Duyên Dáng Việt Nam

Các chủ rừng đóng góp 1.300 cây sồi để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Thiên Dung • 18-04-2019 • Lượt xem: 1985
Các chủ rừng đóng góp 1.300 cây sồi để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris vừa bị cháy ngày 15/4 đang được dư luận quốc tế quan tâm. Một trong những thách thức của việc khôi phục nhà thờnguồn cung gỗ sồi chất lượng để phục chế mái vòm nhà thờ. Nhiều chủ rừng ở Pháp cho biết sẵn sàng tặng 1.300 cây sồi 100-150 tuổi để dựng lại khung mái nhà thờ.

Tin, bài liên quan:

Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy, chìm trong biển lửa

Nguyên nhân cháy nhanh của nhà thờ Đức Bà Paris

Nét độc đáo của Nhà thờ Đức Bà Paris sau hơn 850 năm

Khung mái Nhà Thờ Đức Bà Paris được dựng bằng 1.300 cây sồi, đa phần khai thác ở độ tuổi 100-150 năm nhằm bảo đảm gỗ nhẹ, nhưng đủ cứng, chắc để chống chọi với thời gian và khí hậu. Một số cây sồi khác được khai thác ở độ tuổi 300-400 năm, tức được trồng từ thế kỷ 8-9.

Nhà cung cấp gỗ sồi hàng đầu nước Pháp cho rằng nguyên liệu này đang bị thiếu hụt. Ông Stephen Murray, giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Columbia cho biết: “Từng có giai đoạn việc phá rừng ở Pháp trở nên nghiêm trọng vì những công trình kiểu này ngốn số lượng gỗ khổng lồ".

Còn ông Sylvain Charlois, người đứng đầu tập đoàn Charlois nhận định: "Để chuẩn bị kho gỗ sồi đủ lớn với chất lượng đạt yêu cầu sẽ cần phải mất đến vài năm” và cam kết sẽ ủng hộ gỗ cho dự án khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris.

Trong khi đó, các hiệp hội trồng và khai thác rừng, các chủ rừng tư nhân tỏ ý sẵn sàng đóng góp hơn 1 ngàn cây sồi trăm năm tuổi để phục dựng lại phần khung mái nhà thờ đã bị thiêu rụi. Một công ty bảo hiểm Pháp là doanh nghiệp sở hữu 1.000 ha đất rừng ở vùng Normandie, vừa công bố tặng 1.300 cây sồi 100-150 tuổi để khôi phục công trình kiến trúc lịch sử hơn 850 năm.

Tổ chức Fransylva, tập hợp 3,5 triệu chủ rừng tư nhân của Pháp, đề nghị mỗi thành viên tặng 1 cây sồi để tu sửa nhà thờ. Còn ông Michel Druihe, chủ tịch nghiệp đoàn ngành rừng (SBF) cam kết sẽ dành những cây sồi đẹp nhất để trùng tu “viên ngọc” kiến trúc thời Trung Cổ. Ông cho biết: "Chúng tôi không biết liệu có thể khôi phục lại một nhà thờ giống như trước hay không nhưng rõ ràng các khu rừng công cộng và tư nhân của Pháp đều được huy động". Tổ chức SBF cũng hứa hỗ trợ cả tài chính và kỹ thuật để phục dựng nhà thờ.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về quá trình khôi phục di tích lịch sử hàng đầu nước Pháp này. Nhiều người cho rằng có nên phục dựng lại bộ khung bằng gỗ sồi không, hay thay thế bằng vật liệu khác như kim loại, bê tông, vừa chắc chắn, giảm nguy cơ hỏa hoạn, lại có giá thành thấp hơn.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực trùng tu di tích ở Pháp cảnh báo thời gian cần thiết để khôi phục sự nguyên vẹn của Nhà thờ Đức Bà Paris có thể mất đến hàng chục năm. Trong khi đó, Linh mục quản đốc Nhà thờ Đức Bà Paris, cha Patrick Chauvet hy vọng ông có thể cử hành thánh lễ trở lại tại công trình lịch sử này trong vài năm tới.