VĂN HÓA

Khi nhiều người bị tổn thương trong đời sống hiện đại, rất cần những không gian chữa lành

Bài và ảnh: Hà Thành • 07-09-2023 • Lượt xem: 1356
Khi nhiều người bị tổn thương trong đời sống hiện đại, rất cần những không gian chữa lành

Vào trang công cụ tìm kiếm Google, search cụm từ “chữa lành” sẽ thấy vô vàn kết quả, hàng loạt các bài viết liên quan. Các bài viết rất đa dạng và phong phú, từ nguyên nhân, phương pháp trị liệu, tâm sự, sẻ chia, giải đáp…, tới các khóa học, khóa tu chữa lành. Rõ ràng đây là một vấn đề mang tính xã hội chứ không đơn thuần là trị liệu bệnh lý. Vậy vì sao mà phải chữa lành, và chữa lành như thế nào hiệu quả?

Tổn thương trong đời sống hiện đại

Cuộc sống của con người trong đời sống, xã hội hiện đại đang chịu quá nhiều áp lực. Đó là một thực tế mà ai cũng thấy. Mỗi người trong mỗi hoàn cảnh có một áp lực riêng, và đó trở thành vấn đề tác động mạnh vào tâm lý, tinh thần, tâm hồn khiến con người bị tổn thương, lo âu, buồn bã, trầm cảm, bế tắc… Đó có thể là áp lực về kinh tế trong cuộc sống khó khăn, làm ăn thua lỗ, nợ nần, phá sản; đó có thể là sự mất mát trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân; đó có thể là mâu thuẫn trong quan hệ gia đình, thất bại trong công việc…; đó có thể là những biến cố tiêu cực trong đời sống. Cùng với các vấn đề chung của đô thị mà xã hội hiện đại và con người đang phải trải qua như ô nhiễm, tắc đường, ngập lụt, tai nạn… khiến cho con người càng sợ hãi, chán nản; tinh thần suy yếu và bị tổn thương trầm trọng. Đời sống xã hội hiện đại có nhiều ưu điểm, với sự phát triển của công nghệ, khoa học, hỗ trợ con người rất đắc lực, nhưng cũng đem lại quá nhiều những tiêu cực.

Công việc căng thẳng trong xã hội hiện đại khiến nhiều người bị trầm cảm.

Trên một bài podcasts của báo điện tử VnExpress, xuất bản ngày 05/8/2023, có tiêu đề “Kiệt sức vì flex; bủa vây”, có đề cập tới trường hợp một chàng trai 24 tuổi phải dùng thuốc điều trị tâm lý vì mặc cảm kém cỏi, khi thường xuyên thấy bạn bè ‘flex’ lương tháng nghìn USD. ‘Flex” (tạm dịch: khoe khoang) đang là trào lưu của giới trẻ trên mạng internet, khiến rất nhiều người khó chịu nhưng nó không vi phạm luật gì cả, và vẫn đang tiếp diễn. Chàng trai kia cũng chỉ là một trong số rất nhiều người chịu đựng sự tổn thương ấy. Trong một xã hội mà thông tin và truyền thông phát triển và lan tỏa chóng mặt có tác động mạnh như hiện nay; thì những thông tin có yếu tố tích cực hay tiêu cực đều có tác động sâu sắc tới xã hội nói chung và mỗi con người. Cũng trên báo điện tử VnExpress, ngày 11/8/2023, trong chuyên mục sức khỏe có một bài viết nhan đề: “Gần 15% người Việt bị rối loạn tâm thần”. Trong bài viết này, ngoài con số thống kê được đề cập tới, thì bài báo cũng cho biết ở nước ta, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng sâu rộng, có quá nhiều khó khăn, khổ đau, mất mát, biến động về đời sống – kinh tế - xã hội mà con người trải qua, thì những tổn thương càng cần được chữa lành.

Những vấn đề đô thị như tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm... cũng khiến con người mệt mỏi, sợ hãi, chán nản...

Rõ ràng, vấn đề sức khỏe tâm thần cần trị liệu hay tổn thương cần chữa lành đang là một vấn đề có tính cấp thiết, và phạm vi rất rộng toàn xã hội. Có rất nhiều liệu pháp chữa lành có thể tìm kiếm trên mạng, từ đơn giản tới phức tạp, từ miễn phí tới tốn nhiều tiền. Có thể lấy ví dự như các biện pháp nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh, thiền, yoga, tu ngắn hạn, gặp bác sỹ tâm lý, du lịch, tiếp cận và gần gũi thiên nhiên… Song điều quan trọng nhất, là các hoạt động đó phải được diễn ra trong không gian có khả năng chữa lành.

Không gian chữa lành

Không gian chữa lành là một liệu pháp quan trọng trong các liệu pháp chữa lành, và cũng là một xu hướng thiết kế hiện nay. Không gian chữa lành là các không gian có khả năng chữa lành tổn thương tinh thần, đem lại sự bình yên cho tâm hồn, thái độ tích cực trong cuộc sống. Không gian chữa lành là một khái niệm rộng, định tính khá mơ hồ và không có định lượng. Các công trình thuộc phạm vi của không gian chữa lành cũng đa dạng, có thể là nhà ở, văn phòng làm việc, resort nghỉ dưỡng, quán cà phê, bệnh viện, trại dưỡng lão, các kiến trúc phục vụ cho việc tu, thiền như tu viện, thiền viện… Nhưng có thể thấy, nhà ở là loại hình quan trọng nhất, vì nó phổ biến nhất và gắn bó mật thiết với cuộc sống con người trong thời gian dài.

Resort nghỉ dưỡng có thể là không gian chữa lành khi mang đến sự bình yên và thoải mái cho tinh thần.

Không gian chữa lành chính là không gian phải gần gũi với ta, hiểu ta, yêu chiều ta và cùng ta vượt qua những phiền muộn, lo âu, sợ hãi… Ngôi nhà không chỉ là vỏ kiến trúc với hình dáng, vật liệu, màu sắc… vô tri mà phải chứa đựng được các giá trị tinh thần, cảm xúc trong tâm hồn, nuôi dưỡng những khát vọng và ước mơ tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, ngôi nhà ở để chữa lành không nhất thiết phải là ngôi nhà to, rộng rãi, biệt thự hay nhà vườn mà hoàn toàn có thể là những ngôi nhà nhỏ, nhà phố hay căn hộ chung cư. Mỗi kiểu nhà có tính chất riêng và có giải pháp riêng cho việc thiết kế chữa lành.

Trong các không gian chữa lành, ngôi nhà ở là nơi có ý nghĩa quan trọng nhất.

Trong y học từ Đông sang Tây xưa kia, đến mấy trăm năm khoa học hiện đại gần đây đều khẳng định: cách con người cảm nhận về thế giới xung quanh đóng vai trò quyết định đến sự tồn tại. Trong phạm vi không gian sống, khi ngôi nhà và bao cảnh xung quanh tác động đến thân – tâm – trí một cách tích cực thì chúng ta không chỉ khỏe mạnh, vui vẻ mà còn được tái tạo nguồn năng lượng tươi mới, xoa dịu tổn thương, xóa bỏ muộn phiền và hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

Như vậy không gian sống có thực sự góp phần chữa lành? Nếu có thì tác động đó ra sao, thông qua cầu nối gì?

Các nghiên cứu về giác quan con người từ xưa tới nay đã chỉ ra nhiều cách thức thú vị thông qua cơ chế thụ cảm, nhận biết, truyền tín hiệu, phản hồi và đáp ứng. Có thể lấy ví dụ từ một số nghiên cứu điển hình đoạt giải Nobel: Georg von Bekesy (1961, khám phá về thính giác); George Wald (1967, thị giác); Richards Axel & Linda Buck (2004, khứu giác); Roderick McKinnon & Peter Agre (2003, cách cảm nhận thế giới qua các kênh ion) và mới nhất là năm 2021 của David Julius & Ardem Patapoutian giải mã cảm quan con người với môi trường qua tiếp xúc, về cơ chế đau như thế nào.

Ngoài ra còn có các nghiên cứu khoa học công bố phổ biến như:
•    Ánh sáng mặt trời giúp não giải phóng hormone Serotonin, loại hormone giúp con người tập trung và bình tĩnh. – Theo Healthine.
•    Không gian gọn gàng, ít lộn xộn giúp đầu óc không bị rơi vào tình trạng căng thẳng. – Theo Viện Khoa học Thần kinh Princeton.
•    Thiên nhiên giúp con người giảm cảm xúc tiêu cực, giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm; giảm các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần như cáu kỉnh, mất ngủ, đau đầu, căng thẳng. – Theo Tạp chí BMC Public Health.
Ngôi nhà hay rộng hơn là môi trường sống giữ vai trò quan trọng với sức khỏe người sử dụng. Nhưng mức độ tác động còn tùy theo vùng địa lý, khí hậu, chủng tộc, lối sống, văn hóa, xã hội… và cách người ta chọn lựa chủ động hay đón nhận thụ động trong cách ứng xử bản thân - không gian. Theo đó, những định tính của không gian chữa lành có thể là:
•   Lựa chọn hoặc tạo nên không gian yên tĩnh, tránh những âm thanh, tiếng động quá ngưỡng chịu đựng của thính giác, những âm thanh gây khó chịu hay âm thanh có những nội dung tiêu cực. Nghe các loại nhạc êm dịu, vui vẻ.
•    Hòa mình với thiên nhiên thông qua việc chăm sóc cây cối; tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời, khai thác hiệu quả cảm nhận giác quan về thiên nhiên như nhìn ngắm tranh ảnh thiên nhiên và có các thú chơi lành mạnh, gần gũi môi trường tự nhiên.
•    Cây xanh, mặt nước là những yếu tố có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức không gian chữa lành. Nên sử dụng những loại vật liệu tự nhiên, vật liệu bản địa có tính quen thuộc và gần gũi.
•   Chọn vật dụng, tiếp xúc và cảm thụ các ý nghĩa nghệ thuật, đức tin tôn giáo, đồ lưu nhiệm, tranh ảnh gợi nên suy nghĩ tích cực về gia đình, bạn bè.
•   Chú trọng tính đơn giản qua sự tiết chế trong việc lựa chọn – sắp xếp đồ đạc; thường xuyên dọn dẹp không gian xung quanh để tạo nên môi trường sạch sẽ, an toàn, yên tĩnh, giúp loại bỏ căng thẳng.
•    Điều tiết ánh sáng phù hợp cho giấc ngủ, cho không gian thư giãn.
•   Lựa chọn màu sắc, chất liệu phù hợp với tâm trạng và tính cách bản thân; ưu tiên các gam màu được thống kê phổ quát là gợi cảm giác yên bình (như nhóm màu trung tính, màu dịu mát) hoặc các màu sắc, phong cách trang trí mang đến năng lượng tích cực.

Cây xanh, mặt nước có ý nghĩa lớn trong việc tổ chức không gian chữa lành.

Những yếu tố liên quan đến đức tin, tôn giáo mang lại sự an yên, tĩnh tại và hướng thiện.

Thực ra, “không gian sống chữa lành” là ý tưởng, giải pháp không mới. Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội nhiều bất ổn và áp lực như hiện nay, nhất là trong và sau giai đoạn dịch Covid-19 thời gian qua, giải pháp này có xu hướng quay trở lại như một phương pháp trị liệu đầy hiệu quả: cần xem nhà, tổ ấm gia đình là nơi có tác dụng chữa lành, là nơi trở về ấm áp, là bến đỗ bình yên trước những tác động tiêu cực ngoài xã hội. Và việc thiết kế không gian chữa lành cũng không có tiêu chuẩn nào cụ thể, tất cả phụ thuộc vào nhạy cảm của người thiết kế và sự đồng cảm với chủ nhân.

Để chữa lành thực sự lành

Nhu cầu chữa lành những tổn thương tinh thần trong xã hội hiện nay là rất lớn. Thế cho nên các dịch vụ, nơi chốn, không gian chữa lành hình thành và phát triển cũng là điều dễ hiểu. Nếu tìm kiếm trên Google về dịch vụ chữa lành, cũng có hàng loạt dịch vụ, địa chỉ chữa lành. Có những hình thức chữa lành hoàn toàn phi lợi nhuận. Nhưng, nhiều trường hợp, nhiều nơi, phải tốn số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để tham gia các hoạt động này.

Có nhiều dịch vụ, nơi chốn, không gian chữa lành, nhưng để lựa chọn một nơi hiệu quả thì cần cân nhắc.

Bản thân chữa lành, đúng như tên gọi của nó là sự xoa dịu, chuyển hóa cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an, cảm giác bị tổn thương để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện. Từ đó giúp mỗi người tiếp tục tìm được những niềm vui, ý nghĩa sống lạc quan. Chữa lành, muốn hiệu quả phải quay về với chính mình, đi vào bên trong trước khi trở ra bên ngoài.

Tuy nhiên, không phải lúc nào khái niệm chữa lành cũng được giải mã và đi đúng bản chất vấn đề. Thực tế hiện nay, trong nhiều hình thức chữa lành của cuộc sống, đang thiên về sự hô hào, hình thức. Nhiều sản phẩm nghệ thuật gắn mác chữa lành giống như mốt, hay cách để chạy theo trào lưu. Không phải cứ gắn hai chữ chữa lành là có thể… chữa lành. Không ít địa chỉ chữa lành là lừa đảo.

Và cũng trong không ít trường hợp, việc chữa lành gợi lại nỗi đau như là cách để buộc con người phải đối diện, vượt qua nó trước khi đạt trạng thái an yên, nhưng lại khiến nỗi đau đó càng bị khoét sâu, tái diễn, lặp lại. Chữa lành đâu không thấy, lại càng làm tổn thương sâu sắc hơn. Điều này rõ ràng đang làm phản tác dụng và thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Sức khỏe tinh thần đang là vấn đề ngày càng được nhiều người, nhất là người trẻ quan tâm. Ai cũng sẽ có những vấn đề riêng, nhưng có thực sự cần chữa lành, hay chữa lành theo cách nào rất cần sự tỉnh táo. Vậy nên, ngay từ đầu, hãy chọn cho mình con đường đi đúng, tránh rơi vào vòng lặp luẩn quẩn. Cách chữa lành hiệu quả là tự phải hiểu mình, cởi mở, sẻ chia và yêu thương. Và hãy chuẩn bị - kiến tạo cho mình một ngôi nhà ấm áp là nơi để trở về, ở nơi đó là không gian chữa lành tốt nhất.

Kiến tạo ngôi nhà của mình là nơi trở về ấm áp là điều quan trọng, đó là không gian chữa lành tốt nhất.