VĂN HÓA

Kịch thiếu nhi - sân chơi vắng vẻ

Anh Vũ • 30-05-2019 • Lượt xem: 3148
Kịch thiếu nhi - sân chơi vắng vẻ

Cứ mỗi dịp 1/6, sân khấu IDECAF lại có một vở kịch phục vụ cho các em thiếu nhi trong suốt mùa hè. Nhưng nhiều năm nay, hầu như IDECAF chỉ “một mình một chợ”, trong khi nhu cầu của thị trường không hề nhỏ.

Tin, bài liên quan:

NSƯT Việt Linh – Quyết tâm với sân khấu kịch Hồng Hạc

Kịch thiếu nhi, dễ mà khó

Là đơn vị khởi xướng thực hiện kịch thiếu nhi từ hơn 20 năm, đến nay sân khấu Idecaf đã ra mắt 32 chương trình Ngày xửa ngày xưa. Chương trình dần mở rộng, chuyển sang diễn tại Nhà hát Bến Thành với quy mô ngày một lớn, vở nào cũng cháy vé. Có thể hiểu trẻ em đang thiếu sản phẩm nghệ thuật đến thế nào. Điện ảnh có nhiều phim dành cho thiếu nhi, nhưng đa số là của nước ngoài. Các em vẫn cần một không gian huyền ảo, gần gũi, đầy màu sắc của sân khấu.

Vở "Truy tìm Thủy Long Kiếm" của sân khấu kịch Idecaf

Trong khi đó, nhiều phụ huynh sẵn sàng dành thời gian đưa con đi xem kịch bởi họ hiểu rằng những câu chuyện cổ tích mang thông điệp nhân văn ấy còn hơn trăm ngàn lời dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô. Đồng thời, chính họ cũng được trở lại tuổi thơ, nhẹ đi những nỗi lo toan thường ngày. Vậy nên, khán giả của kịch thiếu nhi bao giờ cũng đông hơn kịch người lớn, có khi cả gia đình 3-4 người cùng đi xem. Giám đốc sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn từng nhận xét “kịch thiếu nhi nuôi kịch người lớn”, có thể hơi đùa nhưng điều đó là có thật.

Thế nhưng, để thực hiện một vở kịch thiếu nhi thật không đơn giản chút nào. Sân khấu Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ từng vào cuộc với các vở Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm, Tên trộm thành Bát Đa… nhưng chẳng bao lâu thì bỏ cuộc. Đạo diễn Ái Như nói: “Làm kịch thiếu nhi phải đầu tư rất cao cho cảnh trí lung linh, trang phục lộng lẫy. Cần có nhạc sĩ soạn nhạc riêng cho vở, chuyên gia may trang phục, thiết kế sân khấu, đạo cụ... Ngay cả diễn viên cũng phải giỏi ca hát, nhảy múa, biết hoạt náo, tung hứng. Chi phí đầu tư cao như vậy nên phải thuê nhà hát lớn như Bến Thành với cả ngàn ghế mới nhanh lấy lại vốn”. Nhưng với tình hình sân khấu hiện nay, rất khó để một đơn vị có thể bỏ ra số tiền lớn như vậy trong khi giá vé thì không thể tăng. Hơn nữa, Nhà hát Bến Thành lúc nào cũng kín lịch, thuê các sân khấu khác lại không đáp ứng được quy mô.

Kịch thiếu nhi chưa được hỗ trợ nhiều

Cho đến nay, sân khấu thiếu nhi vẫn do các đơn vị tư nhân đảm nhiệm, chưa có sự hỗ trợ nhiều từ nhà nước. Nên chăng, các ngành chức năng có thể giao chỉ tiêu dựng kịch thiếu nhi cho các đơn vị quốc doanh hoặc dành kinh phí nhất định để mua vé từ các vở kịch tư nhân, tặng miễn phí cho thiếu nhi ngoại thành, các trường mồ côi, học sinh giỏi, cho v.v… Có người bảo trợ đầu ra thì tư nhân mới dám làm lâu dài. Thực sự các nhà văn hoá thiếu nhi được xây dựng rất đẹp, có thể kết hợp với các đơn vị tư nhân để làm kịch mỗi mùa hè. Với quy mô khiêm tốn, chỉ cần khoảng 100 đến 150 triệu đồng cũng đủ làm một vở khá tốt do giảm được chi phí thuê sân khấu và tận dụng các lớp văn nghệ thiếu nhi tại trung tâm vào những vai quần chúng, vũ đạo. Lực lượng nghệ sĩ trẻ hùng hậu của làng kịch nói cũng không thiếu tâm huyết, sẵn sàng ủng hộ.

Vở "Tên trộm thành Bát Đa" của SK Thế Giới Trẻ

Vở "Ngàn lẻ hai đêm" của SK Hoàng Thái Thanh

Thực tế, các vở kịch lịch sử mà Idecaf dàn dựng cho thiếu nhi như Trần Quốc Toản, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng… khi trình đề án lên cũng chỉ nhận được những lời hứa vô chừng, dù tính ra trung bình đầu tư cho mỗi em học sinh được đi xem với giá chỉ chưa bằng... một gói xôi. Các đơn vị tư nhân đã làm xong giai đoạn đầu, nhưng nhà nước vẫn chưa tiếp sức thì kịch thiếu nhi vẫn mãi là sân chơi vắng vẻ, tự bơi và tự diệt.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch Idecaf chia sẻ: “Chúng tôi không sợ cạnh tranh và cũng không thích một mình một chợ. Thiếu nhi của thành phố mình đông lắm, các em cần nhiều vở để xem, cần có thêm nhiều đơn vị cùng làm kịch để thế hệ trẻ được lớn lên trong cái đẹp và nhân văn”.