ.