VĂN HÓA

Khi hoa cỏ trở thành món ăn

Tam Nguyên • 13-11-2022 • Lượt xem: 775
Khi hoa cỏ trở thành món ăn

Hoa đã điểm tô hương sắc cho cuộc sống nhân loại trên suốt chặng đường dài lịch sử. 

Thời Trung cổ, người ta dùng hoa để trang trí, sử dụng trong các món ăn và sử dụng cánh hoa rải trong bồn tắm để thư giãn tinh thần. Không những vậy, hoa còn là chất xúc tác chuyên dụng cho sự sáng tạo nghệ thuật và từng mở ra cánh cửa cho phụ nữ có cơ hội dấn thân vào khoa học.

Lợi ích sức khỏe từ những bông hoa

Xu hướng ăn hoa nổi lên trong những năm gần đây. Những món ăn này không chỉ đẹp mắt mà còn đi kèm nhiều lợi ích về sức khỏe đến từ hoa như dinh dưỡng, chất chống oxy hóa, cả niềm hạnh phúc khi ta được ăn thứ gì đó đẹp đẽ. Nhiều loài hoa nổi tiếng là có giá trị dinh dưỡng cao chứa nhiều khoáng chất và vitamin như cúc vạn thọ, hoa nghệ tây,…

Những cánh hoa từng được sử dụng để trang trí món ăn, thức uống nhằm thu hút thị giác. Nhưng giờ đây, những bông hoa còn mang lại hương vị. Chúng có thể ngọt ngào, mang mùi đất, thậm chí mang cảm giác vui nhộn. Như hoa dâm bụt không chỉ xuất hiện trong bia gừng, mà còn được làm trà, kết hợp với đường, chanh và hạt thông nướng để hỗ trợ tiêu hóa.

Biến hóa từ hoa trong ẩm thực

Hoa có thể không bao giờ trở nên phổ biến trong đồ uống bằng trái cây hoặc thảo mộc, nhưng chúng có sức hấp dẫn rất riêng. Hoa có thể ăn sống, nhưng lá phải nấu chín mới có hương vị đậm đà hơn. Các đầu bếp hàng đầu ngày càng thích dùng lá cây để gói sushi thay vì dùng rong biển. 

Sự kết hợp phổ biến nhất là dùng hoa trong các loại salad. Cánh hoa cúc vạn thọ, hoa thảo mộc, hoa bí cắt nhỏ, cánh hoa hồng và hoa păng xê trông đẹp mắt và có hương vị thơm ngon khi thêm vào rau xanh. Tuy nhiên, hoa cần phải được thêm vào sau khi đã trộn salad bởi chúng rất mỏng manh nên có xu hướng héo dưới sức nặng của ngay cả loại nước xốt salad nhẹ nhất.

Trên TikTok, những người trẻ tuổi đông lạnh hoa sen cạn, hoa păng xê và hoa phong lữ thành đá viên, sau đó cho vào những ly cocktail và ngắm nhìn chúng tan chảy thành muôn sắc màu.

Những người khác cuộn lá trà xanh thành những viên ngọc thoang thoảng hương hoa nhài, sau đó thả vào nước nóng để chúng nở ra. Bên cạnh đó, việc biến những đóa hoa thành trà và để nợ rộ trong nước nóng vừa mang đến thức uống ngon, vừa tăng tính thẩm mỹ trên bàn trà. Trong nhiều thế kỷ, nước hoa hồng và nước hoa cam đã được chiết xuất để dùng trong syrup, kẹo và bánh ngọt, trải dài từ Anh đến Iran.

Có một loại cây khác thường được sử dụng trong ẩm thực là cúc vạn thọ. Loài hoa này được ví như “hoa nghệ tây của người nghèo” và được sử dụng để tạo hương vị lẫn màu sắc cho các món ăn. Hoa cúc vạn thọ của Pháp “Tagetes” cũng có thể được dùng để tạo hương vị. Đây là loài hoa không nên ăn sống mà cần được nấu trong nước sôi nhằm tạo hương vị cho món risotto hoặc xúp bí ngô.

Lịch sử ghi nhận về ẩm thực và hoa

Hoa đã được ghi lại trong nhật ký ẩm thực từ nhiều thế kỷ và là một phần của nhiều nền văn hóa. Từ thời kỳ săn bắn hái lượm, con người đã có thể tìm cách để ăn hoa trong hành trình tìm kiếm các loại thức ăn của mình. Hạn hán, lũ lụt và thiếu nguồn cung cấp thực phẩm thông thường cũng thúc đẩy loài người tìm kiếm các loại thực phẩm mới trong môi trường xung quanh.

Việc sử dụng hoa trong thực phẩm, y học đã có từ hàng nghìn năm trước ở các quốc gia như Trung Quốc, Hy Lạp, La Mã,… 

Alexander III của Macedonia, thường được gọi là Alexander Đại đế, bắt đầu sử dụng nghệ tây trong thực phẩm. Loài hoa này ban đầu được người Ba Tư dùng làm thuốc. Hoa cũng được coi là thực phẩm có đặc tính chữa bệnh. Nước hoa hồng, nước hoa cam, hoa cúc kim tiền,… đã được sử dụng ở các nước Trung Đông và Nam Á trong hàng nghìn năm. 

Người Aztec đã sử dụng cúc vạn thọ để tạo hương vị cho cacao. Củ hoa tulip được dùng làm thức ăn cho nạn đói trong Thế chiến thứ II, mặc dù phải chế biến đặc biệt để tránh khó tiêu. Cánh hoa tulip cũng có thể ăn được và làm cốc đựng nước chấm đẹp mắt.