VĂN HÓA

Kiếm được nhiều tiền với chai thủy tinh bỏ đi

DDVN • 26-04-2022 • Lượt xem: 1555
Kiếm được nhiều tiền với chai thủy tinh bỏ đi

Sữa, mật dừa nước, nước ép trái cây, nước lên men… đựng trong các chai thủy tinh rất đẹp nhưng nhiều khi không được tái chế tiếp mà bỏ ra bãi rác. Một chàng trai đã có ý tưởng kiếm được nhiều tiền từ số chai lọ này.


Kiếm tiền từ chai thủy tinh cũ, tại sao không?

Đó là Trần Minh Luông, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp Brick House. Dự án do anh sáng lập tên “Thủy tinh xanh”, mới được ra mắt tại TP.HCM vào sáng 24.4.

Sống xanh, khởi nghề xanh

Anh Luông cho biết CLB của anh lấy sống xanh, khởi nghề xanh, khởi nghiệp xanh làm 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong khi đó, anh quan sát thấy đã có một số dự án khởi nghiệp về thủy tinh nhưng hoạt động không được bao lâu thì phải bỏ dở do vướng nhiều khó khăn từ thu gom, xử lý đến nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân sự và bán hàng…

“Trong khi từ chai thủy tinh có thể tái chế, tạo ra các sản phẩm ứng dụng nghệ thuật rất đẹp mắt, sản phẩm tạo ra rất chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu trong lĩnh vực trang trí nội thất hiện đại. Do đó, “Thủy tinh xanh” đã ra đời", anh Luông nói về lý do hình thành dự án.


Anh Luông (trái), chị Bích, chị Quyên trao đổi với bạn trẻ về thủy tinh


Bạn trẻ say mê vẽ trên chai thủy tinh

Việc tái chế những chai thủy tinh đã dùng rồi, sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, thiết thực, phù hợp cho thị trường trang trí nội thất chỉ là 1 trong nhiều hoạt động của dự án kiếm tiền từ chai thủy tinh.

Anh Luông cho hay, dự án của anh sẽ tổ chức workshop dành cho các bạn trẻ để mọi người cùng được thư giãn vừa vẽ chai thủy tinh tái chế vừa lan tỏa thói quen sống xanh, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, mọi người còn tổ chức hoạt động "Tái chế thủy tinh, ươm mầm nghệ thuật" dành cho các em mái ấm. Hoạt động này sẽ thu hút các sinh viên mỹ thuật cùng tham gia để hướng dẫn dạy vẽ cho các em ở mái ấm trên chất liệu thủy tinh.

"Khoác áo" mới cho chai thủy tinh cũ

“Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các ngày cộng đồng tại các doanh nghiệp, phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức các ngày hội sống xanh cho nhân viên của mình bằng các hoạt động tái chế, trong đó có cả vẽ chai thủy tinh. Chúng tôi cũng sẽ có doanh thu đến từ lượng thủy tinh được thu gom để bán cho các nhà máy tái chế thủy tinh”, anh Luông cho hay.

Thu chai thủy tinh đã dùng từ cộng đồng

Anh Luông cho biết dự án sẽ thu gom chai thủy tinh đã qua sử dụng từ các quán bar, nhà hàng, hộ dân… Dự kiến mỗi tháng sẽ thu gom được ít nhất 1,5 tấn đến 2 tấn thủy tinh, để có thể ứng dụng vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn.


Chai thủy tinh có thể tái chế thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo

Nhiều người thắc mắc “liệu những màu vẽ trên những chiếc chai thủy tinh, nếu tiếp tục bị thải ra môi trường cũng có thể gây ô nhiễm không kém?”. Anh Luông cho hay: “Với dự án “Thủy tinh xanh”, hoạt động vẽ trên chai thủy tinh chỉ chiếm một hoạt động nhỏ so với tổng thể dự án, sự chuyển đổi sinh thái xã hội cần có 1 lộ trình và cần chung tay của nhiều bên liên quan... Việc ban đầu của chúng tôi là mong muốn mọi người hạn chế thải chai thủy tinh ra môi trường, tăng cường tái chế để phát triển bền vững".

Biến thủy tinh vô hồn thành nghệ thuật

Sáng ngày 24.4, tại Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhiều người trẻ ngồi lại cùng nhau sáng tạo tự do với màu, trên chai, lọ thủy tinh. Từ những chiếc chai thủy tinh bỏ đi vô hồn, bằng đôi tay khéo léo của những bạn trẻ, chúng đã biến thành những sản phẩm độc đáo.

Không chỉ vậy, những người trẻ còn được giới thiệu về thực trạng rác thải thủy tinh, các tác động đến môi trường đồng thời quy trình tái chế thủy tinh tại châu Âu, Nhật Bản.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó tổng thư ký Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam, giới thiệu về các hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam, các đơn vị cơ sở và quy trình thu gom. Đồng thời, chị dành nhiều lời khuyên bổ ích cho các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp từ chất liệu thủy tinh.

Bên cạnh đó còn là những trải nghiệm từ chị Hứa Minh Quyên, sáng lập dự án Mắt vạn hoa, người rất đam mê phát triển nghệ thuật vẽ chai thủy tinh. Chị chia sẻ góc nhìn về tiếp cận nghệ thuật vẽ chai thủy tinh cũng như những lời khuyên cho người trẻ muốn kiếm tiền từ những chiếc chai lọ tưởng chừng bỏ đi này.

Theo Bảo Vy/Thanhnien.vn