VĂN HÓA

Không sao đâu!

Thanh Thảo • 05-09-2021 • Lượt xem: 290
Không sao đâu!

Tôi nhớ, trong tiểu thuyết “Rừng Na-Uy” của Murakami, nhân vật con gái tên Midori - có nghĩa là “xanh lá cây”- đã có hai câu làm quen khá đơn giản với chàng trai mà cô sẽ yêu (và cũng sẽ yêu cô) là Watanabe.

Câu thứ nhất: “Cậu là Watanabe, có phải không?” và câu thứ hai: “Trông ngon nhỉ”. 

“Ngon” ở đây là món salad mà chàng trai đang ăn, nhưng cũng có thể chính là… chàng trai ấy.

Chỉ hai câu, một hỏi, một nửa như hỏi, mà cô gái rất tự nhiên và hồn nhiên này đã làm quen, đã “kết nối” được với chàng trai mà cô muốn quen. Hai câu ấy chưa bộc lộ bất cứ cái gì, nhưng lại có thể bộc lộ cái gì. Cái gì đó chính là một môi trường, một không gian thân thiện được thiết lập để từ đó những câu chuyện của họ trở nên tự nhiên, dễ dàng, và đặc biệt chân thật. Tôi lại chợt nhớ tới một câu “tiếng Anh trong… bếp” mà người ta hay đùa những người coi tiếng Anh như tiếng… Việt: no-star-where! (không sao đâu!)

Đúng là dù “không sao” - không trăng không sao, trời tối đen như mực, thì cũng chẳng có gì ghê lắm, thì vẫn có thể “không sao” như thường-nghĩa là không có gì, không làm sao cả! Ấy tiếng Việt mình nó vẫn hồn nhiên đa nghĩa như vậy, và cũng thật dễ để các chàng trai cô gái làm quen nhau như vậy, “no-star-where!”, chẳng có gì khó khăn hay khó chịu. Miễn mình đến với người ta một cách chân tình, bình dị, trong trẻo.

Khi ấy, dù mình nói một câu đơn giản, thì câu ấy có thể lập tức được đón nhận cũng một cách giản dị như vậy. Và một không gian giao cảm đã được thiết lập. Hình như trong các cách thức mà các chàng trai với các cô gái làm quen nhau, thì cách tự nhiên, trực tiếp, “direct” lại là cách dễ đạt mục đích nhất, và dường như, lại hay có được một quan hệ lâu bền. Những cô gái làm quen bạn trai tự nhiên như thế, họ có duyên không? Sẽ có những người nghĩ rằng như thế có e thiếu kín đáo chăng? Nhưng Kiều đã làm quen Kim Trọng thế nào nhỉ? Hết sức tự nhiên, và nếu gọi đó là cách làm quen “hiện đại” thì đúng là nó hiện đại. Thế mối tình của họ có sâu rễ bền gốc không? Có quá đi chứ! Sau những 15 năm lưu lạc, mà “người tình đầu tiên” lại vẫn là “người yêu cuối cùng” thì xem ra, Kim - Kiều gặp nhau “thoáng chốc mà thành thiên thu” mất rồi! 

Vậy thì hình như “cái duyên con gái” lại ở chính vẻ tự nhiên của nàng, ở cái nguyện vọng muốn thể hiện tình cảm thật của mình, không che giấu, không vòng vèo, và cũng không tự ti. “Yêu ai cứ nói là yêu” (Phùng Quán) là cú sét đánh…không chết (coup de foudre), nhưng những “cú” như thế chỉ chiếm khoảng 50% trên “đồ biểu ái tình”. Số còn lại, từ từ cái gì đến sẽ đến. Nhưng đầu tiên, thì đúng là “thích ai cứ nói là thích” và bộc lộ ngay cái thích ấy, tự nhiên, hồn nhiên, không tính toán. Cậu là…X, Y, Z…có phải không? “Cậu thích màu xanh lá cây không?” – “Sao cậu hỏi thế?” – “Cậu đang mặc áo sơ-mi polo xanh lá cây đấy.” - “Chẳng có gì đặc biệt” - “Chẳng có gì đặc biệt. Tôi thích lối nói chuyện của cậu quá” (đoạn đối thoại này trích trong Rừng Na Uy).

Thực ra, lối nói chuyện này của chàng trai cũng không có gì “đặc biệt”, nhưng vì sao cô gái nhận ra ngay, qua cái vẻ ngoài không đặc biệt này, có cái gì đó rất đặc biệt, với mình, dĩ nhiên. Và cô công nhận thẳng thừng: “Tớ thích lối nói chuyện của đằng ấy quá!”. Có duyên không nhỉ, cô gái trong trường hợp này ấy? Tôi nghĩ, có, và có hơi bị hay, hơi bị độc đáo nữa. Bởi cô gái đã thành thật với mình, và thành thật với người con trai mình muốn làm quen. Có sao đâu! No-star-where!

Tôi lại chợt nhớ đến câu thơ của Voznetsenski “Cô không chừng mực trong một thế giới chừng mực”.

Câu thơ ấy là lời ngợi ca dành cho một thiên tài vũ balet Nga: Maia Plisetskaia, nhưng ở khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời bình thường của mỗi chúng ta, những người không phải thiên tài, câu thơ ấy vẫn như dành cho ta. Cái “không chừng mực” mà ta thể hiện, nhiều khi không hề vượt quá sự chừng mực, mà nó là sự độc đáo của cái chừng mực, nó “xanh lá cây” như cái tên Midori rất đỗi bình thường mà không kém lạ lùng kia!